Bữa cơm trưa khi xế chiều, bữa tối vào giờ đêm
Hưởng ứng lời kêu gọi của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long trước tình hình dịch COVID-19 ở TP.HCM diễn biến phức tạp, điều dưỡng Nguyễn Đình Hưởng là một trong 30 cán bộ y tế đầu tiên của Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương tham gia hỗ trợ công tác điều trị bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2 tại TP.HCM.
Tốt nghiệp Trường Đại học Y Hà Nội năm 2011, anh về học việc ở khoa Hô hấp của Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương gần 1 năm. Sau đó, anh chuyển công tác tại khoa Cấp cứu của bệnh viện cho đến bây giờ.
Nhớ lại những ngày trong tâm dịch tại TP.HCM, anh Hưởng nói, khi mới tới TP.HCM, mọi thứ từ trang thiết bị y tế để điều trị bệnh nhân COVID-19 đến nhân viên y tế đều thiếu. Trong khi đó, ẩm thực Sài Gòn và Hà Nội khác nhau nên giai đoạn đầu chưa quen, anh có gặp chút khó khăn, nhưng nó qua rất nhanh.
"Vào guồng quay công việc khi số bệnh nhân mắc COVID-19 liên tục tăng, số ca bệnh nặng và tử vong cũng nhiều lên, chúng tôi làm việc liên tục mỗi ngày từ 9 - 10 tiếng. Thời gian làm việc kéo dài, lại mặc bộ đồ bảo hộ kín mít, chúng tôi bị mất nước và thiếu ô xy nên càng cảm thấy mệt mỏi. Nhưng do đã xác định tư tưởng từ trước về cuộc chiến chống dịch khốc liệt nên ai nấy đều cố gắng hết mình", điều dưỡng Nguyễn Đình Hưởng cho hay.
Anh kể, có nhiều ngày, đội ngũ y bác sĩ bắt đầu bữa cơm trưa khi đã 16h và ăn tối khi đã 22h, nhưng rồi chuyện đó cũng trở thành điều bình thường.
Ngày anh lên đường hỗ trợ TP. HCM chống dịch là khi vợ anh đang mang bầu 30 tuần. Khi đó, bao nhiêu lo lắng đan xen trong anh, giữa một bên là sức khỏe của vợ và một bên là khát vọng cháy bỏng muốn cống hiến sức mình nơi tâm dịch, khiến anh có lúc lấn cấn.
May mắn thay, anh có người bạn đời rất hiểu mình, hiểu nghề và luôn thông cảm và sẻ chia với chồng. "Lúc đó, vợ động viên mình yên tâm công tác. Vợ nói sẽ ở nhà chăm sóc sức khỏe thật tốt để đón con chào đời khỏe mạnh, chờ ngày hết dịch, tôi sẽ trở về", anh Hưởng nói.
Cũng những ngày trong tâm dịch tại TP.HCM, dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhiều nhân viên y tế bị lây nhiễm, trong số đó, đã có những người không qua khỏi. Vì lẽ đó, gia đình rất lo lắng cho anh nhưng vẫn luôn động viên anh yên tâm công tác tốt và giữ sức khỏe. Bản thân anh cũng cố gắng để không phụ lòng của vợ và người thân trong gia đình.
Vali luôn để sẵn quần áo
Trong những ngày làm việc nơi tâm dịch TP.HCM đã để lại trong anh nhiều ký ức khó quên. Anh nói, bệnh COVID-19 là bệnh thiếu oxy theo cách thầm lặng, nên dù đã rất sát sao chăm sóc bệnh nhân, nhưng nhiều bệnh nhân do có bệnh nền, diễn biến xấu nhanh và tử vong.
“Là một nhân viên y tế, khi chứng kiến những cảnh ấy, trong lòng tôi nặng trĩu. Tôi vẫn nhớ như in một bệnh nhân nữ khoảng 56 tuổi. Chị ấy bị chất độc màu da cam lại nhiễm COVID-19. Dù đã rất cố gắng, nhưng cuối cùng chị ấy vẫn không qua khỏi”, điều dưỡng Nguyễn Đình Hưởng chia sẻ.
Cũng theo anh Hưởng, khác với những bệnh nhân khác, bệnh nhân COVID-19 khi điều trị thường không có người nhà ở bên cạnh chăm sóc nên họ cảm thấy rất cô đơn, nhớ người thân. Dù được nhân viên y tế hỗ trợ rất nhiều, nhưng họ vẫn cảm thấy buồn, trống trải.
“Tôi cũng đã chứng kiến cảnh 2 vợ chồng bị mắc COVID-19. Người chồng khi vào khu điều trị, sức khỏe yếu nên đã tử vong ngay sau đó. Chúng tôi đã không nói sự thật này cho người vợ biết để chị yên tâm điều trị. Ngày chị xuất viện chị nói với chúng tôi rằng, nếu biết chồng mình đã ra đi, chị cũng đã đi theo rồi”, anh Hưởng nhớ lại.
Dịch ở TP.HCM được kiểm soát, các ca nhiễm giảm rõ rệt, TP.HCM bước vào những ngày bình thường mới, đó là lúc anh Hưởng và rất nhiều đồng nghiệp khác trở về với gia đình. Ngày trở về, con gái của anh đã chào đời được hơn 1 tuần. Anh lại tất bật vừa chăm lo cho gia đình nhỏ, vừa tiếp tục công việc ở Bệnh viện.
Tuy nhiên, kí ức về những ngày chống dịch đầy cam go tại TP.HCM với anh sẽ không thể bao giờ quên trong cuộc đời của mình. Và chắc chắn trong những câu chuyện mai này khi kể với con gái mình, anh Hưởng sẽ kể về những ngày đi chống dịch, về sự vất vả, hy sinh của tất cả mọi người, đặc biệt là những nhân viên y tế.
Gắn bó với ngành Truyền nhiễm, anh Hưởng hiểu được rằng, dịch bệnh rất phức tạp, khó lường. Và có thể trong tương lai, sẽ còn có những dịch bệnh khác chứ không chỉ dừng lại ở đại dịch COVID-19. Vì thế, anh luôn trong tâm thế sẵn sàng lên đường chống dịch ở bất cứ đâu. “Trong vali, tôi luôn để sẵn quần áo”, anh Hưởng chia sẻ.
Bình luận