(VTC News) - Luật Đất đai 2003 đang được nghiên cứu sửa đổi, hoàn chỉnh trình Quốc hội thông qua tháng 5 năm 2013.
Đất đai là vấn đề lớn, quan trọng ảnh hưởng sâu sắc đến sự phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt liên quan tới lợi ích và quyền của người dân, nông dân nước ta, đang có nhiều vấn đề tranh luận và khiếu kiện nhất, rất cần ý kiến tham vấn, xin ý kiến rộng rãi trong xã hội.
Ngày 15/10/2012, tại Hà Nội, Quỹ Hợp tác và Phát triển phối hợp với thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đồng chủ trì xin ý kiến về những nội dung sửa đổi, bổ sung Luật đất đai. Trên cơ sở đó tập hợp báo cáo các cơ quan có thẩm quyền.
Hội thảo thu hút sự quan tâm, tham gia rộng rãi của các đối tượng bao gồm đại diện của nhiều nhà khoa học, Chính phủ, tổ chức quốc tế và đặc biệt có đại diện của người dân tại các vùng mà Quỹ và các mạng lưới, tổ chức xã hội khảo sát lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo Luật Đất đai sửa đổi của người dân. Hội thảo tập trung vào ba nhóm vấn đề:
Kết quả khảo sát tham vấn, ý kiến của người dân, đặc biệt là nông dân tại các địa phương: Bắc Giang, Hà Tĩnh, TP.HCM về những vấn đề cần sửa đổi, bổ sung Luật đất đai lần này;
Đóng góp ý kiến vào dự thảo sửa đổi Luật trên quan điểm của các tổ chức xã hội; Ý kiến các chuyên gia trong nước và quốc tế trong điều kiện tiếp tục đổi mới và tăng cường hội nhập quốc tế.
Trong hội thảo các ý kiến đều cho rằng, để Luật đi vào đời sống cần thể hiện đầy đủ quan điểm của Đảng về vấn đề đất đai, đó là:
Dự thảo Luật Đất đai cần tuân thủ các nguyên tắc của thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; sự quản lý của Nhà nước cần theo đúng các nguyên tắc của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa: của dân, do dân và vì dân; cần thực hiện đúng đắn quyền của dân trong hoạch định và giám sát việc thi hành các chính sách, luật pháp về đất đai và chính sách, luật pháp Nhà nước cần đặt quyền lợi và lợi ích hợp pháp, lắng nghe, tôn trọng ý kiến xác đáng của dân.
Để Pháp luật đi vào đời sống, Luật đất đai sửa đổi cần lấy ý kiến của người dân, đặc biệt là nông dân, nông thôn, những người bị nhiều ảnh hưởng nhất của Luật đất đai. Việc Quỹ hợp tác và Phát triển tổ chức tham vấn ý kiến của người dân ở 3 tỉnh: Bắc Giang, Hà Tĩnh, TP.HCM là hoạt động rất hữu ích, đáng khuyến khích và trân trọng.
Ý kiến của người dân tập trung vào các vấn đề về: giao đất và cho thuê đất, thu hồi đất, bồi thường và tái định cư, về cơ chế bồi thường. Qua tham vấn ý kiến, người dân có một số kiến nghị sau:
Nên giao đất nông nghiệp cho các tổ chức và cá nhân sử dụng ổn định lâu dài, mở rộng hạn điền, không hạn chế hạn mức chuyển nhượng đối với đất làm nông nghiệp.
Cần phân biệt các trường hợp thu hồi đất để có cơ chế giải pháp xử lý thỏa đáng.
Trước hết bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của dân, hài hòa với lợi ích của nhà đầu tư và Nhà nước, không để người dân chịu thiệt sau khi không còn đất sản xuất.
Xóa bỏ sự chênh lệch quá lớn hiện nay giữa giá do Nhà nước quy định với giá thị trường; thực hiện nguyên tắc một giá là giá thị trường; trừ các công trình phúc lợi công.
Thực sự bảo đảm tính công khai minh bạch về chính sách, thủ tục trong quản lý đất đai.
Trong những năm gần đây, các tổ chức xã hội của Việt Nam phát triển tham gia tích cực cùng Nhà nước giải quyết các vấn đề xã hội đặt ra, nhất là vấn đề xóa đói, giảm nghèo, nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Đây là tổ chức gần dân, sát dân, phản ánh và bảo vệ quyền lợi chính đáng của dân. Do đó dự thảo sửa đổi Luật đất đai cần lấy ý kiến tham gia của các tổ chức xã hội là rất cần thiết.
Dựa trên ý kiến đóng góp và nguyện vọng của dân về những vấn đề quan tâm nhất; đồng thời thông qua các bài trình bày, các ý kiến chia sẻ tại Hội thảo của các tổ chức xã hội, các chuyên gia trong nước và quốc tế, Hội thảo đã có một số kiến nghị:
Về thời hạn giao đất, về thời hạn giao đất cho người dân quy định tại điều 109 của dự thảo Luật, kiến nghị: đối với vùng đang sử dụng là đất nông nghiệp, thì Nhà nước nên giao cho các tổ chức và cá nhân “sử dụng ổn định lâu dài” (như đã ghi trong Điều 18 Hiến pháp 1992), tức là không có thời hạn; được như vậy thì người dân càng thêm yên tâm, tích cực đầu tư thâm canh, hiệu quả sử dụng đất sẽ tăng thêm; đồng thời cũng tránh được những thủ tục hành chính phiền hà mà người dân sẽ gặp phải để được tiếp tục sử dụng đất khi hết thời hạn.
Về hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất (Điều 112 và 113), đa số cho rằng: Nên có bước đột phá trong vấn đề hạn điền: Mở rộng hạn điền, xóa bỏ hạn chế chuyển nhượng đối với đất đang được sử dụng làm nông nghiệp; phù hợp với quy luật phát triển nông nghiệp hiện đại, cho phép nông dân tích tụ ruông đất, yên tâm đầu tư, hình thành những vùng sản xuất chuyên canh lớn, đạt hiệu quả kinh tế cao.
Về việc thu hồi đất, dự thảo đã dành nhiều quy định về việc thu hồi đất, tiếp theo Điều 15, Điều 1 của Dự thảo, ý kiến chung kiến nghị: Nên phân biệt các trường hợp thu hồi đất để có cơ chế, chính sách, giải pháp xử lý thỏa đáng.
Trường hợp thu hồi đất để sử dụng đất vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng thì thực hiện cơ chế trưng mua; còn các trường hợp sử dụng đất vào mục đích phát triển kinh tế thì cần bảo đảm nguyên tắc bình đẳng giữa các nhà đầu tư và người bị thu hồi đất, thực hiện giá thỏa thuận theo nguyên tắc thị trường.
Về thẩm quyền cưỡng chế thu hồi đất (Điều 57); điều này cần được quy định chặt chẽ hơn, cần phân cấp, phân ngành nhiều hơn cho chủ tịch UBND cấp tỉnh có thẩm quyền thu hồi và cưỡng chế thu hồi đất, rất hạn chế giao cho chủ tịch UBND cấp huyện, vì thực tế cho thấy việc vi phạm các quy định các quyền của dân trong vấn đề thu hồi và cưỡng chế thu hồi đất đã và đang xảy ra ở nhiều huyện, có nơi khá nghiêm trọng.
Về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, các điều 68, 69, 70 của Dự thảo đã đề ra những quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư… Xin kiến nghị: Cần tuân thủ nguyên tắc trước hết bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của dân, hài hòa với lợi ích của nhà đầu tư và Nhà nước, nhất thiết không để người dân thiệt thòi, không có việc làm và thu nhập sau khi không còn đất sản xuất.
Quan trọng hơn nữa là quy định rõ cơ quan nào, cấp chính quyền nào có trách nhiệm thực hiện những biện pháp trên, tránh nêu ra như những ”khẩu hiệu” không đi vào cuộc sống.
Về giá đất, giá đất là vấn đề đang gây bức xúc trong dân, là một nguyên nhân trực tiếp gây ra những vụ khiếu kiện kéo dài, ngày càng gay gắt. Xin kiến nghị: Xóa bỏ sự chênh lệch quá lớn hiện nay giữa giá do Nhà nước quy định với giá thị trường,thực hiện nguyên tắc một giá, là giá thị trường.
Khuyến khích hình thành và sử dụng rộng rãi các tổ chức tư vấn, giám định về giá đất, để việc xác định giá đất được quy định có căn cứ khoa học, khách quan, bảo đảm hài hòa lợi ích của các bên.
Về giám sát việc thực hiện các chính sách, pháp luật về đất đai, về các biện pháp chế tài xử lý vi phạm các quy định về đất đai. Tuy trong Dự thảo đã quy định tại Điều 184 về xử lý đối với người vi phạm pháp luật về đất đai và Điều 185 về xử lý đối với người quản lý vi phạm pháp luật về đất đai. Xin kiến nghị:
Cần bổ sung thêm những quy định chặt chẽ và cụ thể hơn về việc xử lý những cán bộ, công chức vi phạm hoặc thiếu trách nhiệm trong việc thi hành Luật Đất đai.
Cần quy định trách nhiệm cá nhân người đứng đầu cơ quan trong trường hợp cơ quan đã có những quy định trái luật gây thiệt hại cho dân hoặc có cán bộ, công chức vi phạm luật, thu vén cho mình những lợi ích bất hợp pháp.
Về quyền hạn của dân trong việc giám sát việc thực hiện các quy định của Luật Đất đai. Dự thảo đã quy định tại Điều 2 và tại Điều 48 đó là những quy định đúng đắn, nhưng chưa đủ. Xin kiến nghị thêm.
Cần thực hiện nghiêm trên thực tế việc công bố công khai, minh bạch hệ thống văn bản quy phạm về đất đai cũng như toàn bộ các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai và các bước tiến hành, như thời hạn thực hiện quy hoạch, các biện pháp đền bù, giá đất.
Tổ chức một cách thực chất thực hiện quy định phản biện xã hội đối với các chủ trương, chính sách, luật pháp về đất đai, nhất là các vấn đề liên quan sát sườn đối với người dân địa phương, như quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, giá đất, việc giải tỏa, tái định cư, dạy nghề, tạo việc làm cho nông dân không còn đất.
Về các đối tượng có quyền tham gia giám sát, không nên chỉ bó hẹp trong ”Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận”, vì trong thực tế, còn rất nhiều hội, hiệp hội ngành nghề khác không là thành viên Mặt trận.
Vì vậy, cần quy định ”Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, các tổ chức xã hội khác” để những tổ chức này tham gia một cách bình đẳng các hoạt động giám sát, phản biện xã hội ở mỗi cấp đối với những vấn đề về đất đai liên quan đến ngành nghề và phạm vi hoạt động của mỗi tổ chức.
Trên đây là một số ý kiến tham gia vào việc tổ chức nghiên cứu, sửa đổi Luật Đất đai 2003 tại hội thảo ngày 15 tháng 10 năm 2012 do Quỹ Hợp tác và phát triển phối hợp với thường trực Ủy Ban kinh tế của Quốc hội tổ chức.
Hội thảo mong muốn: Cơ quan nhà nước quán triệt sâu sắc đường lối quan điểm của Đảng, bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của người sử dụng đất, không chỉ dừng trên các chủ trương, chính sách, quy định pháp luật về đất đai mà quan trọng hơn là tổ chức thực hiện trong thực tế.
Được như vậy, Xã hội sẽ ổn định hơn; sẽ phát huy tốt hơn tiềm năng nguồn lực vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
PV
Bình luận