• Zalo

Doanh nhân Thái Bình tuyên bố 'bỏ' dự án tàu ngầm

Thời sựThứ Hai, 02/09/2013 04:46:00 +07:00Google News

(VTC News) - Ông Nguyễn Quốc Hòa - chủ nhân của tàu ngầm mini đang gây xôn xao dư luận vừa có những tuyên bố đầy bất ngờ.

(VTC News) - Ông Nguyễn Quốc Hòa - chủ nhân của tàu ngầm mini đang gây xôn xao dư luận vừa có những tuyên bố đầy bất ngờ.

Những ngày gần đây, dư luận đang xôn xao với những thông tin về tàu ngầm mini có tên gọi Trường Sa 1, có lượng choán nước là 12 tấn khi lặn và 9,2 tấn khi nổi do một doanh nhân người Thái Bình thiết kế và sản xuất.

Theo ông Nguyễn Quốc Hòa – Giám đốc công ty TNHH Cơ khí Quốc Hòa (Cụm công nghiệp Phong Phú – TP Thái Bình, tỉnh Thái Bình) – người thiết kế và sản xuất con tàu này, tàu được trang bị hai động cơ 90Hp và sử dụng công nghệ AIP do chính Việt Nam sản xuất. Công nghệ này rất tiên tiến và không phải nước nào cũng có thể áp dụng.

Ông Hòa bên tác phẩm tàu ngầm mini của mình (Ảnh: Báo Nhân dân)
Ông Hòa bên tác phẩm tàu ngầm mini của mình (Ảnh: Báo Nhân dân)  

Cũng theo ông Hòa, tàu ngầm Trường Sa 1 với thời gian lặn tối đa có thể đạt 15 giờ nếu được tiếp thêm nguyên liệu, tốc độ tính toán là 25 hải lý/giờ. Đây được cho là một con số đáng ngưỡng mộ bởi thông thường vận tốc tối đa khi lặn dưới nước của loại tàu ngầm tiên tiến trên thế giới hiện nay chỉ đạt trên dưới 20 hải lý/giờ.


“Tàu ngầm Trường Sa 1 có vỏ ngoài được chế tạo hoàn toàn bằng thép với độ dày 10mm, với đầy đủ hệ thống bánh lái, chân vịt cũng như ống nhòm quan sát... Đuôi tàu có thiết kế hình trụ, phần cánh có thể rẽ sóng và giúp tàu cân bằng khi xuống nước”, ông Hòa cho hay.

Thế nhưng, từ khi chia sẻ thông tin về con tàu trên với báo giới, ông Hòa cảm thấy rất áp lực, mệt mỏi vì nhận được quá nhiều sự quan tâm “thái quá” cũng như những ý kiến trái chiều từ dư luận.

 

Nếu kết quả thử nghiệm thành công tới 50%, tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu, còn nếu chỉ đạt 30% thì sẽ phải tính lại. Nếu đạt 60%, tôi sẽ lập tức triển khai hoàn thành dự án này.
Ông Nguyễn Quốc Hòa – Giám đốc công ty TNHH Cơ khí Quốc Hòa
 
Trao đổi với phóng viên VTC News, ông Hòa nói: “Mỗi ngày cơ sở kinh doanh của tôi đón tiếp rất nhiều đoàn khách, chuyên gia từ nhiều nơi tới tìm hiểu về chiếc tàu ngầm này. Tôi quyết định bỏ dự án này. Tôi chán rồi. Nói chung giờ tôi sẽ để các bộ phận của tàu nằm yên một chỗ”.


Nói về việc thử nghiệm Trường Sa 1 vào tháng 11 tới, ông Hòa cho biết: “Dự án thì tôi dừng, thế nhưng việc thí nghiệm thì tôi vẫn sẽ tiếp tục. Tôi sẽ cất dự án này vào một bên và chẳng chia sẻ với bất cứ ai về nó nữa cho đến khi hoàn tất việc thí nghiệm kẻo mọi người cứ rối tinh cả lên.

Trước mắt, tôi dừng lại mọi phần việc mình đang làm, chờ kết quả thử nghiệm. Tháng 11 tới, theo dự kiến tôi sẽ trực tiếp lái thử nghiệm tàu ngầm Trường Sa 1. Kế hoạch là vậy, còn thực tế ra sao tôi chưa thể nói trước được gì ở thời điểm này.

Hiện tôi đang dừng mọi hạng mục của dự án này vì tôi muốn làm cho thật chắc chắn kết quả thử nghiệm. Nếu kết quả thử nghiệm thành công tới 50%, tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu, còn nếu chỉ đạt 30% thì sẽ phải tính lại. Nếu đạt 60%, tôi sẽ lập tức triển khai hoàn thành dự án này”.

Trước nhiều tranh cãi nảy lửa về công nghệ sử dụng trong việc chế tạo tàu ngầm Trường Sa 1, ông Hòa cho rằng, dư luận đang cố tình hiểu sai khái niệm giữa một bên là thiết kế tàu ngầm thử nghiệm với việc chế tạo một con tàu ngầm hoàn chỉnh.

“Thời điểm này tôi chưa muốn chia sẻ nhiều, tôi muốn tập trung làm thử nghiệm cho bằng được thì thôi. Nếu thử nghiệm thành công tôi sẽ lại trưng bày nó cho mọi người xem”, ông Hòa nhấn mạnh.

Đây không phải lần đầu tiên có thông tin Việt Nam chế tạo được tàu ngầm. Trước đó, các nhà khoa học ở Đại học Nha Trang, Đại học Bách Khoa Hà Nội cũng từng giới thiệu về mô hình này. Việt kiều Phan Bộ An cũng từng công bố tàu ngầm do ông chế tạo.

Đánh giá về tính khả thi, mức độ an toàn của con tàu này, ông Trần Thế Dũng - Phó giám đốc Sở Khoa học - Công nghệ Thái Bình cho rằng, việc một doanh nhân bỏ tiền túi ra để nghiên cứu, chế tạo tàu ngầm là việc làm rất đáng trân trọng, hoan nghênh.
Tuy nhiên ông Dũng cũng phân tích: “Chế tạo tàu ngầm là công nghệ quốc gia và ngay cả các nhà khoa học cũng đang còn nhiều lúng túng. Ngay cả Sở Khoa học – Công nghệ Thái Bình cũng chưa bao giờ có những công trình nghiên cứu, thử nghiệm tương tự.

Với những thông số kỹ thuật của con tàu cũng như đội ngũ thiết kế, sản xuất mà báo chí thông tin, tôi không tin là mô hình này thành công. Chưa chắc họ đã mang ra thử nghiệm, mà có khi họ chỉ muốn gây chú ý mà thôi".
Ông Dũng cũng chỉ rõ, việc sản xuất, chế tạo tàu ngầm này chỉ là ý tưởng của một doanh nghiệp, chưa rõ mục đích sử dụng nên Sở Khoa Học – Công Nghệ Thái Bình chưa có sự can thiệp.

Nếu họ đưa ra sản xuất hàng loạt thì cần phải có sự đánh giá, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước xem công nghệ có phù hợp hay không, việc sản xuất có thuộc phạm vi hàng cấm hay không?

Sắp tới nếu con tàu này tiến hành thử nghiệm ở sông hoặc biển, chúng tôi chắc chắn sẽ cử người tới kiểm tra, giám sát”.

Ông Dũng cũng cho biết sẽ báo cáo Bộ Khoa học – Công nghệ để kết hợp cùng sở Khoa Học – Công nghệ Thái Bình đưa ra những đánh giá chính xác trong thời gian tới.

Minh Quân

Bình luận
vtcnews.vn