Euro 2012: Cầm đồ theo thời vụ “lấn sân”

Kinh tếThứ Sáu, 15/06/2012 05:25:00 +07:00

(VTC News)- Dịch vụ cầm đồ làm ăn theo mùa đang chia sẻ "thị phần" với những tiệm cầm đồ có mặt bằng kinh doanh.

(VTC News) – “Chỉ cần mỗi ngày có vài chiếc điện thoại, vài cái máy tính mà chủ nhân không có khả năng trả tiền thì cửa hàng đã thu về không dưới 3 triệu đồng. Trung bình cả tháng Euro, cửa hàng lãi đến trăm triệu đồng, thậm chí hơn tùy vào tài sản cầm cố”, nhân viên một cửa hàng cầm đồ chia sẻ.

Cầm đồ thời vụ dành khách

Tận dụng cơ hội kinh doanh mùa Euro, không ít người đã mở dịch vụ cầm đồ thời vụ. Đối tượng đưa ra hình thức kinh doanh theo thời vụ này là những người muốn kiêm thêm nghề tay trái.

Nhiều thông tin giới thiệu dịch vụ cầm đồ thời vụ đã được đăng tải trên một số diễn đàn Internet. Với các nội dung quảng cáo như “Phục vụ Euro – Mở shop cầm đồ” hay “Nhận cầm đồ lãi suất thấp cho anh em mùa Euro”….các điểm cầm đồ này cũng thu hút lượng khách tăng hơn 10% - 15% so với mùa Euro trước.

Theo tìm hiểu của PV, vật được cầm nhiều nhất vẫn là điện thoại di động, laptop, xe máy…ngoài ra có cả nhẫn, lắc vàng, đá quý.

Không bận tâm với chuyện thuê mặt bằng, các cửa hàng cầm đồ "ảo", làm ăn thời vụ dễ dàng đưa ra mức lãi suất thấp (Ảnh minh họa)

Với ưu thế không tốn tiền thuê mặt bằng, không cần thuê nhân viên trông coi và giao dịch… các cửa hàng cầm đồ thời vụ có thể đưa ra mức lãi suất thấp. Nếu như mức lãi suất phổ biến của các tiệm cầm đồ mặt phố dao động từ 5% - 6%/ngày thì có không ít cửa hàng cầm đồ “ảo” chỉ đưa ra mức lãi suất khá thấp 2,5% - 4%, thậm chí có nơi chỉ áp mức lãi trần 1.000 đồng/ngày đối với tất cả tài sản.

Anh Duy Tín (Chủ một cửa hàng cầm đồ thời vụ) cho hay: “So với những cửa hàng cầm đồ phải thuê mặt bằng, chúng tôi không phải bận tâm lo lắng. Thời buổi hiện nay giá thuê mặt bằng tăng cao nên mức lãi suất cũng bị họ đẩy cao hơn chút ít”.

Lần theo một địa chỉ trên mạng, trong vai người có nhu cầu cầm đồ, PV VTC News nhận được những lời chào mời hết sức hấp dẫn. Chủ tiệm cầm đồ này là một chàng trai 24 tuổi đã tốt nghiệp cao đẳng nhưng chưa tìm được việc làm. “Nếu anh cần cầm đồ, tôi sẽ cử nhân viên hoặc đích thân tôi đến tận nhà đưa tiền và lấy đồ”, ông chủ trẻ cho biết.

Với lợi nhuận kếch xù, nhiều người đã tham gia loại hình kinh doanh này để kiếm chút thu nhập. Song, không ít chủ cửa hàng cũng bị “sập bẫy” khá ngoạn mục. Chị N (Kinh doanh cầm đô trên đường Láng) kể: “Euro 2 năm trước, chị nhận cầm nhẫn, dây chuyền nhưng sau đó mới tá hỏa vàng không đủ tuổi. Cuối cùng, chị phải chịu bán với mức giá lỗ hơn nhiều so với lúc định giá cho khách”.

Lợi nhuận “khủng”

Những ngày này, các con phố tập trung nhiều cửa hàng cầm đồ ở Hà Nội như Đặng Dung, Láng… tình hình kinh doanh “hồi sinh” trong thấy. Theo quan sát của PV, 8h sáng, hầu hết các tiệm cầm đồ đã mở cửa và thời gian hoạt động đến tận đêm, thậm chí đối với khách quen chỉ cần một cuộc điện thoại tất cả các giao dịch được thực hiện tận nhà.

Chủ một cửa hàng cầm đồ trên phố Đặng Dung tiết lộ: “Lượng khách tăng gấp 3 lần, vì đây là mùa làm ăn mà. Trung bình từ khi bắt đầu Euro, mỗi ngày cửa hàng của tôi nhận cầm ít nhất 2 điện thoại, 1 xe máy, 1-2 chiếc laptop mới. Cách đây mấy tuần, còn ngồi dài cổ mong đến cuối tuần mới có khách hàng, còn hàng ngày chỉ có vài khách lẻ tẻ mà thôi”.

Điện thoại được cầm nhiều nhất trong dịp Euro(Ảnh minh họa)

Lượng khách càng đông thì các chủ cửa hàng lại có dịp “ăn nên, làm ra”. Thế nhưng, đối với khách khi chấp nhận cầm đồ để lấy tiền là chấp nhận trước tình trạng “luộc đồ”, đổi linh kiện… của một số cửa hàng làm ăn vô lương tâm. Thời giancầm đồ thông thường được giới hạn trong 5-7 ngày, chỉ cần qua thời gian trên, tài sản cầm cố thuộc sở hữu của chủ cửa hàng.

Anh Luân (Nhân viên một cửa hàng cầm đồ) cho hay: “Đa số những người đến cầm đồ mùa Euro là lấy chỗ này đắp chỗ kia, không ít trong đó là sinh viên nên nhiều người chẳng nghĩ đến chuyện lấy lại. Chỉ cần mỗi ngày có vài chiếc điện thoại, vài cái máy tính mà chủ nhân không có khả năng trả tiền thì cửa hàng đã thu về không dưới 3 triệu đồng. Trung bình cả tháng Euro, cửa hàng lãi đến trăm triệu đồng, thậm chí hơn tùy vào tài sản cầm cố”.

Với bộ dạng thất thểu sau 2 trận cầu đêm 12/6, D.V (Phố Kim Mã – Hà Nội) đi khảo giá vài cửa hàng sát nhau, nhưng không ở đâu định giá chiếc điện thoại Nokia với giá cao hơn. Sau khi kì kèo bớt một thêm hai, D.V cũng đành chấp nhận cầm với giá 3,5 triệu đồng.

D.V cho biết: “Từ đầu mùa lại nay, tôi đã phải 2 lần đi cắm điện thoại và 1 lần cắm laptop. Trận Anh – Pháp đặt hi vọng tuyển Anh sẽ thắng, nhưng cuối cùng hòa nên lại mất tiền oan. Điện thoại định giá như thế là quá rẻ, tầm 60% giá trị nhưng đang cần tiền nên phải giật gấu vá vai. Hy vọng tiền này sẽ được gỡ gạc lại ở những trận tiếp theo”.

Những người lao như thiêu thân vào vòng xoáy của cá cược để rồi chật vật xoay xở tiền từ những cửa hàng cầm đồ như D.V không phải là hiếm.

Cô T (Bán nước ngay đầu đường Láng) than thở: “Cứ mỗi mùa bóng đá như này lại không ít ông bố, bà mẹ lại phải đắng cay đưa tiền đến chuộc lại đồ đạc cho con. Nhiều người chuộc được đồ xong còn trả cả lãi nữa có khi lên đến mấy chục triệu đồng. Tôi nghĩ không nên dính vào để rồi đi bán hết tài sản, nợ nần chồng chất”.

Cực nóng, cực độc, cực ấn tượng về Euro 2012

Xem thêm tại đây


Anh Minh
Bình luận
vtcnews.vn