Đặc biệt là việc áp dụng mô hình đầu tư BT. Những tưởng điểm nghẽn trong phát triển hạ tầng đã lùi xa nhưng mới đây, bằng các công văn của mình, Bộ Tài chính đang khiến cả 3 bên: Nhà nước, nhà đầu tư và người dân đứng trước nguy cơ “thiệt đơn, thiệt kép”.
Những câu hỏi chưa lời giải đáp
Cuối tháng 7/2018, Bộ Tài chính đề nghị UBND TP Hà Nội rà soát việc chấp thuận chủ trương sử dụng quỹ đất để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư theo hình thức BT. Đầu tháng 8/2018, công văn tương tự được gửi tới các bộ, cơ quang ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương và UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương. Yêu cầu tạm dừng việc xem xét, quyết định sử dụng tài sản công để thanh toán dự án BT áp dụng kể từ ngày 1/1/2018 cho đến khi Nghị định của Chính phủ quy định về nội dung này có hiệu lực thi hành.
Dưới góc độ quản lý nhà nước, việc Bộ Tài chính ban hành các công văn trên là chức năng, nhiệm vụ của họ. Nhưng dường như thời điểm và những hệ lụy mà công văn này gây ra cho ba bên chưa được Bộ Tài chính tính tới, hàng loạt câu hỏi được nêu ra nhưng chưa thể tìm ra câu trả lời.
Thứ nhất, dự thảo Nghị định nói quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án BT đã được trình Chính phủ ngày 6/10/2017. Tới thời điểm này, Nghị định đó chưa được ban hành, và cũng chưa có lời hẹn nào về thời điểm ban hành. Điều này đồng nghĩa với việc quay lại thời kỳ bế tắc do xuất hiện khoảng trống pháp lý, không thể triển khai các dự án, việc phát triển hạ tầng gần như “dậm chân tại chỗ".
Thứ hai, nếu cơ chế có thay đổi, sao Bộ Tài chính không ra công văn này sớm hơn, ngay khi Quyết định 23/2015/NĐ-TTg hết hiệu lực thi hành cuối năm 2017 mà phải đợi tới giữa quý 3/2018, Bộ này mới ra công văn hồi tố các dự án triển khai từ đầu năm đến nay? Không chỉ khiến các bên liên quan “thiệt đơn, thiệt kép” mà đề xuất này của Bộ còn khiến họ cảm thấy bất an, hoang mang khi chưa đưa ra được một giải pháp khả dĩ nào để xử lý hậu quả do sự chậm trễ kể trên.
Không để “ba nhà” cùng thiệt
Nếu giả định rằng mọi việc “thuận buồm, xuôi gió” với Bộ Tài chính, đề xuất của họ được các địa phương và các Bộ, ngành chấp thuận, tức là tất cả các dự án BT, dù đã triển khai hay chưa, mà bàn giao quỹ đất hoàn vốn cho nhà đầu tư sau ngày 1/1/2018 thì đều bị tạm dừng, thì nguy cơ hiện hữu trước mắt là thiệt hại cho cả “ba nhà”.
Nhà nước chưa thể tiếp tục huy động nguồn vốn tư nhân để phát triển hạ tầng; nhà đầu tư chưa thể tiếp tục triển khai dự án và mơ ước được sử dụng những công trình giao thông hiện đại, chất lượng và tiện dụng của người dân vẫn cứ xa vời.
Trong đó, đối tượng chịu thiệt hại lớn nhất ở đây chính là nhà đầu tư, bởi phát triển hạ tầng là một cỗ máy ngốn tiền khủng khiếp. Thậm chí, ngay cả khi chưa khởi công dự án, các chi phí mà nhà đầu tư bỏ ra có thể đã lên tới hàng nghìn tỷ đồng như chi phí giải phóng mặt bằng, chí phí lập quy hoạch, giá trị hợp đồng với các nhà thầu, tư vấn…
Đó là còn chưa kể đến chi phí cơ hội trong việc sử dụng nguồn lực: thay vì dồn nhân lực, vật lực vào dự án BT để đảm bảo tiến độ và chất lượng do nhà nước đưa ra, họ hoàn toàn có thể chủ động tìm hiểu, nghiên cứu, triển khai các dự án khác. Như vậy là họ đang gánh hai lần thua thiệt, điều không nên tồn tại trong một môi trường kinh doanh đang tiệm cận các chuẩn mực của thế giới.
Bên cạnh đó, một điểm cần được chú ý đặc biệt theo cảnh báo chuyên gia kinh tế chính là nếu đề xuất của Bộ Tài chính được thực hiện có thể gây ra mất niềm tin trong việc thu hút vốn đầu tư của khu vực ngoài nhà nước vào phát triển hạ tầng.
Theo tính toán, nhu cầu đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng của Việt Nam đến năm 2030 ước khoảng 3 triệu tỷ đồng (chưa tính hạ tầng đường sắt cao tốc, đường thủy, đường sông...), trong khi nguồn lực cân đối từ ngân sách nhà nước được Quốc hội thông qua đến năm 2020 chỉ khoảng 150 nghìn tỷ đồng, tương đương vỏn vẹn 5% nhu cầu. Một khi khủng hoảng niềm tin nổ ra, hay nói cách khác như đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường là “nếu dừng đầu tư BT, chúng ta sẽ quay lại thời kỳ chậm phát triển”.
Quan điểm của đại biểu Hoàng Văn Cường dựa trên cơ sở Thủ tướng đã nhiều lần phát biểu: “không xã hội hóa thì nguồn lực đâu cho phát triển?”, đồng thời khẳng định chúng ta sẽ “không vì thể chế, cơ chế mà bế tắc phát triển hạ tầng của Việt Nam”.
Soi chiếu cụ thể tinh thần của Thủ tướng vào việc Hà Nội đã quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư và cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 5 dự án về hạ tầng giao thông theo hình thức BT, thanh toán bằng quỹ đất, TS Phạm Sỹ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng nói rõ: “Quyết định nào đưa ra cũng không thể ngăn được các việc đã được triển khai, Hà Nội đã quyết định thì cứ làm, chứ không ngăn được.
Hơn nữa, Bộ Tài chính cấm nhưng chưa chỉ ra cần làm thế nào sẽ không thuyết phục được. Thực tế Hà Nội nên căn cứ tình hình thực tế triển khai của 5 dự án, dự án nào triển khai ở mức nhất định không dừng lại được nếu cần thì xin ý kiến Chính phủ cho làm tiếp”.
Bình luận