Tuy nhiên, nhiều người vẫn nghi ngờ tính chân thực của trận đấu mang màu sắc huyền thoại ấy, cho rằng nó là sản phẩm tuyên truyền của Liên Xô. Mà nếu nó có thật thì cũng không còn mang nhiều ý nghĩa, bởi nước Đức giờ đây lại được coi là “bạn thân” của Ukraine, khi nước này đang vùng vẫy thoát khỏi vòng kiềm tỏa của Nga.
Thực tế, bỏ qua những yếu tố địa chính trị, việc Ukraine ngả sang phía Tây chỉ là một biểu hiện của cái gọi là toàn cầu hóa đã được tác giả Thomas Friedman mô tả trong cuốn sách nổi tiếng “Chiếc Lexus và cây ôliu”. Trong đó, Ukraine chuyển trạng thái từ chỗ là con nợ của Nga sang trở thành con nợ của những định chế tài chính như World Bank, IMF hay ECB, mà Đức đóng vai trò như một chủ nợ hàng đầu.
Dĩ nhiên, những mối liên hệ giữa Ukraine với Nga không dễ dàng gì bị cắt bỏ trong ngày một ngày hai. Đơn cử, HLV trưởng của họ hiện nay, Mykhaylo Fomenko, chính là thành viên của đội tuyển Liên Xô lọt vào chung kết năm 1972, trận đấu mà họ để thua… Tây Đức.
Thời ấy thì những trận đấu như thế được coi là cuộc chạm trán giữa hai thế giới, với trắng đen phân định rõ ràng. Còn giờ, toàn cầu hóa đang xóa nhòa những đường biên giới, còn các định chế tài chính lại là những kẻ có tiếng nói mạnh nhất.
Những định chế ấy có thể đem tới sự thịnh vượng, giàu có thông qua hình ảnh ẩn dụ là chiếc Lexus. Nhưng dĩ nhiên là chỉ với những quốc gia nào đáp ứng được luật chơi khắc nghiệt. Còn ngược lại, như Friedman mô tả, nếu luật lệ không chặt chẽ, xã hội thiếu minh bạch, điều đã và đang xảy ra tại Ukraine thì chiếc Lexus sẽ chỉ dành cho một nhóm người trong xã hội mà thôi.
Song hãy tạm quên chuyện đó đó, nhường chỗ cho bóng đá. Đêm nay thì Ukraine của Fomenko sẽ đối đầu với cả một “cỗ xe tăng”, hay chí ít là chiếc Mercedes, Porsche hay Audi, những thương hiệu nổi tiếng của Đức thời toàn cầu hóa.
Bình luận