• Zalo

Đêm lửa đạn ác liệt trên sông Kỳ Cùng 2/1979: 'Bộ đội qua sông để mẹ chèo đò'

Thời sựChủ Nhật, 17/02/2019 09:20:00 +07:00Google News

Gặp lại bà Lý Thị Lởi - “Mẹ Suốt” trên sông Kỳ Cùng trong Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía bắc của Tổ quốc cách đây 40 năm (tháng 2/1979).

Đơn vị tôi là Sư đoàn 337, vốn sinh ra trên “đất lửa” miền Trung, nơi có dòng sông huyền thoại in bóng Mẹ Suốt - Bà mẹ Việt Nam Anh hùng.

Chiến công của Mẹ Suốt gắn liền với dòng sông Nhật Lệ đã trở thành huyền thoại của những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Và mới đây, tôi gặp lại bà Lý Thị Lởi - “Mẹ Suốt” trên sông Kỳ Cùng trong Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía bắc của Tổ quốc cách đây 40 năm (tháng 2/1979).

Được thành lập cuối năm 1978, chưa đầy bảy tháng sau, ngày 17/2/1979, khi quân và dân ta bước vào cuộc chiến bảo vệ biên giới phía bắc của Tổ quốc, Sư đoàn 337 chúng tôi nhận lệnh của cấp trên hành quân thần tốc bằng ô tô, tàu hỏa từ Nghệ An quê Bác lên biên giới Lạng Sơn nhận nhiệm vụ.

me-suot

 Bà Lý Thị Lởi kể chuyện chèo đò đưa bộ đội qua sông Kỳ Cùng tại Lễ kỷ niệm 40 năm Ngày thành lập Sư đoàn 337, ngày 28/7/2018.

Tin cơ động đi chiến đấu bảo vệ biên giới phía bắc của Tổ quốc nhanh chóng đến với cán bộ, chiến sĩ trong toàn Sư đoàn. Không khí chuẩn bị lên đường ra trận hết sức khẩn trương, tinh thần của bộ đội rất cao, cho nên chỉ sau vài chục tiếng đồng hồ, toàn đơn vị đã làm xong công tác chuẩn bị để sẵn sàng cơ động.

Ngay trong đêm 19/2/1979, đơn vị tôi có một bộ phận hành quân bằng ô tô lên biên giới. Không khí náo nức sục sôi giống như ngày nào lên đường đánh đế quốc Mỹ. Trên suốt dọc đường hành quân, bộ đội ta kể cho nhau nghe về những trang sử hào hùng của cha ông, là cuộc hành quân thần tốc gần 200 năm trước (1789) của Quang Trung - Nguyễn Huệ.

Chiều tối 24/2/1979, những chuyến xe đầu tiên chở cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 4, Sư đoàn 337 chúng tôi đã có mặt ở vị trí tập kết tại xã Nhạc Kỳ, huyện Văn Lãng (Lạng Sơn) chuẩn bị vượt sông Kỳ Cùng để chiếm lĩnh điểm cao 649 triển khai đội hình chiến đấu đánh chặn quân đối phương từ hướng Đồng Đăng, theo đường 1B, qua cầu Khánh Khê...

Vượt sông bằng cách nào bây giờ? Trong lúc mưa phùn, giá rét như cắt da, cắt thịt, pháo từ bên kia biên giới lại đang bắn như mưa vào khu vực bến đò Bó Chét trên sông Kỳ Cùng.

Ngay trong lúc lửa đạn ác liệt ấy, xuất hiện một bà mẹ người Tày, tay cầm cây sào đến chỗ chúng tôi và nói: “Bộ đội qua sông để mẹ chèo đò”. Thấy chúng tôi có vẻ ái ngại, bà bảo: “Ở bến sông này, mẹ đã chèo đò từ năm 13 tuổi, bộ đội cứ yên tâm”...

Tại Lễ kỷ niệm 40 năm Ngày thành lập Sư đoàn 337 (28/7/2018) tổ chức tại TP Lạng Sơn (tỉnh Lạng Sơn), chúng tôi có mời mẹ Lý Thị Lởi, nhân chứng lịch sử trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía bắc của Tổ quốc, tham dự.

Tuy đã ở tuổi ngoài 80, nhưng bàn tay mẹ Lởi vẫn thật khỏe, thật chắc. Nắm tay mẹ, biết ngay là người chèo đò năm xưa. Tôi động viên, mẹ cười, bảo: “Thực ra, mẹ chở bộ đội qua sông cũng chỉ làm theo suy nghĩ như ngày trước, làm sao đánh được thằng Tây ra khỏi bản mình, đất nước mình thôi…!”.

Mẹ Lởi sinh ra ở thôn Bản Chúc, xã Nhạc Kỳ, huyện Văn Lãng. Gia đình mẹ có 11 người, nhưng do giặc dã, bệnh tật, đã mất đi hơn một nửa. Năm 1946, sức khỏe của cụ Lý Viết Quế (thân phụ của mẹ Lởi), ngày càng giảm sút.

Tuy thế, cụ vẫn nhiệt tình tham gia hoạt động cách mạng, là người chở cán bộ, bộ đội ta qua sông. Cách nhà không xa là bến đò Bó Chét, nơi đây là hạ lưu của dòng Kỳ Cùng, nước chảy xiết, đôi bờ cách nhau chừng 100 m.

Nhớ lại kỷ niệm xưa, mẹ Lởi rơm rớm nước mắt kể: Vào một đêm tối trời, cuối hạ, năm 1946, cụ Quế gọi Lởi khi ấy mới 13 tuổi vào buồng, nói nhỏ: “Cha già yếu rồi, không thể chèo đò mãi. Con hãy thay cha, đưa bộ đội qua sông”. Nói rồi, cụ dặn dò con gái mật hiệu khi nhận ra “đồng chí”. Dân bản trong vùng, mỗi khi nhắc đến hai chữ “đồng chí”, thấy thật thiêng liêng, cao cả.

Ngày ấy, quân Pháp đóng ở đồn trên đỉnh đồi cao Khau Hai. Các xã Bình Trung (huyện Cao Lộc), Nhạc Kỳ (huyện Văn Lãng) và một số xã lân cận, nằm trong sự kiểm soát gắt gao của giặc. Tuổi thơ cơ cực, Lởi chứng kiến nhiều lần giặc Pháp đến cướp bóc, tàn phá nhà cửa, hoa màu. Vậy nên, khi được giao nhiệm vụ giúp bộ đội, Lởi thức trắng nhiều đêm, tự ra sông, luyện tập tay chèo.

Theo lời dặn của cha, hằng ngày, Lởi dắt con trâu đi ra bờ sông Kỳ Cùng ăn cỏ. Đó vừa là tín hiệu, vừa ngụy trang che mắt quân giặc.

Chập tối ngày 15/9/1946, từ bên bờ kia sông có ba ánh đèn pin nhấp nháy. Đúng là ám hiệu bộ đội về rồi! Lởi reo khẽ rồi nhanh nhẹn đưa con đò áp mạn bờ Song Giang (thuộc huyện Văn Quan bây giờ) thì nghe có tiếng hỏi khẽ: “Đi chăn trâu hả?”.

Lởi đáp: “Vâng”. Một người cao lớn đi ra từ lùm cây rậm rạp, theo sau là năm anh bộ đội, quân tư trang rất gọn gàng. Mọi người lên thuyền, im lặng. Con đò lướt nhẹ, có tiếng sóng vỗ khe khẽ. Hình như có cả tiếng đập con tim của Lởi. Đêm đó, Lởi đưa hơn chục chuyến đò với gần 60 người. Trước lúc chia tay, một anh bộ đội nắm tay Lởi động viên: “Em giỏi quá. Cố gắng mai đây đi làm cách mạng”.

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, mẹ Lý Thị Lởi chở đò đưa cán bộ từ phía bờ Song Giang sang Nhạc Kỳ đánh Pháp. Đến tháng 2/1979, mẹ lại chèo đò ngược lại.

Suốt đêm 24, rạng ngày 25/2/1979, bất chấp nguy hiểm, trong vòng vây lửa đạn của đối phương, mẹ Lởi vẫn vững tay chèo chở bộ đội Trung đoàn 4 chúng tôi qua sông Kỳ Cùng để triển khai đội hình chiến đấu.

Khoảng 9h sáng cùng ngày, Đại đội 10, Tiểu đoàn 3 chúng tôi đã lên chiếm lĩnh cao điểm 649. Đại đội trưởng Quách Thanh Dương phân công cho Trung đội trưởng Trần Minh Lệ cắm chốt ở cao điểm có vị trí quân sự đặc biệt quan trọng này. Trung đội trưởng Trần Minh Lệ, cùng cả đại đội đã chiến đấu cho mãi tới 17h30 cùng ngày, quân đối phương phải bỏ chạy trước ý chí chiến đấu kiên cường của quân ta...

Chiến công của Đại đội 10, Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 4 cùng các đơn vị trong đội hình của Sư đoàn 337 đã góp phần chặn đứng và bẻ gãy mũi vu hồi chiến dịch bao vây chia cắt Lạng Sơn của địch tại cầu Khánh Khê, trên đường 1B.

Sư đoàn 337 vinh dự được mang tên “Đoàn Khánh Khê” - nơi in dấu hình ảnh bà mẹ người Tày Lý Thị Lởi suốt ngày đêm chèo đò đưa bộ đội qua sông Kỳ Cùng đánh giặc, được cán bộ, chiến sĩ suy tôn là “Mẹ Suốt” trên sông Kỳ Cùng.

Xúc động trước tấm gương sáng ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng, nhà thơ Tuấn Long đã viết tặng mẹ Lý Thị Lởi bốn câu thơ: "Nhớ hôm nào Mẹ Suốt chở ngang sông/Trai xứ Lạng vào miền nam đánh Mỹ/Và hôm nay những chàng trai xứ Nghệ/Lại có mẹ người Tày dẫn dắt qua sông...".

(Nguồn: Báo Nhân Dân)
Bình luận
vtcnews.vn