Nhà Trắng ngày 15/4 thông báo ông Marc Knapper, Phó trợ lý ngoại trưởng về Đông Á - Thái Bình Dương thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ, được đề cử làm đại sứ kế tiếp ở Việt Nam. Trao đổi với Zing, giáo sư Carl Thayer (Đại học New South Wales, Australia) nói ông đã được "nguồn đáng tin cậy" cung cấp thông tin này từ tháng 9/2020.
"Điều đó cho thấy ông Knapper được sự tôn trọng lớn trong Bộ Ngoại giao Mỹ, dưới sự điều hành của ngoại trưởng khi đó là ông Mike Pompeo - nhân vật được cựu Tổng thống Donald Trump bổ nhiệm", ông Thayer nói.
Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Nghiên cứu ISEAS Yusof Ishak, cho biết nhiệm vụ của đại sứ Mỹ tại Việt Nam sắp tới sẽ có nhiều thuận lợi, đặt trong bối cảnh quan hệ song phương đang ngày càng phát triển.
Nhiều thuận lợi để khởi đầu
Ông Hiệp nói thuận lợi rõ ràng nhất của ông Knapper là kinh nghiệm và sự am hiểu của nhà ngoại giao này đối với Việt Nam, do ông Knapper từng là tham tán chính trị tại Đại sứ quán Mỹ ở Hà Nội giai đoạn 2004-2007 và có thể nói tiếng Việt.
Tiến sĩ Hiệp đặc biệt lưu ý kinh nghiệm dày dạn của ông Knapper về Đông Á, nhất là Nhật Bản và Hàn Quốc.
"Quá trình công tác như trên rất phù hợp cho công việc của vị đại sứ mới, nhất là trong bối cảnh Mỹ tích cực triển khai chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương rộng mở và tự do. Chiến lược này mong muốn tăng cường mối liên kết giữa các đồng minh và các đối tác cùng chí hướng, nhằm xây dựng trật tự khu vực dựa trên luật lệ", Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp nói.
Thuận lợi tiếp, theo Tiến sĩ Hiệp, là quan hệ Việt - Mỹ đang trên đà phát triển mạnh ở nhiều lĩnh vực hợp tác như kinh tế, chính trị, an ninh quốc phòng. "Với nền tảng đó, công việc của tân đại sứ sẽ thuận lợi hơn hơn, dễ dàng nhận được sự ủng hộ cả từ Mỹ và phía Việt Nam để thực hiện tốt nhiệm vụ của mình".
Đồng tình với quan điểm trên, giáo sư Thayer tin rằng ông Knapper sẽ sớm "nhập cuộc" khi đến Việt Nam và nhanh chóng nắm bắt cách vận hành của chính quyền sở tại.
Theo giáo sư Thayer, ông Knapper là lựa chọn lý tưởng để hỗ trợ Tổng thống Biden thực hiện chiến lược khôi phục và củng cố quan hệ với các đồng minh và đối tác quan trọng của Mỹ. "Nhật Bản và Hàn Quốc là trọng tâm của chiến lược này, còn Việt Nam được xem là đối tác an ninh giàu tiềm năng cần được ưu tiên", ông Thayer nói.
Quan hệ Việt - Mỹ ra sao dưới thời chính quyền Biden?
Ông Knapper thuộc nhóm đại sứ đầu tiên được Tổng thống Biden đề cử từ sau khi nhậm chức.
Theo thông lệ, các đại sứ thuộc diện "bổ nhiệm chính trị" (tức những người ngoài ngành ngoại giao nhưng có liên hệ thân cận, hoặc đóng góp đáng kể vào chiến dịch tranh cử) sẽ từ chức ngay khi tổng thống mới bắt đầu nhiệm kỳ. Còn các đại sứ vốn là nhà ngoại giao chuyên nghiệp vẫn tiếp tục giữ chức.
Các đại sứ Mỹ tại Việt Nam cho đến nay, bao gồm cả ông Knapper nếu được Thượng viện Mỹ thông qua bổ nhiệm, đều là những nhà ngoại giao chuyên nghiệp. Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp đánh giá đây là thuận lợi trong quan hệ song phương, vì các nhà ngoại giao chuyên nghiệp nắm rõ công việc và sâu sát tình hình. "Họ có sự mẫn cảm và kiến thức để xử lý mối quan hệ tốt hơn", ông Hiệp nói.
Trong 4 năm sắp tới của nhiệm kỳ Tổng thống Biden, Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp cho rằng Mỹ và Việt Nam có thể tiếp tục thảo luận để nâng cấp quan hệ lên tầm đối tác chiến lược. Ông cho biết vấn đề này từng được đề cập dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump, nhưng chưa thể thực hiện vì một số lý do.
"Hiện tại, một số ý kiến từ phía Việt Nam rằng gọi tên mối quan hệ không quan trọng bằng hợp tác thực chất. Nhưng, rõ ràng phía Mỹ vẫn muốn thúc đẩy việc nâng cấp quan hệ. Do đó, tín hiệu từ Việt Nam có vai trò quan trọng trong nỗ lực nâng cấp mối quan hệ hai bên - cột mốc quan trọng trong sự hợp tác giữa hai nước", Tiến sĩ Hiệp nói.
Giáo sư Thayer đề cập đến Hướng dẫn Chiến lược An ninh Quốc gia Tạm thời của Tổng thống Biden, được ban hành vào tháng 3, trong đó đặt mục tiêu cần gắn kết với Việt Nam (cùng với Ấn Độ). Theo đó, chính quyền Biden đặt ưu tiên mở rộng quan hệ đối tác toàn diện với Việt Nam ở chín lĩnh vực được nêu cụ thể trong tuyên bố chung giữa hai nước hồi năm 2013 dưới chính quyền ông Obama.
Giáo sư Thayer cho rằng quan hệ quốc phòng và an ninh sẽ được ưu tiên nhiều hơn trong thời gian tới, đồng thời Mỹ và Việt Nam sẽ đàm phán tìm điểm chung, tính đến các lợi ích của Việt Nam.
Trong quá trình chiến lược này được triển khai, Giáo sư Thayer nói ông Knapper, với kinh nghiệm của một nhà ngoại giao chuyên nghiệp, "chắc chắn sẽ không gặp rắc rối nào trong việc thực hiện những chính sách của Tổng thống Biden".
Bình luận