Tôi và chồng ly hôn, tòa quyết định tôi được quyền nuôi con, chồng tôi có trách nhiệm chu cấp nuôi con hàng tháng. Cuối năm nay tôi dự định đi nước ngoài lao động và ủy quyền nuôi con cho bố mẹ tôi (ông bà ngoại con tôi).
Vậy trong trường hợp tôi không có ở nhà trực tiếp nuôi con mà để cho ông bà ngoại trực tiếp nuôi dùm, thì chồng cũ của tôi có thể kiện để giành lại quyền nuôi con không?
Liên quan đến tình huống pháp lý trên, Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn - Giám đốc Công ty Luật TNHH Minh Gia (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) tư vấn như sau:
Khi ly hôn, tranh chấp về quyền nuôi con diễn ra rất phổ biến, khi hai bên cha mẹ không thể tự thỏa thuận được với nhau về việc ai là người trực tiếp nuôi con thì tòa án sẽ là cơ quan có thẩm quyền quyết định việc con sẽ do cha hay mẹ trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc, trên cơ sở xem xét quyền lợi về mọi mặt của con.
Tuy nhiên, quyết định hoặc bản án của tòa án khi giải quyết ly hôn và quyền nuôi con chưa phải là kết quả cuối cùng trong hành trình tranh chấp quyền nuôi con sau khi ly hôn giữa cha và mẹ. Bởi, Điều 84 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về quyền thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn.
Cụ thể, tại Khoản 2 Điều 84 quy định việc thay đổi người trực tiếp nuôi con được giải quyết khi có một trong các căn cứ sau:
- Cha, mẹ có thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phù hợp với lợi ích của con;
- Người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.
Ngoài ra, việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phải xem xét nguyện vọng của con từ đủ 7 tuổi trở lên.
Theo quy định trên thì trong trường hợp người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện để “trực tiếp” trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì đây là căn cứ để tòa án xem xét quyết định việc thay đổi người trực tiếp nuôi con.
Trong trường hợp của bạn, hiện nay đã có bản án của tòa quyết định giao quyền nuôi con cho người mẹ sau khi ly hôn. Theo quy định của pháp luật dân sự thì quyền nuôi con là một trong những quyền nhân thân của mỗi cá nhân và không thể ủy quyền cho người khác thực hiện thay mình, đồng thời trên cơ sở đảm bảo quyền lợi về mọi mặt của con cần có cha, mẹ trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục.
Do vậy, khi bạn có quyền cũng là nghĩa vụ nuôi con sau ly hôn nhưng bạn đi nước ngoài làm việc và không thể “trực tiếp” trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì người cha có quyền yêu cầu tòa án xem xét giải quyết việc yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn.
Bình luận