Phát biểu tại buổi giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội, ông Đinh Hồng Phong, Phó chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) cho biết, sau 1 năm thí điểm tổ chức không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận đã đạt được nhiều kết quả.
Theo đó, trung bình ban ngày có khoảng 3.000 - 5.000 người, buổi tối có khoảng 15.000-20.000 người tham quan phố đi bộ. Thậm chí có những buổi tối có đến 70.000 người tham quan trên khu vực phố đi bộ.
Những ngày lễ, Tết vào buổi tối có lúc lên đến 200.000 người. Trong đó, du khách nước ngoài đến phố đi bộ rất đông.
Cũng theo vị này, lượng khách lưu trú đến quận Hoàn Kiếm và thành phố tăng nhanh. Số lượng cửa hàng kinh doanh mới quanh khu hồ Hoàn Kiếm cũng tăng lên.
“Việc xuất hiện của những con phố đi bộ đã dần hình thành thói quen đi bộ, hạn chế phương tiện giao thông cơ giới. Nơi đây còn tạo ra không gian vui chơi, thư giãn cho người dân. Phố đi bộ góp phần quảng bá hình ảnh của Thủ đô”, ông Phong nói.
Trong 1 năm, UBND Hoàn Kiếm, Công an Hà Nội và các sở, ngành đã tổ chức 23 chốt trực an ninh trong và ngoài các điểm ra vào không gian đi bộ.
Cơ quan chức năng đã xử lý hơn 18.000 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông, gần 300 điểm trông giữ xe trái phép. Hơn 900 trường hợp bán hàng rong bị nhắc nhở, xử lý.
Vị này cũng cho rằng, hiện còn một số tồn tại trên khu vực phố đi bộ. Cụ thể là tình trạng bán hàng rong, dắt chó không rọ mõm, trượt xe điện... Một số điểm giao thông tĩnh gần sát khu vực chốt ra vào không gian đi bộ luôn quá tải.
Tình trạng biểu diễn văn hóa nghệ thuật tự phát ảnh hưởng đến văn minh chung của không gian khu vực phố đi bộ.
Trước câu hỏi tình trạng chó không rọ mõm vẫn xuất hiện trên phố đi bộ, Phó chủ tịch quận Hoàn Kiếm cho biết việc xử lý còn khó khăn.
Bởi đây là không gian mở, lực lượng kiểm tra, tuần tra chủ yếu là kiêm nhiệm. Thời gian qua, UBND quận chủ yếu đi vận động người dân khi ra đường phải rọ mõm chó theo đúng quy định mới của Hà Nội. Thực tế cho thấy, những con chó to đã hạn chế xuất hiện ở phố đi bộ.
Đối với việc loại bỏ hàng rong, UBND quận Hoàn Kiếm đang xây dựng phương án để xử lý. Đã đi bộ phải thư thái, hưởng thụ chứ không phải chứng kiến những hình ảnh không đẹp đẽ.
Ông Phong khẳng định: “Chúng tôi đã tăng cường ghế trên phố đi bộ nhưng số lượng còn ít. Tới đây sẽ nghiên cứu ghế di động ở nhiều địa điểm”.
Ông Phạm Thanh Ngọc, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội cho rằng hiện nay sản phẩm du lịch, hoạt động nghệ thuật trên phố đi bộ chưa nhiều. Chính vì thế, thời gian tới, Hà Nội sẽ cần nghiên cứu để thu hút hơn nữa lượng khách du lịch đến tham quan phố đi bộ.
"Tới đây, Ban Tuyên giáo sẽ đề xuất lên UBND TP Hà Nội việc không thu phí vào Đền Ngọc Sơn tối thứ Sáu, thứ Bảy và Chủ nhật. UBND quận Hoàn Kiếm phải bắt tay ngay vào việc xử lý những bất cập, hạn chế và báo cáo thành phố", ông Ngọc nói.
Video: Dân phản đối kịch liệt, phố đi bộ Hồ Tây lùi ngày khai trương
Bình luận