Theo bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm Oxy cao áp Việt - Nga, Bộ Quốc phòng, khí CO (hay carbon monoxide) được sinh ra khi các vật dụng cháy trong điều kiện thiếu oxy. Ở các vụ hoả hoạn, sưởi lò than trong phòng kín, nằm ngủ trong lò gạch, nạn nhân thường tử vong, nguyên nhân chính do ngạt khí CO.
Hồng cầu vận chuyển oxy nhờ chất hemoglobin (huyết sắc tố). Mỗi phân tử hemoglobin như chiếc xe tải chở oxy đi khắp cơ thể. Điều kiện bình thường, oxy được vận chuyển trong máu động mạch ở hai dạng, kết hợp với hemoglobin (96-97%) và hoà tan trong máu (3-4%).
Khi CO xâm nhập đường thở, chúng lập tức chặn hemoglobin và oxy vận chuyển đi khắp cơ thể, dẫn đến cạn kiệt oxy, khiến con người rơi vào trạng thái chết ngạt trên cạn. Thời gian gây ngộ độc rất nhanh.
Ngoài ra, khí CO không màu, không mùi, không vị nên nạn nhân rơi vào tình trạng hôn mê rất âm thầm, không có dấu hiệu nào cảnh báo. Các ca ngộ độc khí CO, phần lớn đều do người thân phát hiện, khi nạn nhân bất tỉnh trong phòng.
Trong khi đó, khí CO2 khiến người bệnh nhanh chóng đi vào hôn mê, lịm dần và tử vong. Thời gian gây ngộ độc rất nhanh, chỉ sau vài phút, bệnh nhân bị ngạt thở, lịm dần rồi hôn mê không hay biết, không còn khả năng kháng cự.
Sưởi ấm bằng than còn nguy hiểm hơn với người già và trẻ nhỏ, những người hệ hô hấp yếu, sức đề kháng kém. Đặt than trong nhà, phòng để sưởi cũng có thể gây hỏa hoạn, bỏng do cháy quần áo, chăn đệm.
Khi nghi ngờ nạn nhân tiếp xúc với khí CO như lò sưởi, bếp than, người nhà cần làm thông thoáng không khí trước khi đi vào vùng nhiễm độc. Mang mặt nạ phòng độc hoặc khẩu trang ẩm, nhanh chóng đưa nạn nhân ra khỏi nơi nguy hiểm, đề phòng khả năng nổ của không khí giàu CO.
Chuyên gia khuyến cáo, thời gian tách khỏi khí CO càng sớm, người bệnh càng có cơ hội sống, hồi phục. Còn hôn mê quá lâu do khí CO, não thiếu oxy sẽ để lại những di chứng lâu dài về thần kinh. 40% số người bị ngạt khí CO để lại các di chứng như giảm trí nhớ, giảm tập trung, cơ mặt liệt, vận động bất thường, đi đứng khó khăn, tay chân cứng và run, liệt nửa người.
Khi phát hiện có người bị ngạt khí, cần nhanh chóng đưa nạn nhân rời khỏi phòng, ra ngoài không gian thoáng khí để kịp thời bổ sung oxy, đồng thời gọi cấp cứu hoặc đưa đến cơ sở y tế gần nhất. Nếu bệnh nhân thở yếu, bất tỉnh cần hà hơi, thổi ngạt, ép tim.
Bác sĩ khuyến cáo tuyệt đối không sử dụng than, củi để sưởi ấm trong phòng. Khi nhiệt độ xuống sâu, người dân có thể sử dụng nhiều biện pháp giữ ấm khác như che chắn kỹ các phòng, khe hở ở cửa; mặc trang phục phù hợp để giữ ấm cơ thể; dùng đèn sưởi, quạt sưởi, điều hòa.
Trường hợp thường xuyên phải dùng bếp than để đun nấu, nên đặt bếp ở nơi thông thoáng. Không đặt lò than trong phòng ngủ, nơi kín gió; không đốt qua đêm. Gia đình có thể dùng đèn sưởi, điều hòa hai chiều để tăng nhiệt độ trong phòng nhưng tránh có gió lùa.
Ngày 25/1, Bệnh viện đa khoa tỉnh Thanh Hoá cũng tiếp nhận 3 trường hợp nhập viện trong tình trạng hôn mê sâu sau khi đốt củi sưởi ấm và đóng kín cửa để ngủ. Qua kiểm tra, các bác sĩ thấy người bệnh có nồng độ CO2 trong máu cao. Bệnh nhân được các bác sĩ chẩn đoán ngộ độc khí CO.
Ngày 28/1, ba người trong một gia đình ở Bắc Giang được phát hiện tử vong sau khi ngủ trong phòng đóng kín cửa, dưới nền nhà có chậu than đã cháy hết.
Cùng ngày, tỉnh Lạng Sơn cũng ghi nhận trường hợp hai mẹ con tử vong trên giường. Khi kiểm tra, phát hiện trong phòng ngủ có chậu than dùng để sưởi ấm.
Địa phương này cũng xác nhận, một trường hợp khác là nam giới, 61 tuổi được gia đình phát hiện trong tình trạng gọi hỏi không biết, tím tái toàn thân khi cùng vợ đốt than hoa sưởi ấm trong phòng. Người này được đưa chẩn đoán ngộ độc khí CO, phải thở máy. Người vợ cũng bị ngộ độc khí CO mức độ nhẹ hơn, điều trị tại trung tâm Y tế huyện.
Bình luận