Sau thời gian dài phải nghỉ vì COVID-19, chị Thu Hà, nhân viên phòng nội địa thuộc một công ty du lịch ở Hà Nội, vừa quay trở lại với công việc được hơn 2 tháng đã lại phải đứng trước mối lo tái thất nghiệp. COVID-19 lan rộng trong cộng đồng khiến doanh nghiệp của chị buộc phải hủy tất cả các tour du lịch tại Đà Nẵng, Quảng Nam đúng mùa cao điểm. Không chỉ thế, hàng loạt tour đến các địa phương cũng bị khách hủy hoặc dời đến thời hạn cuối năm.
"Các tour giảm rất nhiều nên tạm thời một số nhân viên không có việc làm, đặc biệt là bộ phận điều hành tour, hướng dẫn viên. Doanh thu của các đơn vị du lịch cũng giảm đột ngột", chị Thu Hà nói.
Chưa nói tới lương kinh doanh, mức lương cứng của công ty cũng sụt giảm nhưng theo chị Thu Hà, so với nhiều đồng nghiệp, chị vẫn còn may mắn vì công ty còn trụ được cho đến thời điểm này. Rất nhiều doanh nghiệp lữ hành có quy mô nhỏ trước đó đã buộc phải đóng cửa hoặc giảm bớt nhân viên, hướng dẫn viên. Hiện tại, những doanh nghiệp này càng khó để hồi phục.
Anh Lê Văn Thành, nhân viên một công ty du lịch chuyên phục vụ tour tham quan Hạ Long, cho biết, do tác động của đợt COVID-19 lần trước, anh phải nghỉ việc từ sau Tết Nguyên đán cho đến đầu tháng 7. "Ngay cả sau khi hết giãn cách xã hội, du lịch nội địa phục hồi dần thì lượng tour vẫn rất ít, do khách vẫn e ngại đám đông nên chủ yếu tự tổ chức đi kiểu gia đình, nhóm bạn bè chứ không đặt tour như trước. Vì thế, nhân viên du lịch không có nhiều việc để làm", anh Thành nói.
Theo anh Thành, sau khi quay trở lại với công việc được ít ngày, COVID-19 bất ngờ tái bùng phát khiến du lịch tiếp tục chịu ảnh hưởng trầm trọng. Tuy không bị giãn cách xã hội như Đà Nẵng nhưng Quảng Ninh cũng thắt chặt kiểm soát du khách. Hiện mỗi tàu du lịch ở đây chỉ nhận lượng khách bằng một nửa bình thường để đảm bảo khoảng cách giữa các du khách. Khách ít, tour bị hủy nhiều khiến những nhân viên như anh Thành không còn được hướng dẫn tour như trước nữa, mà thay vào đó là đổi sang phục vụ tàu. "Hướng dẫn viên du lịch giờ chỉ còn có lương cứng, dù công việc vất vả hơn. Chưa kể lương sẽ giảm hoặc bị "găm" lại tùy thuộc vào doanh số của công ty. Dịch bệnh quay lại và kéo dài thế này, chúng tôi đang cầm cự từng ngày, mất việc chỉ là sớm hay muộn", anh Thành buồn bã than.
Theo anh Thành, bạn bè của anh hiện phải tìm thêm nghề "tay trái" để kiếm sống, không ít người phải bán cả tài sản lớn như nhà cửa, ô tô, cửa hàng... để tiết kiệm chi tiêu.
Không chỉ nhân viên du lịch mà nhân viên khách sạn cũng lâm vào cảnh khốn khó khi COVID-19 tái phát ở Việt Nam. Anh Trần Tùng, nhân viên lễ tân một khách sạn ở Đà Nẵng, đã tạm phải nghỉ việc do địa phương này đang trong thời gian giãn cách xã hội.
"Thực hiện lệnh giãn cách xã hội nên các khách sạn nhà hàng buộc phải đóng cửa, hiện tại theo thông báo của khách sạn trong tháng 7 chúng tôi vẫn được nhận lương đầy đủ. Tuy nhiên nếu khách sạn phải đóng cửa như thời gian trước thì chắc chắn chúng tôi sẽ chỉ được nhận hỗ trợ một phần ", anh Tùng lo lắng.
Theo anh Tùng cho biết, trước đó khách sạn nơi anh làm đã phải giảm 30 % số nhân viên, số tiền lương cũng bị giảm 1/3. Hai tháng 6,7 dù cao điểm du lịch nhưng doanh số cũng không đủ bù cho những tháng đóng cửa vì vậy anh và đồng nghiệp vẫn chưa được quay về mức lương cũ, ngoài ra cũng phải thay phiên nhau nghỉ.
Thừa nhận với VTC News tình trạng buộc phải cắt giảm nhân sự, bà Lê Thị Việt Hà - Phụ trách Truyền thông Công ty TNHH Du lịch HIS Sông Hàn Việt Nam cho biết, công ty có hơn 400 nhân viên nhưng tạm thời đã phải dừng gia hạn với số nhân viên hết hạn hợp đồng.
"Công ty Du lịch HIS Sông Hàn có nguồn vốn đầu tư nước ngoài nên so với nhiều công ty khác chúng tôi ít khó khăn hơn. Nhưng trước những tác động liên tục của dịch COVID-19, doanh số công ty vẫn bị sụt giảm nghiêm trọng, đặc biệt đợt dịch lần 2 khiến 50% số tour du lịch nội địa bị hủy bỏ. Ngoài bộ phận chi nhánh ở Đà Nẵng, các chi nhánh khác chúng tôi buộc phải cho nhân viên làm việc luân phiên, mỗi tháng nghỉ 3 ngày không lương. Đối với số nhân viên đã hết hạn hợp đồng, tạm thời chúng tôi cũng không gia hạn trong thời điểm hiện tại vì không đủ khả năng chi trả", bà Hà chia sẻ.
Cũng theo bà Hà, công ty đang tập trung phối hợp cùng du khách, đối tác để thay đổi dịch vụ theo nhu cầu chuyển tour, dời tour của phần lớn khách hàng sau khi điểm đến Đà Nẵng ngừng hoạt động. Đồng thời, công ty cũng tăng cường liên kết với các sở, ban, ngành để phát triển sản phẩm mới, phù hợp với nhu cầu của thị trường trong thời điểm này và liên kết với đối tác để có chính sách giá tốt cho sản phẩm hè - thu.
Còn với công ty BenThanh Tourist trước tình hình dịch bệnh và yêu cầu thực tế, mặc dù không cắt giảm nhân sự nhưng công ty cũng phải thực hiện áp dụng hình thức cho nhân viên luân phiên nghỉ, nhân viên có thể sắp xếp làm việc từ xa, giải quyết công việc online.
"Ban lãnh đạo công ty vẫn chưa đưa ra bất kỳ quyết định cắt giảm, định biên nhân sự nào. Thay vào đó, công ty thực hiện chế độ trả lương tối thiểu vùng áp dụng cho toàn hệ thống từ nhân viên đến quản lý cấp cao và được trả đều đặn hàng tháng", bà Trần Phương Linh - Giám đốc Truyền thông - Công ty BenThanh Tourist cho biết.
Tuy nhiên, bà Linh cho biết thêm nếu tình hình dịch COVID-19 còn kéo dài và lan rộng ra nhiều địa phương thì doanh nghiệp du lịch sẽ rơi vào tình trạng vô cùng khó khăn bởi đây đang là thời gian cao điểm du lịch, thời cơ để các doanh nghiệp phục hồi sau những tổn thất của dịch COVID-19 lần 1.
"Làn sóng dịch COVID-19 mới này sẽ khiến các doanh nghiệp khó khăn gấp bội, thậm chí sẽ có nhiều doanh nghiệp phải rời thị trường. Những nhà hàng, khách sạn chưa kịp mở cửa trở lại sẽ tiếp tục đóng hoặc có thể phải bán. Ngành du lịch từng kỳ vọng ở thị trường nội địa với kỳ nghỉ hè, du lịch hè trong tháng 8 - nhưng giờ dịch bùng phát khiến doanh nghiệp lỡ cơ hội phục hồi. Kỳ nghỉ Tết nguyên đán thì còn xa và khả năng mở cửa lại thị trường quốc tế trong bối cảnh này là rất khó", bà Linh nói.
Bình luận