Bộ GD&ĐT vừa đưa ra dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục để lấy ý kiến giáo viên, phụ huynh và các tầng lớp nhân dân. Trong dự thảo, nghị định đưa ra nhiều chế tài để ngăn chặn những tiêu cực xảy ra trong môi trường giáo dục.
Trong đó, Điều 32 của dự thảo Nghị định quy định: "Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với hành vi xúc phạm nhân phẩm, danh dự người học. Phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng đối với hành vi xâm phạm thân thể người học".
Nếu vi phạm, giáo viên buộc phải xin lỗi công khai học sinh hoặc bị đình chỉ giảng dạy từ một tháng đến 6 tháng.
Qua nghiên cứu nội dung văn bản, đối chiếu với Nghị định 138 (năm 2013) và áp dụng vào thực tiễn, thầy giáo dạy Toán Trần Mạnh Tùng - trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội thấy rằng dự thảo nghị định này có nhiều nội dung không hợp lí và không khả thi.
Thầy Trần Mạnh Tùng cho rằng điều 29 và 32 trong dự thảo bất cập vì hiện nay các quy định cho nhà giáo đã đầy đủ và chi tiết.
Theo thầy Tùng, Nghị định Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Giáo dục có quy định chi tiết hơn, bao quát hơn và tăng tiền phạt lên gấp 2 lần. Có thể hiểu mục đích của việc làm này là tăng tính răn đe, phòng ngừa là chính.
"Tuy nhiên, quan hệ thầy trò trong nhà trường mang yếu tố đặc biệt, việc hành chính hóa, áp dụng một cách cứng nhắc có thể làm méo mó mối quan hệ này.
Một bộ phận xã hội có thể nghĩ rằng đạo đức được cân đo bằng tiền, cứ vi phạm thì nộp tiền là xong. Đây là lối suy nghĩ nguy hiểm, cần tránh. Vì thế, áp dụng trong trường hợp này là “lợi bất cập hại”, thầy Tùng nói.
Thầy Tùng cho rằng: "Ở khía cạnh kỷ luật học sinh, hực tế, nhà trường và các thầy cô phải làm đúng quy định nhưng phải rất linh hoạt, mềm mỏng. Có trường hợp cần nhẹ nhàng, có trường hợp cần nghiêm khắc, không thể đánh đồng vì mỗi em có tính cách khác nhau.
Do lòng tự trọng nghề nghiệp, đôi khi giáo viên vi phạm chỉ cần bị phê bình trong nhà trường cũng đã có hiệu quả, cần thiết hơn đã có các quy định khác của ngành Giáo dục, các Bộ luật. Việc kỷ luật nhà giáo cũng cần thận trọng, nếu cứng nhắc quá sẽ để lại hậu quả nguy hại".
Thầy Tùng cũng cho biết, dự thảo này gây hoang mang cho giáo viên do chưa có quy định chi tiết “thế nào là xúc phạm nhân phẩm”, “thế nào là xúc phạm thân thể”... nên áp dụng rất dễ tùy tiện, sai bản chất, vô hình chung đẩy các thầy cô vào một nỗi sợ mới.
Vị giáo viên này cũng đưa ra dẫn chứng, ngày 26/9/2018, một giáo viên tiểu học ở Huế đã yêu cầu học sinh ngậm bút để giữ trật tự (ngậm ngang bút chì trong 5 – 7 phút cuối giờ). Sự việc bị phụ huynh lên án gay gắt, cô giáo đã bị Phòng Giáo dục kiểm điểm, phải xin lỗi phụ huynh, học sinh. Cô bị phê bình đã xâm phạm thân thể học sinh.
Quan sát sự việc, nhiều người, kể cả các phụ huynh cho rằng, quy kết như vậy là quá nặng, không thực tế, thiếu tính thuyết phục. Hơn nữa, cô giáo bị phê bình cũng không phục.
Video: Bi hài cả lớp đua nhau mách tội bạn bè để được cô giáo cộng điểm
"Hiện nay, các quy định dành cho nhà giáo đã đầy đủ và chi tiết. Bộ GD-ĐT đã có Quyết định 16/2008 “Quy định về đạo đức nhà giáo”, Luật giáo dục 2015 dành hẳn chương IV với 13 điều quy định về “Nhiệm vụ và quyền của nhà giáo”. Ở các Sở GD-ĐT, nhà trường còn có các quy tắc ứng xử giáo viên, học sinh, các chế tài kỷ luật tương ứng hay ở khía cạnh xã hội thí có Luật Dân sự, Luật Hình sự,… Việc có thêm các quy định xử phạt hành chính trong phần này là không cần thiết, thậm chí bị chồng chéo, quy định chồng vào luật.
Tôi kiến nghị, nên đưa nội dung trong Điều 29 và Điều 32 ra khỏi Nghị định Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Giáo dục", thầy Tùng đề nghị.
Nghị định ra đời nhằm điều chỉnh các hành vi sai trái trong quan hệ thầy – trò. Tuy nhiên, hơn 5 năm qua, từ khi có Nghị định 138, tôi thấy tác động trở lại của Nghị định là mờ nhạt nếu không nói là phản tác dụng.
Quan hệ thầy - trò, quan hệ đồng nghiệp... trong nhà trường được điều chỉnh bởi quan hệ đạo đức, văn hóa chứ không được "luật hóa" bởi các quy định, chế tài. Do đó, hành vi "xúc phạm danh dự, nhân phẩm" giữa thầy - trò, đồng nghiệp nên xử lý theo quy chế, theo kỷ luật của ngành hơn là xử lý bằng chế tài hành chính.
Bởi thế, không nên cứng nhắc, đưa quan hệ thầy – trò thành quan hệ dân sự đơn thuần. Việc làm này vừa không có tác dụng vừa làm méo mó hình ảnh người thầy, không đạt mục đích và hiệu quả giáo dục.
Điều 29. Vi phạm quy định về xúc phạm nhân phẩm, danh dự, xâm phạm thân thể nhà giáo, cán bộ, nhân viên cơ sở giáo dục
1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi xúc phạm nhân phẩm, danh dự nhà giáo, cán bộ, nhân viên cơ sở giáo dục.
2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi xâm phạm thân thể nhà giáo, cán bộ, nhân viên cơ sở giáo dục.
3. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc xin lỗi công khai đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều này
Điều 32. Vi phạm quy định về xúc phạm nhân phẩm, danh dự người học
1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi xúc phạm nhân phẩm, danh dự người học.
2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi xâm phạm thân thể người học.
3. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc xin lỗi công khai đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều này.
4. Hình thức xử phạt bổ sung: Đình chỉ giảng dạy từ 1 tháng đến 6 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều này.
Bổ ích
Xúc động
Sáng tạo
Độc đáo
Phẫn nộ
Bình luận