Dựa vào câu chuyện ngụ ngôn về sói và cừu - câu chuyện về sự bất công độc tài trong đó con cừu bị sói đổ vấy tội lỗi và ăn thịt, bài đăng hôm 1/4 truy vấn: "Sói là ai?"
"Một số người cáo buộc Trung Quốc về cái gọi là "ngoại giao chiến lang". Trong câu chuyện ngụ ngôn nổi tiếng, sói buộc tội con cừu non. Sói là sói, không phải là cừu... Nhân tiện, Trung Quốc cũng không phải là cừu", Đại sứ quán Trung Quốc nhấn mạnh.
Dù phía đại sứ quán phủ nhận, nhưng các chuyên gia cho rằng đây là ví dụ mới nhất cho phong cách "ngoại giao chiến lang" mà Trung Quốc đang áp dụng. Với chính sách đối ngoại này, các nhà ngoại giao trẻ của Trung Quốc đưa ra những tuyên bố cứng rắn, quyết liệt, sẵn sàng công kích các nước khác để bảo vệ lợi ích của Bắc Kinh.
James Palmer - Phó tổng biên tập của Foreign Policy thông qua tweet này, Trung Quốc đang muốn nhắn nhủ họ hùng mạnh, không phải là con cừu non yếu ớt dễ dàng bị sói ăn thịt.
Theo Guardian, bài đăng mới đây cho thấy các nhà ngoại giao Trung Quốc đang ngày càng tỏ ra cứng rắn trước hàng loạt chỉ trích của phương Tây thời gian gần đây.
Trong thời đại mạng xã hội phát triển nhanh chóng, các "chiến lang" Trung Quốc thường xuyên đăng tải các dòng trạng thái lên các nền tảng xã hội bị cấm ở Trung Quốc như Twitter. Họ tìm cách đẩy lùi phản ứng của quốc tế trước hàng loạt các hành động bị chỉ trích gay gắt của Bắc Kinh.
Một số tạo ra những hiệu ứng nhất định. Trong số này phải kể đến bài đăng trên Twitter gây tranh cãi của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên.
Trong dòng tweet hồi tháng 12/2020, nhà ngoại giao Trung Quốc đính kèm hình ảnh một người đàn ông ăn mặc như binh sĩ Australia cầm dao dính máu kề cổ một đứa trẻ Afghanistan. Canberra khẳng định hình ảnh này là giả.
Theo ông Palmer, đối tượng mà các nhà ngoại giao Trung Quốc nhắm tới thông tin các bài đăng này thường là cấp trên của họ trong chính phủ.
"Sẽ được coi là thành công nếu sếp của bạn nhìn thấy nó và cho rằng nó phản ánh đúng đường lối chính trị", ông này cho hay.
Margaret Lewis, giáo sư luật và chuyên gia về Trung Quốc tại Đại học Seton Hall, New Jersey nhận định "ngoại giao chiến lang" hướng đến chính trị trong nước. Nhưng nếu mọi chuyện đẩy lên quá cao trào, điều đó có thể tạo điều kiện cho Mỹ mong muốn tăng cường liên minh và phối hợp đối phó với Trung Quốc.
Áp lực với quốc tế với Bắc Kinh ngày càng lớn, đặc biệt là sau khi Mỹ và EU áp đặt trừng phạt với các cá nhân và tổ chức của nước này liên quan tới vấn đề nhân quyền ở Tân Cương.
Đổi lại, các "chiến lang" của Bắc Kinh đẩy mạnh các tuyên bố hiếu chiến của mình. Truyền thông Trung Quốc và mạng xã hội nước này cũng tăng cường bảo vệ nước nhà trước các chỉ trích của cộng đồng quốc tế. Minh chứng gần đây nhất là cuộc tẩy chay với hàng loạt nhãn hàng ngừng sử dụng bông Tân Cương.
Bình luận