Theo báo cáo thị trường dầu hàng tháng của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), Nga đã thu về 18,8 tỷ USD từ xuất khẩu dầu vào tháng trước, khiến tháng 9 trở thành tháng có lợi nhuận cao nhất kể từ tháng 7/2022.
IEA cho biết doanh thu xuất khẩu dầu của Nga đã tăng 1,8 tỷ USD trong một tháng, giải thích nguyên nhân là do tổng khối lượng xuất khẩu dầu của Nga tăng, đồng thời giá trung bình dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ của nước này cũng cao hơn.
Dữ liệu của cơ quan năng lượng cho thấy, tổng xuất khẩu dầu của Nga tăng trung bình 460.000 thùng/ngày so với tháng trước, trong đó dầu thô chiếm 250.000 thùng/ngày trong mức tăng này.
Tổng lượng dầu xuất khẩu của Nga trong tháng 9 được cho là lên tới 7,6 triệu thùng/ngày. Trong khi đó, giá dầu thô Nga trung bình trên thị trường tăng khoảng 8 USD/thùng so với tháng 8.
IEA lưu ý rằng Trung Quốc và Ấn Độ vẫn là những khách hàng mua dầu lớn nhất của Nga trong tháng trước. Hai nước nãy luôn dẫn đầu danh sách nhập khẩu dầu Nga kể từ đầu năm, khi Moskva buộc phải chuyển hướng vận chuyển dầu sang thị trường châu Á trong bối cảnh các lệnh trừng phạt của phương Tây và giới hạn giá đối với dầu thô của Nga.
Theo RT, báo cáo của IEA về xuất khẩu của Nga "gây ngạc nhiên" vì nước này đang có ý định cắt giảm sản lượng và giao hàng dầu. Moskva lần đầu tiên tự nguyện giảm sản lượng 500.000 thùng/ngày vào tháng 3 năm nay, cho biết việc cắt giảm này sẽ kéo dài đến cuối năm 2024.
Vào tháng 8, Nga cũng đã bổ sung mức cắt giảm 500.000 thùng/ngày đối với xuất khẩu dầu thô và sẽ kéo dài đến cuối năm nay; con số này sau đó được giảm xuống còn 300.000 thùng/ngày.
Đầu tháng này, Nga đã nhắc lại ý định duy trì việc cắt giảm.
Ả Rập Xê-út, đồng minh OPEC+ của Nga và là nhà xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới, cũng tuyên bố ngày 4/10 rằng họ tiếp tục cắt giảm sản lượng dầu thô 1 triệu thùng/ngày cho đến tháng 1/2024.
Động thái kết hợp của hai ông lớn dầu mỏ này đã chứng kiến giá dầu Brent tương lai toàn cầu tăng lên khoảng 95 USD/thùng trong tháng 9, từ mức thấp nhất trong năm là khoảng 72 USD vào tháng 3.
Giá dầu cũng bị ảnh hưởng bởi sự leo thang xung đột giữa Israel và Hamas. Cuộc xung đột tái diễn đã làm dấy lên lo ngại rằng tình trạng thiếu hụt nguồn cung dầu hiện tại có thể trở nên trầm trọng hơn. Tuy nhiên, IEA cho biết trong báo cáo của mình rằng cuộc xung đột cho đến nay chưa có tác động trực tiếp nào đến nguồn cung.
Bình luận