• Zalo

Đoạn kết đẹp lạ kỳ hành trình tìm người lính trong bức ảnh nổi tiếng cuộc chiến chống Trung Quốc xâm lược

Phóng sự - Khám pháThứ Ba, 23/07/2019 13:26:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Đoạn kết đẹp và lạ kỳ nhất mà chúng tôi từng biết trong hành trình tìm kiếm người lính trong bức ảnh nổi tiếng cuộc chiến chống quân xâm lược Trung Quốc.

Từ những manh mối anh Trần Văn Dinh (con trai ông Trần Huy Cung) cung cấp, chúng tôi tìm về xã Tây Giang, huyện Tiền Hải, Thái Bình để xác minh danh tính người lính Trần Huy Cung.

Kỳ trước: Hành trình tìm người lính trong bức ảnh ‘biểu tượng nhất’ cuộc chiến chống Trung Quốc xâm lược

Qua lời giới thiệu của anh Trần Văn Dinh, chúng tôi tìm đến nhà ông Trần Xuân Lý (SN 1954, ở thôn Đông, xã Tây Giang, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình), nguyên là cán bộ Thương binh xã hội xã Tây Giang. Ông Lý là em họ của ông Trần Huy Cung.

Đoạn kết đẹp lạ kỳ hành trình tìm người lính trong bức ảnh nổi tiếng cuộc chiến chống Trung Quốc xâm lược - 1

 Ông Trần Xuân Lý (SN 1954, thôn Đông, xã Tây Giang, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình), nguyên là cán bộ Thương binh xã hội xã Tây Giang, khẳng định nhân vật trong tấm ảnh là ông Trần Huy Cung.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Lý cho biết, khoảng tháng 10-11/2014, trong một lần xem chương trình giáo dục quốc phòng phát trên tivi, ông thấy hình ảnh người chiến sỹ vác khẩu súng B41 trong tư thế sẵn sàng chiến đấu, tại cột mốc số 0Km Lạng Sơn. Ông Lý thấy người lính trong tấm ảnh đó rất giống người anh họ của ông là Trần Huy Cung.

Sau đó ít ngày, ông Lý vào mạng xem chương trình chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979, lại xuất hiện tấm ảnh này, tuy nhiên không thấy thông tin bình luận gì về tấm ảnh. Ông Lý cũng chủ động liên hệ với người đăng tấm ảnh nhưng họ cũng không biết ai là tác giả chụp.

Nhận ra đây chính là ông Trần Huy Cung, người anh họ của mình, ông Lý tải rồi nhờ thợ ảnh gõ thêm chú thích là “Mặt trận Lạng Sơn 17/2/1979”.

Tết năm 2017, trong dịp mừng thọ chị gái ông Cung, vợ ông Cung và anh Dinh (con ông Cung) từ trong Nam về quê, ông Lý tặng cho 3 mẹ con 3 tấm ảnh này. Bà Tô Thị Huê (SN 1949, ở Bà Rịa - Vũng Tàu) nhận ra ngay đây chính là chồng mình Trần Huy Cung. “Lúc nhìn thấy tấm ảnh, vợ ông Cung òa khóc” – ông Lý nhớ lại.

Ông Lý cho biết thêm, ông Cung sinh ra trong gia đình có truyền thống cách mạng, bố từng tham gia kháng chiến chống Pháp tại địa phương và mất năm 1952, khi quân Pháp bắn phá vào Thái Bình; anh trai ông Cung là Trần Trọng Quát, Đại tá, Điều tra viên cao cấp Cục Điều tra hình sự Bộ Quốc phòng.

Đoạn kết đẹp lạ kỳ hành trình tìm người lính trong bức ảnh nổi tiếng cuộc chiến chống Trung Quốc xâm lược - 3

Ông Trần Huy Cung khi về hưu. (Ảnh: gia đình cung cấp)  

Trong ký ức của ông Lý, ông Cung là người hiền lành, thật thà, hay lam hay làm, giúp đỡ mọi người. Ngay từ thời trẻ, ông Cung xung phong đi vào nơi khó khăn, gian khổ. Khi chiến tranh biên giới phía Bắc xảy ra, nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc, ông Cung hăng hái lên đường nhập ngũ, lên chiến trường biên giới phía Bắc chiến đấu chống quân giặc Trung Quốc xâm lăng bờ cõi. 

Tuy nhiên, sau khi chuyển về Nhà máy Xay Tiền Hải, ông nộp mọi giấy tờ liên quan vào đây. Cuối những năm 80, nhà máy giải thể, mọi giấy tờ chứng minh ông là người lính chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc thất lạc hết.

Quá khứ huy hoàng của người lính vào sống ra chết không được cấp có trách nhiệm công nhận, nói gì đến bức ảnh. Lúc đó, ông Cung chỉ là công nhân cơ điện của nhà máy về nghỉ theo chế độ mất sức.

Chúng tôi tiếp tục tìm đến nhà cụ Tô Văn Nhì cùng xã. Cụ Nhì sinh năm 1930, sắp được nhận huy hiệu 60 năm tuổi Đảng. Năm 1972, cụ Nhì làm Trưởng phòng Tổ chức và là Bí thư Đảng ủy Nhà máy Mì sợi Thái Bình, nơi ông Trần Huy Cung làm việc. Đến năm 1980, cụ Nhì nghỉ hưu.

Tuy tuổi cao nhưng cụ Nhì khá minh mẫn, khỏe mạnh, đi lại nhanh nhẹn. Khi biết chúng tôi tìm hiểu về nhân vật trong tấm ảnh và quá trình công tác của ông Trần Huy Cung, cụ Nhì nhìn tấm ảnh và nói: “Ông ấy có kể lại với tôi, có tham gia trận đánh biên giới Lạng Sơn năm 1979. Tấm ảnh đó chính là Cung đấy,” cụ Nhì khẳng định. 

Tia hy vọng tắt ngấm

Đến đây thì chúng tôi không còn nghi ngờ gì nữa. Quá trình gặp gỡ thân nhân, bà con và đặc biệt là thủ trưởng của ông, chúng tôi đã có thể chắc chắn rằng người trong bức ảnh nổi tiếng chính là ông Trần Huy Cung.

Tuy nhiên, để không phải băn khoăn về bất cứ điều gì, dù là nhỏ nhất, chúng tôi tiếp tục hành trình tìm kiếm. Nhưng giờ biết hỏi ai? Giấy tờ xuất ngũ ông nộp vào Nhà máy Xay Tiền Hải đã bị thất lạc toàn bộ. Ông Cung đã mất, không thể biết ông ở Tiểu đội nào, chỉ biết ông thuộc Trung đoàn 540. Nhưng với cả ngàn người ở trung đoàn đó, làm sao tìm được người biết ông Cung?

Đoạn kết đẹp lạ kỳ hành trình tìm người lính trong bức ảnh nổi tiếng cuộc chiến chống Trung Quốc xâm lược - 4

 Hình ảnh ông Trần Huy Cung khi về già và người lính trong bức ảnh nổi tiếng về cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc. (Ảnh: gia đình cung cấp) 

Chúng tôi tiếp tục tìm đến Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thái Bình. Sau khi các cán bộ nhiệt tình hướng dẫn các thủ tục, chúng tôi được hẹn sẽ cung cấp thông tin về lai lịch của chiến sĩ Trần Huy Cung và bức ảnh nổi tiếng.

Nửa tháng sau, thông tin với phóng viên, Phòng Chính trị - Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh Thái Bình cho biết, qua kiểm tra hồ sơ lưu trữ tại các cơ quan, đơn vị của Bộ CHQS tỉnh; xác minh tại Bảo hiểm xã hội tỉnh Thái Bình và tại địa phương (xã Tây Giang, huyện Tiền Hải), hiện nay không có hồ sơ lưu trữ về trường hợp ông Trần Huy Cung.

Nếu ông Trần Huy Cung đúng là quân nhân, thì theo phản ánh của gia đình, ông Cung đã chuyển ngành về công tác và nghỉ hưu tại Nhà máy Xay Tiền Hải (Thái Bình).

Như vậy, Nhà máy Xay Tiền Hải có trách nhiệm quản lý hồ sơ và thực hiện mọi chế độ, chính sách đối với ông Cung. Chúng tôi dường như bế tắc hoàn toàn. 

Cuộc gặp dường như được tâm linh sắp xếp

Tia hy vọng cuối cùng loé lên khi gia đình cho biết họ chỉ còn duy nhất giấy chứng minh quân nhân do Trung tá Ngô Công Nội (Quân đoàn 14) ký ngày 30/8/1980.

Chúng tôi gọi điện rất nhiều người nổi tiếng tham gia cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc, trong đó có nhiều tướng lĩnh chỉ huy, thậm chí là những người từng tham gia Quân đoàn 14. Tuy nhiên, câu trả lời duy nhất chúng tôi nhận được là “Lâu quá rồi, chúng tôi không rõ Trung tá Ngô Công Nội giờ ở đâu”.

Tìm kiếm trên Google, chúng tôi tìm được dòng thông tin ít ỏi đăng trên báo Quân đội nhân dân cách đây 4 năm với tiêu đề “Đánh trận trên miền cát trắng”, viết về ông Ngô Công Nội.

Tuy nhiên, tác giả bài báo - nhà báo Mè Quang Thắng cũng không còn liên lạc của Trung tá Ngô Công Nội. Tuy vậy, anh Thắng giới thiệu cho tôi ông Nguyễn Đoàn Ngư – cựu binh Trung đoàn 64 - Sư đoàn 320B và cũng là đồng đội của ông Ngô Công Nội ở chiến trường Quảng Trị năm 1972.

“Tôi biết ông Ngô Công Nội, sắp tới chúng tôi còn tổ chức một đoàn cựu binh vào thăm chiến trường Quảng Trị. Cậu gọi sớm cho ông Nội đi, không nhỡ ông đi cùng đồng đội vào Quảng Trị đó”, chúng tôi vui mừng khôn tả khi ông Ngư cho biết như vậy.

Đoạn kết đẹp lạ kỳ hành trình tìm người lính trong bức ảnh nổi tiếng cuộc chiến chống Trung Quốc xâm lược - 5

Ông Ngô Công Nội - Nguyên Trung đoàn Trưởng Trung đoàn 540 - Quân đoàn 14.

Tôi gọi cho ông Ngô Công Nội nhưng trong lòng đầy lo lắng bởi đã gọi điện thoại khắp nơi nhưng đều không có kết quả. Bỗng đầu dây bên kia đáp: “Vâng, tôi là Nội đây ạ. Anh cần hỏi có việc gì”.

Tôi vui mừng trình bày mong muốn xác minh nhân thân của chiến sĩ Trần Huy Cung, Trung đoàn 540, Quân đoàn 14. “Vâng, anh Cung thì tôi biết”, giọng ông Ngô Công Nội rõ ràng và ẩn chứa niềm vui.

Ngay sáng sớm hôm sau tôi men theo những con đường nhỏ tìm vào nhà ông Ngô Công Nội ở làng Mễ Trì Thượng (Hà Nội). Khi tôi đến, người cựu quân nhân hơn 80 tuổi nhưng còn rất minh mẫn đã chuẩn bị sẵn sàng để tiếp khách. Ông Nội cho biết ông dậy từ rất sớm để chờ tôi tới. Trên bàn, cốm làng Mễ Trì và chuối tiêu hồng cũng đã được bày sẵn.

Người lính già hào hứng kể về những năm tháng chiến đấu ác liệt ở chiến trường Lạng Sơn trong trận chiến bảo vệ biên giới phía Bắc.

Ông Nội kể, ngày đó Trung đoàn 540 của ông có khoảng hơn 2.000 quân và được chia làm 3 tiểu đoàn. Từ ban chỉ huy của trung đoàn xuống các tiểu đoàn cũng cách nhau đến 4km. Mỗi tiểu đoàn cách nhau khoảng hơn 1km.

Vị chỉ huy Trung đoàn 540 cho biết, với việc quản lý hơn 2.000 chiến sĩ, dù ông có cố gắng nhưng cũng không biết được tường tận đối với từng chiến sĩ.

“Chỉ có cấp đại đội, khi đại đội trưởng quản lý hơn 100 người thì mới có thể nắm rõ từng chiến sĩ. Nhưng giờ lãnh đạo cấp đại đội ngày ấy chắc cũng không còn mấy người”, ông Nội kể.

Video: Đại tá Ngô Công Nội kể về người chiến sĩ Trần Huy Cung - người trong bức ảnh cầm súng B41 ở Km0, Lạng Sơn

Tuy nhiên, khi nhắc đến chiến sĩ Trần Huy Cung, Đại tá Ngô Công Nội giọng phấn chấn hẳn. 

“Tôi nhớ chiến sĩ Trần Huy Cung vì nhiều lần cấp dưới đề xuất khen thưởng anh hùng. Tôi thường kể về thành tích của đồng chí Cung để nêu gương trong toàn Trung đoàn”, ông Nội kể.

Tôi lại đưa cho ông Nội xem hình ảnh chiếc chứng minh quân nhân có chữ ký của Trung tá Ngô Công Nội năm 1980. Vị Trung đoàn trưởng 540 reo lên: “Đúng đây là chữ ký của tôi trong chứng minh quân đội nhân dân. Sao anh lại có tấm chứng minh thư này”. Nói rồi, ông xem đi, xem lại một lúc lâu.

Những ký ức về chiến trường Lạng Sơn ác liệt dần dần ùa về trong người lính dạn dày sương gió.

Ngày đó, ông Cung ở Tiểu đoàn 8. Tiểu đoàn này có nhiệm vụ chốt chặn ở các điểm trọng yếu để ngăn cản sức tấn công mạnh của địch. “Đây là lực lượng nòng cốt để chiến đấu chống lại kẻ thù từ phương Bắc”, Đại tá Ngô Công Nội nhớ lại.

Trung đoàn 540 anh hùng có nhiệm vụ chính bảo vệ an toàn cho mỏ than Na Dương. Mỏ than này được sử dụng để phục vụ các nhiệm vụ kinh tế quốc phòng thời đó.

Ngoài ra, trung đoàn còn phải bảo vệ tuyệt đối an toàn cho đỉnh Mẫu Sơn vì nơi đây tập trung rất nhiều lực lượng chủ chốt quân đội Việt Nam.

Xong câu chuyện về nhiệm vụ chung của trung đoàn, ông Ngô Công Nội lại kể về người chiến sĩ quả cảm Trần Huy Cung. Đó là một trong những người lính ông Nội nhớ nhất trong sự nghiệp cầm binh của mình.

“Anh em ca ngợi chiến sĩ Trần Huy Cung là người dũng cảm. Hoả lực B40, B41 chỉ dùng để bắn các hoả điểm, xe tăng, lô cốt. Tuy nhiên, chiến sĩ Cung đã anh dũng dùng để bắn quân địch trong nhiều trận. Nếu dùng B41 bắn quân địch thì ngay lập tức, quân địch sẽ phát hiện và tập trung lực lượng để đánh vào vị trí này. Những người cầm B40, B41 thường có khả năng hy sinh rất cao. Vậy nên, chúng tôi nói anh Cung dũng cảm là vì thế”.

Bên cạnh đó, chỉ những chiến sĩ có kỹ năng tốt, có sức khoẻ mới được chọn để bắn B40, B41. Bình thường mỗi chiến sĩ chỉ bắn được 1 quả đạn nhưng Trần Huy Cung lại bắn được 3-4 quả/lần.

Với nhiều thành tích đặc biệt trong chiến đấu, chiến sĩ Trần Huy Cung nhiều lần được đại đội và cấp tiểu đoàn gửi đề nghị phong anh hùng.

Trong trí nhớ minh mẫn của người lính già, chiến sĩ Trần Huy Cung đã 3 lần được mời lên cấp Trung đoàn để báo cáo thành tích trước các lãnh đạo của Trung đoàn.

Trong một lần gặp mặt, ông Nội còn yêu cầu chiến sĩ Trần Huy Cung kể lại chi tiết về quá trình chặn đứng mũi tấn công của địch trên mảnh đất Lạng Sơn. Đó là thành tích mà không phải chiến sĩ nào cũng có thể làm được.

Ở nhiều buổi nói chuyện với các chiến sĩ trong toàn trung đoàn, người chỉ huy Ngô Công Nội đều lấy ví dụ về gương chiến đấu anh dũng của chiến sĩ Trần Huy Cung để các chiến sĩ khác cùng học tập.

Trong câu chuyện về người chiến sĩ Trần Huy Cung, ánh mắt của ông Nội đều ánh lên nét rạng rỡ, giọng nói hào sảng khi nhớ lại những kỷ niệm oai hùng.

Nhưng sau đó, giọng ông Nội lại trầm lắng lại: “Chú Cung rất thiệt thòi. Sau này mất cũng không được hưởng chế độ gì. Nếu gia đình mà biết sớm để tìm gặp tôi thì có thể mọi việc đã được giải quyết, đã sáng rõ hết.

Ở huyện nào Thái Bình mà chẳng có lính của tôi. Ở Tiền Hải còn có 700 chiến sĩ trước kia từng là lính của tôi. Ai mà chẳng biết tôi”.

Khi được biết câu chuyện về người lính của mình, ông Nội càng thêm xót xa, thương tiếc cho người chiến sĩ anh hùng. Chúng tôi cảm nhận rõ tình cảm của người thủ trưởng năm xưa đối với người lính của mình không chỉ ở trên trận tuyến ác liệt.

“Cố gắng làm để ông ấy được nhớ tới, được hưởng chính sách dù ông ấy không còn sống nữa. Tôi là nhân chứng sống. Tôi sẵn sàng đứng ra để xác nhận”, Đại tá Ngô Công Nội nói.

Tiễn tôi ra về, Đại tá Ngô Công Nội không quên nhắn nhủ: “Anh hãy cố gắng làm để trả lại danh tiếng, danh dự cho anh Trần Huy Cung”. 

Hành trình tìm kiếm người lính trong bức ảnh nổi tiếng về chiến tranh vệ quốc bảo vệ biên giới phía Bắc với cái kết thật đẹp. Điều chúng tôi vẫn trăn trở là người chụp bức ảnh này là ai? Sau bao nhiêu năm bức ảnh được công bố, nhưng không có bất cứ người nào đứng ra nhận là tác giả bức ảnh. Chúng tôi lại tiếp tục hành trình tìm kiếm mới.Đón đọc kỳ sau đăng vào sáng mai:Tác giả bức ảnh nổi tiếng “chiến sỹ cầm B41 bên cột mốc 0 km Lạng Sơn” là ai?

Phạm Thịnh - Minh Khang
Bình luận
vtcnews.vn