• Zalo

Đột quỵ ở người trẻ tiếp tục tăng

Tin tứcThứ Bảy, 11/02/2023 12:07:05 +07:00Google News

Dịp nghỉ lễ Tết dài ngày cùng với yếu tố thời tiết, thói quen sinh hoạt, ăn uống thất thường khiến số người đột quỵ sau Tết tăng lên, trong đó nhiều người trẻ tuổi.

Trường hợp mới nhất vừa được Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh (TP.HCM) cứu kịp thời là một người đàn ông ở miền Trung bị đột quỵ bất ngờ khi vừa vào TP.HCM làm việc sau thời gian nghỉ Tết Quý Mão.

Thói quen hại bản thân

Bệnh nhân là ông L.N.H (46 tuổi, ngụ tỉnh Khánh Hòa). Tối 1-2, khi đang dùng bữa thì ông đột ngột bị liệt nửa người. Khoảng 1 giờ sau, bệnh nhân được bạn bè đưa đến Bệnh viện đa khoa Tâm Anh cấp cứu. Ngay lập tức, tất cả chuyên khoa liên quan từ cấp cứu đến chẩn đoán hình ảnh, nội thần kinh, hồi sức tích cực của bệnh viện vào cuộc khẩn.

Đột quỵ ở người trẻ tiếp tục tăng - 1

Nhiều bệnh nhân đột quỵ sau Tết đang cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa quốc tế SIS Cần Thơ

Bệnh nhân được xác định bị liệt hoàn toàn nửa người bên phải, có tiền căn bệnh lý tăng huyết áp, đái tháo đường, chỉ số mỡ máu cao. Qua CT scanner sọ não, loại trừ xuất huyết não, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị nhồi máu não bán cầu trái giờ thứ 2 và điều trị với thuốc tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch.

Sau gần 1 giờ cấp cứu, ông H. qua cơn nguy kịch, bắt đầu hồi phục, sức khỏe dần ổn định, được tiếp tục theo dõi điều trị nội khoa và tập vật lý trị liệu để bình phục.

Theo bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Phương Trang, Khoa Nội thần kinh Trung tâm Thần kinh - BV đa khoa Tâm Anh, đây là ca bệnh cấp cứu kịp thời, may mắn vẫn nằm trong giờ vàng cấp cứu đột quỵ (3 - 4,5 giờ đầu). "Chúng tôi đã làm việc thần tốc, từ cấp cứu đến chẩn đoán hình ảnh và dùng thuốc tiêu sợi huyết; tận dụng từng phút giây và chính xác trong từng khâu xử lý để cứu sống người bệnh" - bác sĩ Trang cho biết.

Ngày 27/1 (mùng 6 Tết), Bệnh viện đa khoa quốc tế SIS Cần Thơ cũng cứu một doanh nhân 41 tuổi bị đột quỵ. Do đặc thù công việc nên ông gần như ngày nào cũng nhậu. Gần đây, bệnh nhân cảm thấy mệt mỏi, hay choáng váng, mất thăng bằng, bị đột quỵ nhẹ trong Tết và đã khám ở một BV khác nhưng chẩn đoán chưa rõ ràng. Sáng mùng 6 Tết, thấy tê yếu nửa người, ông thông báo người nhà và được đưa ngay vào Bệnh viện đa khoa quốc tế SIS Cần Thơ.

Tại đây, qua kiểm tra, phát hiện ông bị hẹp động mạch não giữa, đồng thời bị đái tháo đường. Bệnh nhân được điều trị nội khoa tích cực, theo dõi kỹ trước khi các bác sĩ đưa ra phương án xử trí khác.

TS,BS Trần Chí Cường, Giám đốc Bệnh viện đa khoa quốc tế SIS Cần Thơ, cho hay những ngày đầu của năm mới, bệnh nhân đột quỵ nhập viện tăng cao. Trước Tết, trung bình mỗi ngày BV cấp cứu 30 ca đột quỵ, song trong và sau Tết, con số này lên đến 50 ca. Đặc biệt, những trường hợp đột quỵ nhập viện muộn, qua "thời gian vàng" tăng gấp đôi so với ngày thường. Trong hơn 2 tuần qua, BV đã cấp cứu cho 639 trường hợp, trong đó có 310 trường hợp đột quỵ. Số ca đột quỵ do nhồi máu não là 232 trường hợp (chiếm 75%), 78 ca xuất huyết não (chiếm 25%).

"Trong khi những ngày trước Tết, trung bình mỗi tuần chỉ có khoảng 110 bệnh nhân đột quỵ thì trong tuần nghỉ Tết và sau Tết, chúng tôi đã tiếp nhận khoảng 160 bệnh nhân đột quỵ", bác sĩ Huỳnh Quốc Sỹ, Trưởng khoa cấp cứu Bệnh viện đa khoa quốc tế SIS Cần Thơ, thông tin thêm.

Nỗi lo "ngã quỵ" ở người trẻ

Theo các chuyên gia, đột quỵ ở người lớn tuổi vốn đã là bình thường trong cuộc sống thì hiện nay, biến cố nguy hiểm này có xu hướng ngày càng tăng ở giới trẻ. Từng cứu chữa cho cả ngàn ca đột quỵ, TS, BS Trần Chí Cường cho biết những ngày đầu của năm mới, tiếp nhận nhiều ca đột quỵ trẻ tuổi khiến ông hết sức lo ngại. "Lạm dụng rượu bia, xem thường sức khỏe, tin tưởng một cách mù quáng vào các thứ thuốc được quảng cáo trên mạng xã hội… là sai lầm cần tránh" - bác sĩ Cường cảnh báo.

Theo ThS-BS Nguyễn Thị Bích Hường, Khoa bệnh lý mạch máu não Bệnh viện Nhân dân 115 (TP.HCM), đột quỵ có thể xảy ra với bất kỳ ai, ở mọi lứa tuổi. Nhiều năm trước, đột quỵ xảy ra chủ yếu ở người ngoài 60 tuổi do tình trạng lão hóa, chức năng của một số cơ quan suy giảm. Tuy nhiên, thời gian gần đây, số bệnh nhân trẻ tuổi bị đột quỵ tăng nhanh chóng và trở thành vấn đề đáng lo ngại cho toàn xã hội. Khác với người cao tuổi, nguyên nhân gây đột quỵ ở người trẻ thường xuất phát từ một số vấn đề sức khỏe liên quan tới tim mạch hoặc cấu trúc mạch máu bất thường…

"Đây là những vấn đề người trẻ ít khi quan tâm, họ thường mặc định rằng mình còn trẻ tuổi và không hề mắc bệnh lý gì nghiêm trọng. Cũng chính vì lý do này, các bệnh nhân trẻ tuổi chỉ phát hiện đột quỵ khi tình trạng đã diễn biến xấu, việc điều trị gặp nhiều khó khăn. Hậu quả là rất nhiều người phải chịu di chứng nặng nề sau đột quỵ, thậm chí là tử vong. Có thể nói tình trạng đột quỵ ở giới trẻ là vấn đề đáng báo động và cần được mọi người quan tâm nhiều hơn" - bác sĩ Bích Hường nói.

TS-BS Nguyễn Thị Minh Đức, Trưởng khoa Nội thần kinh Bệnh viện đa khoa Tâm Anh, cho biết tỉ lệ đột quỵ những năm gần đây khá cao, đặc biệt là ở những người trẻ tuổi do mắc bệnh tăng huyết áp sớm, hút thuốc lá, nhậu nhiều và thói quen ít vận động. Hiện nay, bệnh tăng huyết áp ngày càng trẻ hóa. Nhiều người chủ quan với bệnh, không điều trị tích cực, lơ là nên số người trẻ tuổi mắc đột quỵ cũng ngày càng tăng.

Các bác sĩ khuyến cáo người trẻ ngày nay nên vận động nhiều hơn, kiểm soát tốt huyết áp, có bệnh phải theo dõi, điều trị, giảm nhậu nhẹt, thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh (giảm tinh bột, chất béo, thịt đỏ; ăn nhiều rau quả) để chủ động phòng ngừa đột quỵ. 

(Nguồn: Báo Người Lao Động)
Bình luận
vtcnews.vn