• Zalo

Doanh nghiệp phụ trợ chờ cơ hội Vinfast

Doanh nghiệp - Doanh nhânThứ Hai, 25/09/2017 14:38:00 +07:00Google News

Năm 2016, kim ngạch nhập khẩu linh kiện, phụ tùng phục vụ cho lắp ráp và sửa chữa xe lên tới 3,54 tỷ USD.

“Chúng tôi sẵn sàng đầu tư lớn, chỉ cần có cơ hội” - ông Trương Hồng Minh, Giám đốc Công ty TNHH Nhật Minh, chuyên sản xuất linh kiện nhựa đã truyền thông điệp này đến dự án tổ hợp sản xuất ô tô, xe máy điện Vinfast trong một hội thảo do Sở Công Thương Hà Nội tổ chức giữa tháng 9 vừa qua.

Tại hội thảo này, với sự tham dự khoảng 60 doanh nghiệp phụ trợ, đại diện của Vinfast đã cung cấp những thông tin về kế hoạch sản xuất của dự án, cũng như định hướng và kế hoạch hợp tác với các nhà cung cấp tại Việt Nam.

“Các doanh nghiệp đang rất kỳ vọng. Việc Vingroup khởi công tổ hợp Vinfast không chỉ là tin vui với ngành công nghiệp sản xuất ôtô, mà còn tạo ra sức lan tỏa mạnh đối với ngành công nghiệp hỗ trợ đang khá èo uột”, ông Nguyễn Thanh Hải, Phó giám đốc Sở Công Thương Hà Nội nói.

Sự èo uột này thể hiện ở chỗ, hơn 20 năm nay, tỷ lệ nội địa hóa mới chỉ đạt 7 - 10%, trong khi chiến lược hồi đó đã đặt ra mục tiêu đạt tỷ lệ nội địa hóa lên tới 60% vào năm 2010.

1

 Dự án Vinfast được khởi động đúng vào thời điểm quyết tâm phát triển công nghiệp ôtô của Chính phủ lên cao

Trong khi đó, theo Bộ Công Thương, các sản phẩm đã được nội địa hóa lại chỉ mang hàm lượng công nghệ rất thấp như: Săm, lốp ôtô, ghế ngồi, gương, kính, bộ dây điện, ắc quy, sản phẩm nhựa...

Năm 2016, trong khi Việt Nam chi 2,3 tỷ USD để nhập khẩu ôtô nguyên chiếc thì kim ngạch nhập khẩu linh kiện, phụ tùng phục vụ cho lắp ráp và sửa chữa xe lên tới 3,54 tỷ USD, theo số liệu từ Tổng cục Hải quan.

“Bản chất của công nghiệp hỗ trợ là song hành với các ngành công nghiệp trọng điểm. Anh có mạnh, thì tôi mới mạnh. Cho nên nói là ngành công nghiệp điện tử, hay công nghiệp ôtô thì phải có những dự án lớn, mang tính lan tỏa cao như của Samsung hay Vingroup mới thúc đẩy được công nghiệp hỗ trợ”, TS. Lê Dương Quang, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam nói.

Dự án Vinfast được khởi động đúng vào thời điểm quyết tâm phát triển công nghiệp ôtô của Chính phủ lên cao. Trong bài phát biểu tại lễ khởi công, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định “với thu nhập bình quân đầu người gần 3.000 USD, sắp tới chúng ta sẽ phải phổ cập ôtô” và “với đất nước 50 triệu dân trở lên, cần có một thương hiệu ôtô”.

Quyết tâm của người đứng đầu Chính phủ đang được cụ thể hóa bằng một loạt chính sách mới trong phát triển ngành công nghiệp ôtô: xây dựng dự thảo nghị định về sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu ôtô; triển khai đề án “Hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất, lắp ráp ôtô”; sửa đổi hai sắc thuế quan trọng đối với ôtô, linh kiện là thuế nhập khẩu và thuế tiêu thụ đặc biệt...

Phân tích sâu hơn về tỷ lệ nội địa hóa theo công bố của các doanh nghiệp sản xuất ôtô, ông Lê Dương Quang đánh giá, nếu các doanh nghiệp đạt tỷ lệ nội địa hóa tối thiểu 40% để đủ điều kiện hưởng ưu đãi thuế ôtô trong ASEAN, hay thậm chí là mức 60% như công bố của Vingroup sẽ giúp công nghiệp hỗ trợ trong nước phát triển đột phá.

Và theo ông, đây có thể là cơ hội lớn cho nhiều doanh nghiệp hỗ trợ vào chuỗi sản xuất ôtô của Vingroup và các doanh nghiệp khác.

“Một số doanh nghiệp đi trước đã chọn cách liên doanh với các hãng Nhật, Hàn để từng bước chuyển giao công nghệ, nội địa hoá khi số lượng tiêu thụ đủ lớn. Còn chúng tôi chọn trực tiếp sản xuất sản phẩm mang thương hiệu riêng của mình để nhanh chóng giành được thế tự chủ và chủ động về công nghiệp ôtô”, ông Nguyễn Việt Quang, Phó chủ tịch Vingroup nêu một điểm khác biệt của dự án Vinfast.

“Nhưng dù chọn con đường nào, đích đến của chúng tôi vẫn là cùng các doanh nghiệp khác phát triển công nghiệp ôtô, tạo động lực cho các doanh nghiệp vệ tinh tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất, tạo ra công ăn việc làm, và đóng góp vào ngân sách quốc gia”.

Nguồn: Vneconomy
Bình luận
vtcnews.vn