Paris cuối tuần trời đẹp không cưỡng nổi. Nắng vàng, gió nhẹ. Ngày Chủ nhật đầu tiên sau khi lệnh bán phong toả được ban ra, dân Pháp vẫn đổ ra đường. Không còn nhà hàng, quán café để la cà thì chui vào công viên, đổ ra bờ sông Seine, vác patin lên trượt trên vỉa hè rộng thênh thang của Champs-Élysées. Nhiều cửa hàng vẫn mở, khách xếp hàng vẫn đông chen chúc cạnh nhau, coi như không biết quy định đứng cách xa nhau 1m là gì.
Tối thứ Bảy, đúng lúc dân Pháp đổ ra đường vui chơi nhảy múa thì Thủ tướng Édouard Philippe lên truyền hình tuyên bố vài tiếng sau đóng cửa tất cả những cửa hàng, cửa hiệu không thuộc dạng “indispensable - không thể thiếu”. Chỉ có hiệu thuốc, cửa hàng thực phẩm, trạm xăng, ngân hàng... được mở.
Nhưng mỗi người lại hiểu từ “không thể thiếu” theo cách khác nhau.
Chủ một quầy rượu vẫn bán đồ cho khách cầm về với lập luận “với tôi thì rượu vang là không thể thiếu”. Một người đàn ông xếp hàng mua hoa thì bảo “Chủ nhật thì cũng không thể thiếu hoa được”.
Paris vẫn rất tưng tửng và vui vẻ.
Nói như nhiều người là vui chơi nốt trước khi nằm im trong nhà, mà không biết đến khi nào mới có thể trở lại.
Thực ra thì sự việc có lẽ trầm trọng lắm rồi.
Sau mấy ngày xem dân Anh cãi nhau về “herd immunity” - miễn dịch đàn (với virus, chúng ta cũng chỉ là một đàn sinh vật), dân Pháp phát hiện ra là nước Pháp dường như cũng đang âm thầm đi theo hướng đó, có lẽ do cũng chẳng còn lựa chọn nào nữa.
Tờ Le Monde khui ra bản báo cáo của nhóm khoa học cố vấn cho Emmanuel Macron, trong đó nêu ra các con số rất kinh hoàng là số người chết tại Pháp, nếu tệ nhất, có thể lên tới 500 ngàn người. Có chia ba, chia bốn thì cũng rất nhiều.
Pháp chỉ là không nói thẳng như Anh mà thôi.
Các chuyên gia dịch tễ uy tín, các giám đốc, trưởng khoa các bệnh viện đều lạc giọng trên mặt báo, rằng đây là tình huống khẩn cấp mang tính sống còn của cả một thế hệ, dân Pháp hãy nghiêm túc để tự cứu mình và cứu người.
Trên mạng bắt đầu lan truyền rất nhiều thông tin rằng Pháp sẽ chính thức phong toả toàn quốc từ 18h ngày mai (17/3), theo bước Italy và Tây Ban Nha. Quan chức Pháp chỉ nói, mọi người sẽ biết những gì cần biết, vào lúc cần biết.
Thời điểm đó không tránh được.
Châu Âu đang tê liệt. Đức, dù không muốn, cũng đã phải đóng cửa biên giới, một phần vì virus, phần khác như báo chí Đức nói là không muốn dân Pháp, Thuỵ Sỹ, Áo chạy sang vơ vét hết các cửa hàng thực phẩm để mang về tích trữ.
Lúc nguy ngập sống còn, ai rồi cũng phải tự lo cho mình. Thủ tướng Hà Lan, Mark Rutte hôm trước mắng ầm lên là dân Hà Lan đừng có đi gom đồ nữa, phải biết nghĩ đến những nhân viên y tế, những cảnh sát cứu thương chống dịch mệt nhoài nhưng cuối ngày vào siêu thị lại không còn gì để mua về cho gia đình. Hai hôm nay, truyền hình Anh, Ireland cũng phát đi những cảnh vơ vét tan hoang trong các siêu thị.
Italy hai tuần qua kêu cứu khản cổ nhưng không một nước châu Âu nào viện trợ khẩu trang, thiết bị bảo hộ. Mãi khi EU gây sức ép quá, Đức mới bán lại cho 1 triệu cái.
Video: Dân châu Âu xếp hàng mua thực phẩm trong dịch Covid-19
Trong cơn túng quẫn, chính quyền Italy phải cấp cho các bệnh viện ở Lombardy những khẩu trang bị các bác sỹ ở đây gọi là “giẻ rách” mà điều tra ra là trong số này có những loại được bán với giá khoảng 4-5euro/chục cái tại chợ trời Palermo.
Người bạn lớn bên kia Đại Tây Dương – Mỹ sau khi đã cấm cửa châu Âu thì lại bị phát hiện ra là dùng tiền định đưa toàn bộ một công ty Đức (CureVac) sang Mỹ để độc quyền vaccine Covid-19 cho riêng mình. Nghe cứ như là thước phim tua lại Manhattan Project của những năm Thế chiến.
Với một mảnh đất như châu Âu, thật là cay đắng.
Dân Italy những ngày này vẫn ra ban công hát quốc ca.
Tây Ban Nha không có quốc ca thì vỗ tay cổ vũ cứu thương.
Dân Đức thì chửi vì hàng xóm làm ồn.
Dân Amsterdam xếp hàng chật cửa hàng bán cỏ để tích trữ phê dần.
Dân Pháp con cháu Asterix&Obélix chẳng sợ gì, chỉ sợ trời rơi vào đầu. Lý thuyết là thế.
Bình luận