Liên quan tới vụ việc này, phóng viên VTC News đã có cuộc phỏng vấn ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Thành phố Hà Nội.
- Ông bình luận gì về vụ việc nữ tài xế taxi thu của khách 1 triệu đồng cho chặng đường chỉ 3 km vừa xảy ra?
Ông Bùi Danh Liên(Ảnh: Internet)
Đây không phải lần đầu việc như thế xảy ra mà các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp và cả cộng đồng… đều biết chuyện “chặt chém” có từ lâu rồi. Chúng ta đã có nhiều giải pháp khắc phục, nhưng nó vẫn tồn tại gây bức xúc cho xã hội.
Đặc biệt, nó gây ảnh hưởng tới chiến lược phát triển du lịch của Hà Nội. Rõ ràng những hành động như thế sẽ khiến thương hiệu, hình ảnh của Việt Nam bị xấu đi trong mắt bạn bè quốc tế. Nữ tài xế đó như một con sâu làm rầu nồi canh!
- Vì sao người ta có thể dễ dàng, đường đường chính chính giả danh tài xế của một hãng taxi như thế, thưa ông?
Hiện nay, việc quản lý của các doanh nghiệp vận tải còn nhiều vấn đề tồn tại, nhiều mặt hạn chế cần phải tiếp tục giải quyết.
Thứ nhất, ngoài các hãng taxi hoạt động có hiệu quả, có chữ tín, có chiến lược phát triển lâu dài, bền vững thì còn có một số hãng taxi quản lý theo cách bán thương hiệu hoặc khoán. Khoán là một phương thức rất hiện đại, nhưng có một thực tế là họ khoán chứ không quản.
Cụ thể, một số hãng taxi cung cấp cho chủ các xe tư nhân phù hiệu của mình mà không quản lý xem họ làm những gì. Chỉ cần mỗi ngày người kia đóng cho hãng taxi đó một khoản phí 300.000 đồng chẳng hạn là được, còn chủ xe thích chạy đi đâu, làm gì, như thế nào cũng kệ.
Chính việc khoán mà không quản đó dẫn tới chuyện người ta ngang nhiên “chặt chém” khách hòng kiếm lợi cá nhân.
Thứ hai, một số chủ xe lấy phù hiệu thật của một hãng taxi nào đó mang đi photo rồi dán vào xe của mình để đánh lừa hành khách và cơ quan quản lý. Bản thân tôi từng hai lần bắt gặp chuyện đó ở một tiệm photocopy gần nhà. Đó là hành vi lừa đảo, gian dối, cần bị nghiêm trị.
Thứ ba, nhiều khi do trình độ dân trí còn thấp, một bộ phận người Việt tìm mọi cách, kể cả lừa đảo để kiếm tiền. Không chỉ ở Việt Nam, nhiều nước trong khu vực cũng thế.
- Vậy theo ông, trách nhiệm của những hãng taxi bị giả danh như Hà Anh trong vụ việc này ra sao?
Thanh tra Sở giao thông Hà Nội đã phát hiện, tạm giữ phương tiện và phạt trên 11 triệu đồng với nữ xế này.
Còn nếu đúng như kết luận của thanh tra giao thông, nữ tài xế này in phù hiệu giả của hãng taxi đó thì phải chuyển vụ việc cho cơ quan điều tra, bảo vệ pháp luật xem xét.
- Có cách nào để ngăn chặn tình trạng trên không, thưa ông?
Tôi nghĩ rằng cứ áp dụng các quy định của pháp luật xử lý thật nghiêm những trường hợp vi phạm để răn đe, giáo dục là được.
- Nhân vụ việc này, một lần nữa người ta lại nhắc tới đạo đức nghề nghiệp của các tài xế taxi. Ông có bình luận gì về đạo đức nghề nghiệp của nữ tài xế này?
Rõ ràng khi đã lừa đảo, “chặt chém” du khách thì làm gì có đạo đức của một người lái xe taxi? Tôi nghĩ nên tước bằng của nữ tài xế này.
- Về vấn đề xử lý lái xe taxi, ông Bùi Ngọc Tân (Đội phó Đội thanh tra cơ động thuộc Thanh tra Giao thông Hà Nội) cho biết: Đây thực tế là xe của tư nhân, giả hãng taxi Hà Anh. Mức xử phạt đối với lái xe taxi sẽ là phạt 14 triệu đồng, tước giấy phép lái xe trong vòng 60 ngày, buộc phải thi lại để lấy giấy phép lái xe, đồng thời tạm giữ phương tiện tối đa trong vòng 30 ngày. Theo ông xử lý như trên đã đủ sức răn đe, giáo dục chưa?
Tôi cho rằng xử phạt như vậy là đúng, phù hợp rồi. Thế nhưng, tôi thấy ở nước ngoài như Singapore chẳng hạn, họ xử phạt ở mức cao hơn về tiền. Thậm chí có những vụ họ khởi tố hình sự vì lừa dối, làm giả giấy tờ của cơ quan nhà nước thì có thể bị truy tố trước pháp luật.
Thật lạ là ở Việt Nam chưa bao giờ có luật đó trong khi việc làm giả phù hiệu do Nhà nước cấp tương đối phổ biến hiện nay. Ngoài taxi, nhiều xe chạy hợp đồng cũng bị nhái phù hiệu. Đó chính là môi trường dẫn tới tình trạng xe dù, bến cóc.
- Làm thế nào để du khách biết đó là phù hiệu giả?
Rất khó. Muốn hạn chế tối đa tình trạng giả phù hiệu này, theo tôi phải thực hiện ngay đề án quản lý taxi của Hà Nội mà Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố vừa phê duyệt.
Trong đề án đó có 2 vấn đề. Thứ nhất, nó yêu cầu các doanh nghiệp vận tải trong đó có các hãng taxi phải lắp đồng hồ in hóa đơn ngay trên xe để việc tính phí được minh bạch hơn. Trên hóa đơn gửi cho khách sẽ có từ tên lái xe, hãng xe, phù hiệu, đoạn đường đi tới mã số thuế… để khách hàng không bị “chặt chém”, lừa đảo khi thanh toán tiền.
Thứ hai, các xe đó phải được trang bị thiết bị giám sát hành trình để tiện cho việc quản lý quãng đường đi của xe. Khi có phản ánh từ khách hàng, nhờ có thiết bị này chỉ cần vài ba phút là họ có thể tìm ra được số xe, người lái xe, quãng đường đã đi... Nếu tài xế tính phí sai, hãng có thể xử lý được ngay.
- Hiệp hội taxi Hà Nội đã thiết lập đường dây nóng 04.37710851 và 04.38525252 để hành khách phản ánh về chất lượng phục vụ cũng như giá cước của các hãng taxi, nhưng có vẻ như rất ít du khách nước ngoài biết tới đường dây nóng này. Vậy theo ông việc làm trên đã phát huy hiệu quả chưa?
Việc thiết lập đường dây nóng chỉ có tác dụng với cơ quan điều tra thôi chứ với hành khách thì chẳng có tác dụng gì đâu. Kể cả đường dây nóng của Ủy ban an toàn giao thông quốc gia cũng thế.
Ai mà nhớ được số điện thoại đường dây nóng ấy? Cách đây vài năm, các doanh nghiệp vận tải thuộc hiệp hội của chúng tôi từng in hàng loạt đường dây nóng đưa cho các lái xe, nhưng rồi họ xem xong lại vứt. Với người dân, để họ ghi nhớ được càng khó.
- Xin cảm ơn ông!
Bình luận