Không chỉ các doanh nghiệp xuất, nhập khẩu gặp khó khăn do giá USD liên tục tăng trong thời gian qua mà các doanh nghiệp sản xuất cũng như người tiêu dùng cũng đang chịu ảnh hưởng không nhỏ từ tác động của việc tăng tỷ giá thời gian qua.
Doanh nghiệp lo lắng
Cụ thể, lúc 7h30 sáng nay, giá USD tại nhiều ngân hàng đang neo ở mốc cao, khoảng 23.245 - 23.250 đồng. Hiện, tại Vietcombank, tỷ giá lúc này là 23.245 - 23.325 đồng (mua vào - bán ra); tại Sacombank hiện giao dịch ở mức 23.247 - 23.340 đồng; tại ACB là 23.250 - 23.330 đồng…
Trong khi đó, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước niêm yết hôm nay với đồng USD là 22.669 đồng/USD.
Giá bán USD tại các ngân hàng thương mại tăng từ 365 – 400 đồng, tương đương 1,5 – 1,7% so với thời điểm đầu năm. Tỷ giá trung tâm tại Ngân hàng Nhà nước cũng tăng 264 đồng, từ mức 22.045 của đầu 2018, tương đương khoảng 1%.
Theo tính toán của Ngân hàng Nhà nước và các chuyên gia kinh tế, mức tăng này vẫn trong tầm kiểm soát, không có gì đáng ngại. Tuy nhiên, các doanh nghiệp xuất, nhập khẩu có lý do để lo lắng bởi biến động tỷ giá ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Văn Giang – Phó Giám đốc CTCP Thiết bị giáo dục H.T (Hà Nội) cho biết, việc tỷ giá tăng trong thời gian qua gây bất lợi cho hoạt động nhập khẩu, khiến các đơn hàng ký trước đó của doanh nghiệp bị đội giá lên.
“Doanh nghiệp đang tính toán phương án kinh doanh sao cho vẫn đảm bảo có lãi mà giá bán không tăng nhiều. Trong bối cảnh thị trường đang gặp khó khăn, nếu mình tăng giá bán sản phẩm quá cao, sẽ ảnh hưởng đến sức mua và người tiêu dùng, mục tiêu kinh doanh cả năm có nguy cơ không đạt được theo kế hoạch”, ông Giang nói.
Cùng chung mối lo, ông Phí Anh Sơn – Giám đốc CTCP Điện Sơn Đông cho hay, trong 6 tháng đầu năm, doanh nghiệp có thể chịu thiệt hại hơn 100 triệu đồng cho hợp đồng đã ký trước đó vài tháng.
Những chi phí phát sinh này, ông Sơn cho biết, công ty sẽ buộc phải tính vào giá bán sản phẩm. "Không chỉ Điện Sơn Đông mà doanh nghiệp nào cũng phải làm vậy. Và tất nhiên, người tiêu dùng sẽ chịu thiệt", ông Sơn cho hay.
Tỷ giá USD tăng mạnh khiến doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa và vay nợ bằng đồng USD lo lắng, trong khi nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cũng không thật sự vui. Theo ông Hoàng Xuân Vịnh – Tổng giám đốc CTCP Xi măng Cẩm Phả, logic thông thường thì khi tỷ giá tăng, doanh nghiệp xuất khẩu sẽ được lợi, tuy nhiên CTCP Xi măng Cẩm Phả không được lợi nhiều do hầu hết các đơn hàng đã ký cả năm trước đó.
Thậm chí, theo chia sẻ của một lãnh đạo doanh nghiệp chuyên về may mặc xuất khẩu tại khu công nghiệp Nam Thăng Long (Hà Nội), khi đồng USD có dấu hiệu tăng giá mạnh vào tháng 6, một số doanh nghiệp cung ứng nguyên liệu trong nước đã gửi yêu cầu tăng giá nguyên liệu.
XEM BÀI LIÊN QUAN TẠI ĐÂY:
>> Tỷ giá tăng kỷ lục: Doanh nghiệp Việt 'kẻ khóc người cười'
>> Đồng USD tiếp tục vượt đỉnh: Ngân hàng Nhà nước nói gì?
Với người dân, những biến động của thị trường ngoại tệ đang mang đến khoản lợi lớn cho những người có thói quen găm giữ ngoại tệ.
Chị Phan Ngọc Mai (28 tuổi, Cầu Giấy, Hà Nội) cho hay, cuối 2017, mua USD với giá 22.740 đồng để tiết kiệm. “Khi giá USD tăng lên 23.240 đồng vào hôm qua, tôi đã rút toàn bộ tiền ra để bán hưởng chênh lệch”, chị Mai nói.
Theo ông Hoàng Trường Giang (56 tuổi, Nam Từ Liêm, Hà Nội), do có con trai ở nước ngoài gửi về nên mỗi năm ông bà đều nhận được khoản tiền lớn bằng đồng USD. Do không dùng đến số tiền đó nên ông thường gửi ngân hàng, gần đây giá USD tăng cao, ông rút bán chuyển sang tiền đồng để gửi tiết kiệm lấy lãi.
Các chuyên gia nói gì?
Theo ông Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, việc tăng tỷ giá trong những ngày gần đây không phải là hiện tượng nhất thời kéo dài trong một vài ngày mà có thể kéo dài trong cả năm 2018.
“Trong khoảng thời gian từ ngày 1/5/2018 đến ngày 1/8/2018, tỷ giá bình quân trên thị trường tăng khoảng 2,15%. Đây là mức tăng khá mạnh, sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là việc xuất nhập khẩu hàng hóa”, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu nói.
Việc tỷ giá tăng thời gian qua, theo chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu đến từ nhiều nguyên nhân, trong đó có ảnh hưởng bởi đồng USD lên giá trên toàn cầu sau khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất và nhu cầu cần USD để thanh toán của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu.
Ngoài ra, trong những ngày vừa qua, những biến động thị trường tiền tệ cho thấy có tác động của hiện tượng đầu cơ, găm giữ USD.
Video: Tiết lộ số tiền khổng lồ Nga thu được từ World Cup 2018
Vẫn theo chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu, tác động đến tỷ giá còn đến từ các đối tác thương mại, trong đó có Trung Quốc, đối tác nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam. “Những tháng gần đây đồng Nhân dân tệ (NDT) cũng bị mất giá. Tỷ giá USD/NDT đầu tháng Năm là 1 USD “ăn” 6,33346 NDT, đến ngày hôm nay đã tăng lên 6,79809 NDT, tương đương gần 11%.
Khi đồng NDT phá giá một cách mạnh mẽ như thế, thì đồng VNĐ mất giá so đồng USD chỉ ở mức 1,2%, có nghĩa đồng VNĐ lên giá so với NDT, làm cho hàng hóa Trung Quốc vào Việt Nam rẻ hơn rất nhiều”, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu phân tích.
Để tránh gặp những rủi ro về tỷ giá, chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cho rằng các doanh nghiệp nên mua các hợp đồng tương lai với một ngân hàng thương mại, giá trong tương lai sẽ được hai bên thỏa thuận và xác định với nhau rồi. Khi đã ký hợp đồng, doanh nghiệp sẽ có lượng ngoại tệ với giá đã định trước, không lo biến động tỷ giá. Ngoài ra, các doanh nghiệp xuất khẩu cần linh hoạt hơn trong việc sử dụng các loại ngoại tệ để thanh toán.
Với người dân có thói quen lựa chọn phương án gửi tiết kiệm bằng USD, ông Hiếu cho rằng nếu từ nay đến cuối năm tỷ giá tăng 3% thì việc đổi tiền đồng sang USD để găm giữ là không có lợi.
“Từ nay đến cuối năm, nhiều khả năng đồng USD sẽ tăng thêm 1% - 3%, tương đương tỷ giá sẽ lên mức 23.300 - 23.700 VNĐ/USD. Trong trường hợp USD tăng giá tối đa 3%, trong khi lãi suất tiền đồng ngân hàng huy động ở mức 7% - 8%/năm, thì gửi tiết kiệm bằng đồng Việt Nam vẫn có lợi hơn”, ông Hiếu nói.
Bình luận