• Zalo

Điểm mặt 4 quy định 'làm dân ngơ ngác'

Thời sựThứ Hai, 04/02/2013 05:50:00 +07:00Google News

(VTC News) – Tình trạng ban hành nhiều Văn bản quy phạm pháp luật rồi “đắp chiếu” để đấy vừa gây phí phạm tiền, vừa khiến dư luận bức xúc.

(VTC News) – Tình trạng ban hành nhiều Văn bản quy phạm pháp luật rồi “đắp chiếu” để đấy vừa gây phí phạm tiền, vừa khiến dư luận bức xúc.


Theo GS-TS Nguyễn Minh Thuyết, tình trạng ban hành nhiều Văn bản quy phạm pháp luật rồi “đắp chiếu” để đấy sẽ gây phí phạm tiền của bởi mỗi nghị định, thông tư đều phải qua rất nhiều khâu biên soạn, thẩm định, xét duyệt mới có thể được ban hành.


Đáng lo ngại hơn cả là việc liên tục ban hành các quy định không khả thi sẽ khiến người dân ngày càng coi nhẹ Văn bản Quy phạm pháp luật và nghi ngờ năng lực quản lý của Nhà nước.

Hãy cùng điểm lại một số văn bản quy phạm pháp luật “đắp chiếu” để đấy trong những năm qua:

1. Phạt tiền nếu hút thuốc lá, thuốc lào ở nơi công cộng

Một năm rưỡi sau khi quy định có hiệu lực, trên cả nước mới chỉ có 10 người bị phạt do hút thuốc lá tại địa điểm cấm hút thuốc 

Nghị định 45/2005 của Chính phủ (xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế) nêu rõ: cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 50.000-100.000 đồng đối với một trong các hành vi như hút thuốc lá, thuốc lào ở nơi công cộng.


Từ ngày 1-1-2010, quy định bổ sung nhiều địa điểm công cộng, nơi làm việc trong nhà bị cấm hút thuốc lá. Thế nhưng, việc vi phạm vẫn vô tư diễn ra hằng ngày, ngay cả tại những nơi cần phải cấm triệt để như trường học, bệnh viện.

Một năm rưỡi sau khi quy định có hiệu lực, trên cả nước mới chỉ có 10 người bị phạt do hút thuốc lá tại địa điểm cấm hút thuốc.

2. Xử phạt hành vi sử dụng điện thoại ở cây xăng

Theo nghị định 52/2012 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy và chữa cháy (có hiệu lực từ ngày 5-8-2012), mức phạt dành cho hành vi sử dụng thiết bị, dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt ở những nơi có quy định cấm (trong đó có các cây xăng) tăng từ 200.000-500.000 đồng lên gấp 10 lần thành 2-5 triệu đồng.

Chẳng ai bị phạt vì “alô” ở cây xăng?  

Về lý, người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm, ra quyết định xử phạt thì rất nhiều (UBND phường, công an quận, CSGT, cảnh sát PCCC...), nhưng rồi chẳng ai xử và chẳng ai bị phạt vì “alô” ở cây xăng.


3. Đổ rác không đúng nơi quy định: Phạt!

UBND TP Hà Nội quy định vào tháng 2/2010 xử phạt hành chính từ 100.000-300.000 đồng đối với cá nhân, hộ gia đình đổ rác không đúng nơi quy định, phạt từ 5-10 triệu đồng đối với tổ chức, cá nhân làm rơi vãi chất thải trong quá trình thu gom, vận chuyển...

Đây là mức xử phạt “nhắc lại” từ nghị định 23 của Chính phủ ban hành trước đó quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng, kinh doanh bất động sản, khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng...

Các hành vi đổ rác bừa bãi diễn ra rất phổ biến nhưng thực tế việc kiểm tra, xử lý hầu như không được thực hiện. 

Quy định là vậy nhưng đi dọc các tuyến phố, khu dân cư trên địa bàn nhiều quận, đặc biệt các quận như Cầu Giấy, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Đống Đa (Hà Nội)... có thể dễ dàng bắt gặp nhiều đống rác thải từ lớn tới nhỏ. Bi hài hơn, rác không chỉ xuất hiện ở những nơi công cộng mà còn xuất hiện phổ biến ngay tại những nơi cắm biển... cấm đổ rác. Các hành vi đổ rác bừa bãi diễn ra rất phổ biến nhưng thực tế việc kiểm tra, xử lý hầu như không được thực hiện.


4. Dân ngơ ngác trước thông tư 30 của Bộ Y tế

Quy định trong thông tư 30 của Bộ Y tế có hiệu lực từ ngày 20/1 đang bị báo chí và người dân kêu trời. Nhưng ông Nguyễn Hùng Long, phó cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), lại cho rằng đây là quy định dễ, không mới.

Theo thông tư này, người bán hàng quán phải có giấy chứng nhận sức khỏe, thực phẩm phải có nguồn gốc...

Ông Nguyễn Hùng Long - phó cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế - cho rằng “hóa đơn” trong thông tư 30 không yêu cầu nhất thiết phải là hóa đơn tài chính. Nếu mua nguyên liệu ở chợ, người kinh doanh dịch vụ ăn uống chỉ cần ghi vào sổ là mua của bà A loại thực phẩm này, bằng này kilôgram... để dễ truy xuất nguồn gốc nếu xảy ra ngộ độc thực phẩm. Ông Long cũng cho rằng với các cơ sở dịch vụ ăn uống hoạt động theo mô hình công ty thì phải có hóa đơn tài chính khi mua nguyên liệu theo quy định của luật pháp.

Theo thông tư 30, người bán hàng quán phải có giấy chứng nhận sức khỏe, thực phẩm phải có nguồn gốc... 

Tuy nhiên, lục tìm trong thông tư 30, chúng tôi không thấy bất kỳ hướng dẫn nào cho rằng ghi địa chỉ mua hàng, loại hàng hóa... vào sổ cũng được coi là chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, mà chỉ thấy quy định “nguyên liệu, phụ gia thực phẩm, thực phẩm bao gói, chế biến sẵn phải có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc”, kể cả với người kinh doanh thức ăn đường phố, người bán hàng rong, quầy hàng thức ăn chín chế biến sẵn.

Rõ ràng quy định trong thông tư 30 là khó thực hiện, chưa cụ thể, chứ không phải như giải thích của quan chức Bộ Y tế.


Bên cạnh những dự luật, quy định gây bão trên, còn có không ít đề xuất, ý tưởng xây dựng văn bản pháp luật bị “ném đá” chẳng hạn như đề xuất cấm sản xuất bánh chưng vào ngày thường.

Nam Minh (tổng hợp)

Bình luận
vtcnews.vn