(VTC News) – Từ 2 ngày trở lại đây, thông tin về việc giá xăng sắp tăng khiến người dân lo lắng trong khi các cây xăng rục rịch găm hàng chờ tăng giá.
Cuối tuần qua, hoàng loạt các DN đầu mối xăng dầu đã gửi văn bản lên Bộ Tài chính đề xuất tăng giá xăng dầu. Theo các DN đầu mối hiện giá cơ sở và giá bán lẻ đan chênh lệch ở mức rất cao là 1.978 đồng/lít xăng và 600-1.000 đồng/lít dầu tuỳ mặt hàng. Nắm bắt được động thái trên, hai ngày nay một số cửa hàng xăng dầu đã bất ngờ đóng cửa với lý do hết hàng. Trưởng phòng xuất nhập khẩu của một DN xăng dầu đầu mối tại Hà Nội cho biết, chiều 10/8, DN đã đề xuất hai phương án tăng giá xăng, một là tăng 1.000 đồng/lít (giảm thuế và trích quỹ bình ổn giá), hai là 1.400 đồng/lít (giữ nguyên thuế và quỹ bình ổn). Đối với mặt hàng dầu mức tăng từ 600 – 800 đồng/lít.
Vị lãnh đạo này cho biết, căn cứ diễn biến giá xăng dầu thành phẩm 30 ngày tại Singapore đến thời điểm ngày 9/8, xăng A92 dao động mức 114,61 USD/thùng, dầu Diezel 0,5S mức 121,82 USD/thùng.
>> Hình ảnh các cây xăng "cửa đóng then cài" chờ tăng giá
Trong khi đó nếu so với thời điểm tăng giá 900 đồng/lít xăng ngày 1/8, giá xăng nhập khẩu đã lên đến 124,68 USD/thùng. Tính ra DN lỗ 1.800-1.900 đồng/lít xăng. Giá dầu thế giới tăng cao đúng vào thời điểm Nhà máy lọc dầu Dung Quất tạm ngừng hoạt động. Hàng nhập từ Dung Quất chiếm 30% lượng hàng của DN.
Do đó, nếu nguồn hàng thời điểm này hết, bắt buộc DN phải nhập hàng mới với giá cao, thậm chí DN nào nhập lô hàng thời điểm 13-8, giá còn lên cao hơn 124 USD/thùng”.
Trước đó, Bộ Tài chính đã có công văn yêu cầu DN kinh doanh xăng dầu đầu mối khi tính giá cơ sở làm căn cứ để điều chỉnh giá bán xăng dầu trong nước phải đúng công thức theo quy định tại Thông tư số 234/2009.
Cụ thể, bảng giá cơ sở phải tính đúng theo công thức, đúng các định mức: thuế, phí, Quỹ Bình ổn giá, chi phí kinh doanh, lợi nhuận định mức và các loại thuế, phí khác theo quy định của pháp luật hiện hành. Việc tính giá cơ sở phải theo chu kỳ bình quân 30 ngày của giá xăng dầu thế giới. Cách tính giá cơ sở theo các chu kỳ khác chỉ mang tính chất tham khảo. Khi kiến nghị điều hành, phải dựa trên cơ sở mức giá tính bình quân 30 ngày.
Theo Cục Quản lý giá, lý do ban hành công văn chỉ đạo này bởi hai lần tăng giá xăng dầu gần đây (DN được phép tự quyết giá), các DN gửi kiến nghị lên Bộ Tài chính không có sự thống nhất về cách tính giá cơ sở bình quân, có DN tính 10 ngày, 20 ngày nên mức chênh lệch về giá cơ sở và giá bán lẻ giữa các DN kiến nghị lên khác nhau.
Trao đổi với VTC News, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, trong vòng một tháng giá xăng tăng hai lần ở mức cao, cộng thêm giá điện tăng nữa sẽ tác động rất lớn đến đời sống người dân và DN. Thời điểm này DN đang chống chọi với hàng tồn kho chất đống, sức mua giảm; siêu thị, cửa hàng sống cầm chừng vì không dám điều chỉnh giá dù chịu sức ép từ giá đầu vào.
“Đáng ra, trong lúc giá xăng dầu thế giới lên cao, thay vì để DN trong nước tăng giá, Bộ Tài chính nên sử dụng Quỹ bình ổn giá hoặc kết hợp giảm thuế nhập khẩu”, bà Lan nói.
Bảng giá nhập khẩu xăng dầu bình quân 30 ngày đến thời điểm 10/8
Mặt hàng | Giá nhập khẩu (USD/thùng) | Giá quy đổi VND | Thuế nhập khẩu (12%/10%) | Thuế tiêu thụ đặc biệt (10%) | Chi phí bán hàng | Lợi nhuận định mức | Giá cơ sở | Giá bán lẻ hiện tại | Chênh lệch |
Xăng RON 92 | 114.61 | 15.922 đồng/lít | 1.910 đồng/lít | 1.783 đồng/lít | 600 đồng/lít | 300 đồng/lít | 23.878 đồng/lít | 21.900 đồng/lít | - 1.978 đồng/lít |
Dầu DO 0,5S | 633.61 | 16.580 đồng/lít | 1.658 đồng/lít | 0 | 600 đồng/lít | 300 đồng/lít | 21.812 đồng/lít | 20.800 đồng/lít | -1.012 đồng/lít |
Hoàng Ngọc
Bình luận