Tạp chí danh tiếng Forbes vừa công bố danh sách, thứ hạng tỷ phú thế giới 2018, trong đó Việt Nam có bốn tỷ phú USD. Họ là người đứng đầu các doanh nghiệp hoạt động trong nhiều lĩnh vực, từ bất động sản, ngân hàng, hàng không, đến sản xuất, lắp ráp ôtô.
Nhìn vào danh sách tỷ phú Việt, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đánh giá lạc quan về vai trò, đóng góp của các tỷ phú. Bà cho rằng thật may mắn khi mấy năm nay ông Vượng, người dẫn đầu trong số những người giàu ở Việt Nam, đã đa dạng hóa lĩnh vực kinh doanh. Ông có những tính toán và bước đi khá vững chắc trong việc đa dạng hóa, nhất là chuyển sang làm lĩnh vực công nghiệp.
- Năm 2017 chứng kiến cuộc đua top 10 người giàu nhất Việt Nam trên sàn chứng khoán và mới đây Forbes công bố Việt Nam có thêm 2 tỷ phú. Cảm nhận của bà về sức nóng trên mặt trận kinh tế của các tỷ phú này?
Tôi nghĩ sẽ còn tiếp tục nóng trong những năm tới và chắc chắn, thị trường càng phát triển thì độ nóng của các cuộc đua tranh phát sẽ càng lớn hơn, nhất là giữa những người đứng đầu. Vì người dẫn đầu, bao giờ cũng khiến rất nhiều người khác khát khao vươn lên. Những người nhỏ bé hơn thì khát khao, ước ao bao giờ mình có thể trở thành một người như vậy. Những người kế cận, như người thứ hai, thứ ba, thứ tư chẳng hạn trong số còn lại của top 10 sẽ cố gắng để rút bớt khoảng cách với người đứng đầu hoặc theo được người đứng đầu trong các việc khác nhau.
- Về cơ cấu lĩnh vực kinh doanh của các tỷ phú Việt, đâu là điều còn quan ngại, đâu là điểm sáng, thưa bà?
Điều tôi còn quan ngại là nhìn vào top 10 người giàu nhất Việt Nam thì bất động sản vẫn là lĩnh vực lớn. Nó vừa là điểm xuất phát của nhiều người giàu và vẫn được xác định là cốt lõi của không ít người giàu...
May là từ mấy năm nay người dẫn đầu trong số những người giàu ở Việt Nam đã đa dạng hóa lĩnh vực kinh doanh, có những tính toán và bước đi khá vững chắc trong việc đa dạng hóa. Tôi mừng nhất bây giờ là người giàu nhất Việt Nam đã chuyển sang làm lĩnh vực công nghiệp.
Bởi vì, thực tế tại tất cả các nước, trong đó có Nhật Bản, Hàn Quốc, họ "hóa rồng" được nhờ sản xuất, nhất là sản xuất công nghiệp. Còn ta nội lực yếu, đến tận bây giờ, khi 72% xuất khẩu nằm trong tay nước ngoài, 50% giá trị gia tăng trong công nghiệp nằm trong tay khối FDI, chúng ta mới giật mình nhận ra công nghiệp trong tay hầu như chưa có gì cả.
Bây giờ, Chính phủ và doanh nghiệp đã nhận thức được không thể trông chờ, dựa dẫm vào nước ngoài, đã thấy được vai trò, tầm quan trọng của công nghiệp nên đầu tư vào đó, đặc biệt là dự án sản xuất ôtô của tỷ phú Phạm Nhật Vượng. Đây là điểm sáng đáng mừng trong hoạt động của các tỷ phú Việt.
- Không chỉ sản xuất công nghiệp, Chủ tịch Vingroup vừa được Forbes công nhận là tỷ phú đa ngành. Theo bà, điều này có ý nghĩa như thế nào?
Khác với cách chứng nhận thiếu tin cậy ở ta, những tổ chức như Forbes bao giờ cũng chứng nhận khách quan và họ xem xét trong tỷ lệ, cấu trúc của ngành nghề, định hướng, cam kết phát triển lâu dài để công nhận. Forbes chứng nhận là rất tốt và có ý nghĩa.
Điều này có thể thúc đẩy những người giàu khác ở Việt Nam quan tâm, học tập và đi theo con đường của người dẫn đầu. Tôi nghĩ VinUni (đại học của Vingroup) khi hoạt động sẽ mở đường cho mô hình đại học phi lợi nhuận, chuẩn quốc tế ở Việt Nam để các trường, doanh nghiệp làm theo. Giáo dục là quốc sách, quan trọng hàng đầu nhưng nước ta quá thiếu trường học của người Việt có chất lượng quốc tế.
Tôi rất mừng là Tập đoàn kinh tế tư nhân lớn nhất Việt Nam và người giàu nhất Việt Nam cũng là người có tầm nhìn xa, thấy được và quyết định đúng lúc trong việc chuyển đổi và đa dạng hóa lĩnh vực kinh doanh, đặc biệt là quyết định mở rộng sang lĩnh vực công nghiệp. Việc đa dạng hóa như vậy sẽ lại khiến người giàu nhất trở nên giàu có hơn. Việc tài sản của ông Phạm Nhật Vượng tăng trưởng mạnh trong năm 2017 cũng chính là minh chứng cho tính đúng đắn của đa lĩnh vực như vậy.
- Không những đa ngành, một số tỷ phú còn tự tạo ra chuỗi giá trị của mình. Quan điểm của bà về vấn đề này là gì?
Đây là một bất ngờ rất đáng để trông chờ. Trong báo cáo Việt Nam 2035 mà tôi tham gia phụ trách phần kinh tế cùng ông Sandeep Mahajan - chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng thế giới, đã đặt vấn đề, trước mắt Việt Nam cố gắng tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, sau đó đến 2035 và có những doanh nghiệp mạnh làm chủ được xây dựng những chuỗi mới. Rất mừng là Vingroup có cách đi mới, táo bạo, chủ động tạo ra chuỗi giá trị Vinfast (sản xuất ôtô thương hiệu Việt với quy mô lớn).
Hồi ông Vượng làm bất động sản, tôi không thích, nhưng sau này khi Vingroup chuyển sang một số lĩnh vực khác, tôi đã quan sát trong một thời gian dài. Từ đó tôi càng thấy rõ hơn đường đi, phát triển của Vingroup dưới sự lãnh đạo của ông Vượng. Tôi nhận ra trong số các tỷ phú Việt hiện nay, thực sự công bằng mà nói, tôi ấn tượng và khâm phục ông Phạm Nhật Vượng cả tư duy và sự phát triển của ông. Ông sẽ là người dẫn đầu để những người giàu khác nhìn vào, học tập và tạo ra những sản phẩm đóng vai trò quan trọng cho đất nước.
Tôi rất trông đợi nông nghiệp Việt Nam có những chuỗi mới. Thực ra, trên thế giới, những người như bà Mai Kiều Liên của Vinamilk, cũng là một trong những người tôi vô cùng kính trọng. Bà là người có công đầu trong toàn bộ ngành sữa của Việt Nam, tự tạo chuỗi giá trị vững chắc hơn rất nhiều trong nông nghiệp. Ông Lâm Viên của Vinamit tạo ra chuỗi sản phẩm trong việc sản xuất nông sản sấy khô cũng là bước đi tích cực.
Tôi cũng đặc biệt ấn tượng với chương trình VinEco đồng hành cùng nông dân Việt Nam (đối tượng mà theo tôi cần được quan tâm nhất). Đây là mô hình nông nghiêp công nghệ cao thu hút hàng nghìn hộ nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp tham gia, đang lan tỏa mạnh. Lợi ích các bên càng được nhân lên khi Vingroup hỗ trợ bán nông sản, hàng hóa chất lượng cao trong hệ thống Vinmart rộng lớn.
- Tại sao lại đặt ra mục tiêu mãi đến năm 2035 mới có doanh nghiệp tạo ra chuỗi giá trị mới, thưa bà?
Năm ngoái Ngân hàng Thế giới nghiên cứu các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu thời công nghệ 4.0. Kết quả là Việt Nam tham gia được có 300 doanh nghiệp, mà tham gia toàn những mảng rất đơn sơ như làm bao bì…, hàm lượng giá trị rất thấp.
Trong các chuỗi giá trị ở các ngành lớn như ôtô chẳng hạn, đòi hỏi người tham gia phải tầm doanh nghiệp cỡ trung. Trong khi đó Việt Nam lâu nay thiếu doanh nghiệp quy mô lớn và trung bình, chủ yếu các doanh nghiệp nhỏ.
Vì thế, mặc dù tôi đã nhiều năm vận động doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư sản xuất ôtô điện ở Việt Nam nhưng họ lại chọn Indonesia. Nay, việc Vinfast ra xe điện là nỗ lực mạnh và chiến lược rất hay. Đây sẽ là minh chứng đầu tiên về việc người Việt Nam sẽ làm được ôtô, không cần phải đi năn nỉ, vận động doanh nghiệp nước ngoài đầu tư giúp mình mà có khi cuối cùng có khi cũng chỉ nhận được công nghệ cũ và những cái thừa thãi của xã hội, của thế giới.
Như tôi đã nói, việc ông Vượng và một số tỷ phú tham gia lĩnh vực công nghiệp là điểm sáng rất đáng mừng. Bởi các tỷ phú giỏi, nhạy bén, nắm bắt được thời cơ, phân tích, phán đoán được tình hình, họ thấy được nhu cầu xã hội. Họ thấy được vị trí của mình trong cạnh tranh để chọn lựa và có bước đi phù hợp nên dễ dẫn đến thành công hơn. Công nghiệp nước nhà và lớn hơn là khả năng cạnh tranh của nền kinh tế sẽ mạnh mẽ lên nhờ các doanh nhân, tỷ phú.
Bình luận