(VTC News) - Các giáo viên, chuyên gia nghiên cứu văn học cho rằng việc học sinh phải nhập vai Cám cũng không thể khiến học sinh hình thành nhân cách xấu đi.
Những ngày gần đây, bài văn gây sốc của nữ sinh lớp 10 nhập vai Cám để kể lại truyện cổ tích Tấm Cám đang gây xôn xao cư dân mạng. Bài văn gây được sự chú ý bởi lời nhận xét của cô giáo: “Nhân vật Cám của em đáng sợ quá”.
Bắt học sinh nhập vai Cám phải chăng đang khơi lại tính ác? |
Ở đây, có ý kiến cho rằng nhập vai nhân vật Cám dù các em học sinh không có tính ác nhưng vẫn phải nghĩ ra các chiêu trò, vẫn nghĩ tới cái ác để có thể nhập vai vào nhân vật Cám một cách thật nhất.
Tuy nhiên, những giáo viên văn học và chuyên gia nghiên cứu văn học lại có cách nhìn rất khác.
Thạc sĩ Nguyễn Quang Ninh (Nguyên giảng viên khoa Ngữ Văn, ĐH Sư phạm Hà Nội):
Thầy Nguyễn Quang Ninh |
Theo quan điểm triết học, cái thiện hay cái ác cũng không hình thành do ta nhập vai.
Nếu cho rằng học sinh cứ phải đóng các vai ác mà hình thành nhân cách kém đi cũng không đúng. Cho dù ở lứa tuổi này các em đang trong quá trình hình thành nhân cách thì nghĩ đến cái ác cũng không khiến các em ác hơn như chúng ta suy nghĩ.
Chúng ta cũng cần thấy rằng, trong cuộc sống các em cũng phải nhìn ra được cái thiện và cái ác luôn luôn tồn tại song song. Bên cạnh cái thiện sẽ có cái ác và ngược lại.
Các em nhập vào vai ác vẫn có những định hướng tốt cho nhân cách của mình. Bởi vì chính khi nhập vai ác, các em có dịp tìm hiểu về nhân vật. Bản thân các em sẽ có trải nghiệm và rút ra bài học cho chính mình. Thậm chí, các em cũng sẽ hiểu hơn về cái ác và thêm trưởng thành hơn.
Phần nhận xét của giáo viên “Nhân vật Cám của em ác quá” là không chính xác. Nếu nói rằng các em tưởng tượng ra một nhân vật Cám quá ác thì cũng không đúng bởi nhân vật Cám trong bài văn của nữ sinh này làm sao có thể ác bằng nhân vật Cám trong truyện cổ tích Tấm Cám trước đây.
Tuy nhiên, khi ra đề, người giáo viên cũng cần chú ý đến các đề văn khơi dậy lòng nhân ái trong mỗi học sinh. Đề văn nói về lòng nhân ái sẽ phải nhiều hơn đề văn nói về những cái xấu, cái ác.
Khi ra đề văn, các thầy cô cũng cần chọn lựa ngôn ngữ nội dung nhằm khơi dậy được khả năng tư duy ngôn ngữ, sự sáng tạo và lòng nhân ái của mỗi học sinh.
Thầy Nguyễn Hùng Vĩ - Chuyên gia văn học dân gian, giảng viên khoa Văn học (ĐH KHXH&NV-ĐHQGHN)..
Thầy Nguyễn Hùng Vĩ |
Bởi vì lí thuyết về hình thành nhân cách là rất phức tạp.
Tôi cho rằng, nhân cách sẽ hình thành suốt đời, từ trong bào thai đến khi nhập diệt. Trong quá trình đó, bất cứ một thời điểm nào người ta cũng đối diện với cái ác và phải tìm hiểu nó.
Cách ra đề văn phụ thuộc vào quan niệm dạy văn trong nhà trường. Các môn học đều liên quan với nhau và bởi vậy môn nào cũng có tính tích hợp, tuy nhiên, mỗi môn có những đặc thù, những trọng tâm của mình.
Theo tôi, đặc thù của văn học (ngoài tính tích hợp của nó như đã nói) là dạy cho người ta biết dùng ngôn ngữ để tư duy, để giao tiếp và để thể hiện tư duy.
Người ta có thể tư duy bằng âm thanh, đường nét, hình khối, động thái, công thức, khái niệm, định luật v.v... thì ngôn ngữ cũng là một công cụ tư duy. Cái đó mới là chính yếu (ngoài những vấn đề tích hợp khác) của học và dạy văn học, một loại nghệ thuật ngôn từ.
Giải đáp câu hỏi: Tại sao, người ta dùng kiểu, loại ngôn ngữ này để nghĩ, để hiểu, để diễn đạt, để truyền thông lại đúng hơn, hiệu quả hơn, đẹp hơn, tốt hơn loại ngôn ngữ khác? Từ đó rút ra kinh nghiệm cho mình và cho người mà truyền đạt cho nhau.
Đề thi nên hướng về việc đó dù là ở bất cứ cấp học nào.
Khi ra đề văn bắt học sinh nhập vai các nhân vật ác, phải chăng là đang đi khơi lại tính ác? Ý kiến của bạn đọc xin gửi vào ô thảo luận cuối bài viết. Trân trọng!
Phạm Thịnh (ghi)
Bình luận