Tiếng khóc" lạ trong động không đáy
Cách trung tâm xã Thông Huề (huyện Trùng Khánh, Cao Bằng) chừng 5km, "động nhốt tiên" nằm trên núi Khum Khău, thuộc địa phận bản Khuông. Trải qua nhiều đời với những câu chuyện kỳ bí không thể lý giải được, người Tày tự đặt tên cho cái hang đó là "hang tiên" hay "động nhốt tiên"...
Dù cách không xa khu dân cư nhưng đường lên hang động này còn đậm nét hoang sơ với lối đi lởm chởm đá và phải luồn lách qua hàng loạt cây rừng. Theo chân ông Nông Hữu Đồng, trưởng bản Khuông và ông Đàm Văn Mục, một "thổ địa" nơi đây, chúng tôi có cơ hội mục sở thị hang động kỳ bí này.
Trên đường đi, tranh thủ những quãng nghỉ ngơi, ông Đồng kể cho chúng tôi nghe về những truyền thuyết và lời đồn từ cổ chí kim về "hang tiên". Ngày còn nhỏ, ông đã được bà nội kể rằng, từ xa xưa, cả vùng đất Cao Bằng là chốn hoang sơ nhưng rất đẹp với núi non xanh biếc và những dòng suối chảy quanh uốn lượn dưới các chân đèo. Chính vì khu rừng trù phú nên rất nhiều thú dữ và mãnh hổ đã kéo về đây càn quấy.
Nhũ đá trong hang mang nhiều tạo hình thú vị |
Một ngày nọ, từ trên thiên đình có một nàng tiên du ngoạn xuống hạ giới. Đi qua núi Khum Khău, nàng say mê cảnh đẹp và yêu mến con người nơi đây nên đã lòng lưu luyến không muốn về. Lòng bịn rịn chẳng rời nhưng khi nghĩ đến những hình phạt của thiên đình, nàng đã quyết tâm trở về.
Tuy nhiên, khi nàng tiên vừa cất cánh bay lên, cô lại bất ngờ nghe thấy tiếng hát then (một điệu hát cổ truyền của người Tày - PV) của các chàng trai trong bản. Tiếng hát ấy đã khiến nàng mê mẩn nên quên mất đường về trời. Khi trời tối, nàng tiên hoảng hốt chạy lên trên một hang động là nơi thông nhau giữa trời và đất thuộc núi Khum Khău mong tìm được đường về nhà.
Tuy nhiên, cổng trời đã đóng kín. Lúc ấy, nàng mới biết rằng, lần du ngoạn này là lần duy nhất trong đời mình được xuống hạ giới. Bởi nàng đã không kịp giờ về trời và sẽ mãi mãi bị nhốt ở trong động. Kể từ khi ấy, đêm đêm, người dân trong vùng lại nghe thấy tiếng khóc nức nở phát ra từ phía hang sâu thăm thẳm.
Dần dần, vì sợ hãi nên người đời ngày càng xa lánh khu vực đó khiến hang động ngày càng trở nên hoang vu. Người dân địa phương còn đồn thổi, để tránh những người có ý niệm phàm tục quấy rầy sự tĩnh lặng của nàng tiên trong hang, một con rắn lớn với chiếc mào đỏ rực trên đầu luôn túc trực, canh giữ cửa hang.
Giải thích thêm về tên gọi "động nhốt tiên", ông Đàm Văn Mục cho hay, cũng có truyền thuyết kể lại rằng, Trùng Khánh xưa kia là một vùng nổi tiếng sơn thủy hữu tình. Mỗi năm ngọc hoàng đều cho mở lễ hội quanh những con suối lớn chảy dưới chân đèo. Tham gia lễ hội có rất nhiều tiên nữ xinh đẹp múa hát cả ngày lẫn đêm.
Mùa xuân một năm nọ, khi các tiên nữ đang say mê múa hát thì bỗng có con quỷ trên rừng lao xuống. Nó đã cướp đi một nàng tiên và đưa về nhốt vào hang trên núi Khum Khău. Kể từ đó về sau, hàng năm, ngọc hoàng không còn cho tổ chức lễ hội trên vùng này nữa. Còn nàng tiên thì được đồn đoán rằng đã bị quỷ cướp về hang để làm vợ.
Cũng theo ông Đàm, từ truyền thuyết ấy, sau này, người dân Thông Huề vẫn truyền tai nhau câu chuyện có một cô gái ở bản Khuông, khi lên rừng kiếm củi, đi qua cửa hang đã bị trúng "bùa" của quỷ.
Về nhà, cô gái này biểu hiện như người mất hồn. Cô thường xuyên than khóc một cách vô cớ khiến nhiều người dân hoảng sợ. Có lẽ chính vì câu chuyện này mà người dân vùng Thông Huề xưa nay thường không cho con gái đi qua khu vực hang.
Họ lo lắng rằng khi con gái đi qua hang sẽ bị con "quái thú" xưa kia ngồi trong hang dùng bùa chú mà cướp mất linh hồn. Lại có gia đình còn lo lắng tới mức, khi con mình có việc bắt buộc đi qua khu vực hang, nếu là những cô gái đẹp thì phải cải trang cho xấu bớt hoặc làm cho người hôi hám đi để quỹ dữ bên trong không bắt.
Cũng theo lời hai vị cán bộ địa phương, chính vì những truyền thuyết và lời đồn đậm chất kì bí này mà không ít nhóm người ở xa khi muốn đến khám phá hang động dù bỏ rất nhiều tiền thuê dẫn đường nhưng đã nhận được cái lắc đầu từ chối của người dân bản địa. Bởi không ai dám mạnh dạn vượt qua lời đồn để đưa khách vào sâu hang động bên trong.
Ông Lưu Hồng Sơn |
Sau khoảng gần một tiếng đồng hồ vật lộn với con đường rừng nhầy nhụa bùn đất, chúng tôi cũng đặt chân đến động tiên. Vì miệng hang rất hẹp nên chúng tôi phải uốn người lách qua những tảng đá tự nhiên chắn ngang lối đi mới có thể vào phía trong hang.
Càng bò sâu vào phía trong, lòng hang càng rộng, vòm hang cao hơn và thi thoảng lại nghe rõ tiếng nước nhỏ giọt. Mỗi người chúng tôi cầm một chiếc đèn pin và mò mẫm tìm đường đi. Đến một khoảng bằng phẳng cách cửa hang khoảng 300m, ông Nông Hữu Đồng chiếu đèn chỉ cho chúng tôi những tạo hình thiên nhiên trong hang động.
Theo lời ông Đồng thì hiện chưa có một nghiên cứu hay đánh giá nào về chiều dài của "động nhốt tiên". Từ trước đến nay, chưa một ai đi hết hang động này cả. Tuy nhiên, những người nếu có cơ hội vào hang khám phá sẽ thấy cảnh sắc thiên nhiên trong hang vô cùng đẹp và kỳ thú.
Thời còn trẻ, đã có lần ông Đồng cùng một số người dân trong bản đi sâu chừng gần 1km vào phía trong nhưng vẫn chưa thấy điểm cuối của hang. Vì sợ lạc đường và hang sâu hun hút tối nên đoàn người đành phải quay trở về.
Ông Đồng chỉ về phía những nhũ đá rớt dài từ trên xuống và có nhiều khe nhỏ mà giải thích rằng đó chính là rèm che trước cửa buồng cô tiên. Phía sâu trong vách đá đó là một khoảng trống bằng phẳng được gọi là giường nằm của cô tiên. Vô số những cột thạch nhũ buông rủ xuống phát ra ánh sáng lung linh. Người dân nơi đây gọi đó là đàn của tiên hay suối tiên ngồi tắm...
Đã từng thăm quan qua nhiều hang động nhưng đích thực lần này chúng tôi mới thực sự cảm nhận được cái gọi là "nét hoang sơ nguyên bản" của tạo hóa. Bỏ qua cái cảm giác rờn rợn khi nghe những truyền thuyết về hang động trên đường đi, hay con "quái thú" trong tưởng tượng của người dân tộc Tày, chúng tôi mải mê tiến sâu vào phía trong hang.
Càng đi vào bên trong, động càng lớn rộng hơn. Có lẽ, chỉ bàn tay tạo hóa qua hàng nghìn năm mới có thể tỉ mẩn kiến tạo ra những tác phẩm kỳ vĩ mà hôm nay chúng tôi được chiêm ngưỡng.
Không có chuyện "quái thú" trấn giữ dưới hang
Sau khoảng gần 3 tiếng đồng hồ lên thăm hang động, chúng tôi quay lại trụ sở UBND xã Thông Huề để tìm hiểu thêm về "động nhốt tiên". Trao đổi với chúng tôi, ông Lưu Hồng Sơn, Chủ tịch UBND xã Thông Huề cho biết: Hang động này nằm trên dãy núi Khum Khău và được phát hiện từ thời kháng chiến chống Pháp.
Đây từng là nơi trú ẩn của một số cán bộ cách mạng địa phương. Vì đã có từ lâu đời và trong hang có nhiều khối đá hình dạng giống như đời thực nên người dân mới tự xây dựng nên nhiều truyền thuyết bí ẩn.
Còn những âm thanh mà bà con nghe được từ hang có lẽ là tiếng nước chảy tự nhiên, tiếng đá rơi hoặc tiếng gió rít. Bên cạnh đó, việc người dân nói rằng dưới hang có "quái thú" cũng chỉ là tin đồn không có thật. Dân cư trên địa bàn chủ yếu là người Tày và người Nùng nên trình độ dân trí còn thấp. Họ tin vào những lời thêu dệt chuyện kỳ bí về hang động.
Theo ĐS&PL
Bình luận