• Zalo

“Điểm danh” hàng hóa bình ổn giá để tránh tùy tiện

Thời sựThứ Sáu, 16/12/2011 02:00:00 +07:00Google News

(VTC News) – Cần đưa ra danh mục cụ thể các hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá để minh bạch, tránh tùy tiện.

(VTC News) – Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, đưa ra danh mục cụ thể các hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá là minh bạch, tránh tùy tiện.


Thảo luận về dự án Luật giá tại Ủy ban thường vụ Quốc hội (TVQH) ngày 15/12, các thành viên Ủy ban TVQH dành sự quan tâm nhiều về danh mục cụ thể các loại hàng hóa, dịch vụ thuộc diện bình ổn giá.


Tại buổi làm việc, Ủy ban Tài chính Ngân sách đưa ra danh mục bổ sung các loại hàng hóa, dịch vụ thuộc diện bình ổn giá, gồm: Xăng, dầu thành phẩm; Xi măng; Thép xây dựng; Khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG); Phân đạm u-rê; thuốc bảo vệ thực vật; Vac-xin lở mồm long móng, vac-xin cúm gia cầm; Muối hạt trắng; Sữa bột dành cho trẻ em dưới 6 tuổi; Đường ăn (đường trắng và đường tinh luyện); Thóc, gạo tẻ thường; Thuốc phòng, chữa bệnh cho người thuộc danh mục thuốc chữa bệnh chủ yếu sử dụng tại các cơ sở khám, chữa bệnh do Bộ Y tế quy định; Thức ăn hỗn hợp dùng cho chăn nuôi lợn thịt, gà thịt, gia cầm, cá tra, cá basa, tôm; Cước vận chuyển hành khách bằng đường sắt loại ghế ngồi cứng.


Theo Ủy ban Tài chính Ngân sách, trường hợp cần thiết phải điều chỉnh Danh mục này thì Chính phủ trình Ủy ban TVQH xem xét quyết định.


Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội Trương Thị Mai (Ảnh: VNN)  
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển nhận định, đưa ra một danh mục cụ thể để căn cứ danh mục này cơ quan có thẩm quyền chọn ra một loại trong khung mà xử lý, không chọn cái khác ngoài khung – như thế là minh bạch. Nếu vượt khung thì do Uỷ ban TVQH quyết định. “Như thế là thông thoáng!”.


Nhưng theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ thì chỉ nên đưa hàng hóa, dịch vụ vào Danh mục bình ổn theo nguyên tắc rồi giao Chính phủ hoặc Ủy ban TVQH quyết định.


Không đồng tình với ý kiến này, Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cho rằng, đưa cụ thể hàng hóa, dịch vụ vào Danh mục để tránh tình trạng tùy tiện. “Nhưng nên cân nhắc chừng này hàng hay thu hẹp lại, ta nên tính toán thêm, nếu mở rộng ra quá thì khó mà bình ổn!” – bà Mai góp ý.


Có nên định giá thuốc lá điếu?


Cũng trong buổi làm việc của Ủy ban TVQH, Ủy ban Tài chính Ngân sách cũng trình bày bổ sung Danh mục hàng hóa, dịch vụ Nhà nước định giá, gồm: Hàng dự trữ quốc gia theo quy định của pháp luật về dự trữ quốc gia; Nhà ở xã hội, nhà ở công vụ; Công trình kết cấu hạ tầng phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng; Điện, Dịch vụ chuyển tải điện, Dịch vụ điều hành bay; Dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa, Dịch vụ bảo đảm hàng hải, Dịch vụ vận tải công cộng bằng xe buýt, Vận chuyển bằng đường sắt; Sản phẩm thuốc lá điếu sản xuất trong nước; Nước sạch cho sinh hoạt; Đất đai, mặt nước, Rừng; Hàng hóa, dịch vụ công ích theo quy định của pháp luật; Giống gốc cây trồng, vật nuôi; Hàng hóa, dịch vụ phục vụ quốc phòng, an ninh; Dịch vụ khám chữa bệnh; Xăng, dầu thành phẩm.


Trong danh mục này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển băn khoăn về việc có nên định giá thuốc lá điếu không? 


Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội Trương Thị Mai thì thẳng thắn, nên bỏ sản phẩm thuốc lá điếu ra khỏi Danh mục hàng hóa, dịch vụ Nhà nước định giá. Theo bà Mai, “nước mình không phải đưa sản phẩm thuốc lá điếu vô điều tiết làm gì vì mình còn đang phải tăng thuế đề giảm hút thuốc”.


Tuy nhiên, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc lại có ý kiến ngược lại, theo ông Phúc, thuốc lá điếu đưa vào Danh mục do nhà nước độc quyền sản xuất kinh doanh mặt hàng này, theo đó, đối với những sản phẩm độc quyền của nhà nước thì nhà nước sẽ quyết định giá mua, giá bán.


Liên quan đến hàng hóa, dịch vụ do nhà nước định giá, ý kiến của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chung Lưu cho rằng, cần tính toán thận trọng những nhóm hàng hóa do Nhà nước độc quyền định giá để các thành phần kinh tế bình đẳng với nhau theo cơ chế thị trường.'


Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ khẳng định, Nhà nước chỉ định giá sàn, giá trần hoặc khung chứ không ấn định mức cụ thể.

 

Sau khi tiếp thu ý kiến của các ĐBQH, Ủy ban Tài chính Ngân sách trình xin ý kiến Ủy ban TVQH phương án bình ổn giá thông qua Quỹ bình ổn giá.

Theo Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển, Quỹ bình ổn giá được thành lập từ các nguồn như: trích một phần hợp lý từ lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp; trích từ giá hàng hóa, dịch vụ; tự nguyện đóng góp của tổ chức, cá nhân; viện trợ của nước ngoài; hỗ trợ từ khoản dự phòng của ngân sách nhà nước theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước trong trường hợp cần thiết.



Chính phủ quy định cụ thể trình tự lập, quản lý và sử dụng quỹ bình ổn giá.


Về nội dung này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ cho rằng, Quỹ bình ổn giá là quỹ ngoài ngân sách, có quỹ này là giảm gánh nặng cho ngân sách. Tuy nhiên, “việc trích từ giá cả là được, nhưng không nên dùng ngân sách để đưa vào quỹ, trừ thiên tai địch họa ta dùng ngân sách để gián tiếp hỗ trợ, nguyên tắc sử dụng quỹ dự phòng ngân sách là ở đó”.


Cũng theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, nhiều chuyên gia cũng phản đối lấy ngân sách để bình ổn giá, bởi tác dụng ít, không tác động nhiều, chỉ lợi cho mấy anh doanh nghiệp tham gia bình ổn hoặc giá tại siêu thị được lợi - "cái này dễ bị lạm dụng”.

Kiều Minh

Bình luận
vtcnews.vn