Xóm Bãi (phường Lam Sơn, TP Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên) có 30 gia đình đánh mòi, cái nghề chẳng ai biết tỏ tường nguồn cơn mà chỉ thấy cụ, ông, bố đều đánh đến đời mình mở mắt ra đã thấy lưới mòi.
Xưa, từ tháng một đến tháng tư âm là mùa cá mòi, hễ có mưa rào xuống cá lùi ra biển, mùa mòi cũng kết thúc. Hồi đó chưa có các đập thủy điện lớn ở thượng nguồn nên chỉ có nước từ rừng về biển, cá cứ theo con nước mà ngược lên theo cái đồng hồ sinh học trời định.
Nay sông Hồng một ngày 12 tiếng nước chảy xuôi, 12 tiếng nước chảy ngược, cá có quanh năm, ngoài vụ mòi xuân còn thêm một vụ mòi trái mùa từ tháng tám đến giáp Tết nhưng ngon nhất vẫn phải kể đến mòi chính vụ. Tháng hai nắng ấm, mòi đực đuổi mòi cái lúc này đang mang một cái bụng đầy trứng để “lẹo” nhau.
Gỡ con mòi còn đang giẫy, trứng lểu nhểu từng dòng vàng óng sánh như mật rót xuống khoang thuyền. Trứng cá mòi, bùi thơm vào hàng đệ nhất còn thịt cũng được liệt vào hạng đặc sản.
Nổ máy lên đường |
Mòi đĩa - loại mòi thượng hạng, mỗi con nặng chừng 1,5 - 2 lạng bày vừa vặn trong cái đĩa Bát Tràng in hình con cá chép xưa là thú thưởng ngoạn của các bậc quân tử. Những bận cá mòi nhiều, bán không hết người ta còn làm mắm.
Thứ nước mắm trân quý, nhóng nhánh đen, thả hạt cơm vào nổi chổng phộc. Tiết đại hàn dân vạn chỉ húp bát nước mắm mòi là ngụp lặn cả buổi dưới đáy sông Hồng. Bát mắm mòi đã thay cho tấm áo ấm!
Cá mòi là chiếc ăng ten rất tinh nhạy của tạo hóa. Hễ hôm nào giăng lưới được ít cá là y như rằng hôm sau có trở trời hoặc mưa rào trút xuống. Cá cũng có cảm xúc, vui buồn, nước ấm nhảy lên mừng hệt như con người đang dãi nắng bỗng gặp bóng râm.
Dân gian có câu rằng: “Một chạp thì trở về trâu. Giêng hai chấy cắn trên đầu nước lên”, nghĩa là tháng một, tháng chạp lúc trâu về chuồng thì nước lên còn tháng giêng hai tầm bảy tám giờ nắng hây hẩy, đầu ngứa ran tựa chấy cắn chính là thời điểm triều dậy.
Mỗi ngày con nước chênh nhau một giờ. Đoán giờ nước lên để giăng lưới trước chừng một đôi chục phút là đón lõng được thời điểm cá mừng nước, còn không coi như mẻ lưới đó thất bại. Thả một tay lưới dài 1.000 gang mất 15 phút, thu lưới cũng mất chừng đó thời gian mà bởi nhiều thuyền nên phải xếp lốt, mỗi lốt chừng 1 tiếng.
Giăng lưới mòi |
“Tôm nha nhá, cá rạng đông” là những thời điểm phục bắt tốt nhất. Đánh mòi đêm là dễ nhất bởi lúc đó thị lực cá kém, không nhìn thấy lưới nên dễ mắc vào còn đánh mòi ngày mà được năng suất cao như anh Tuấn mới gọi là sát thủ.
“Đang đánh ban ngày thế này nhưng vài hôm nữa đóng đập phía thượng nguồn, nước sông trở lại trong, ban ngày có ngồi cả buổi ngáp ruồi cũng chỉ được vài con nhưng đêm buông một tay lưới thu cả yến, có mẻ cá dày như lá tre, gỡ phát mệt”.
Điểm đặc biệt của anh là đoán định số cá mình sẽ bắt được ngày mai, không mấy khi sai đến… vài lạng và có trí nhớ kinh người: “Năm ngoái 12/2 âm lịch mới có cá, một buổi tôi đánh được 3,5 kg, còn năm nay vụ mòi đến sớm, ngày 6/1 âm lịch đánh được 6 kg, 8/1 đánh được 10,4 kg, 11/1 được 16 kg nhưng hôm nay có mưa phùn dù chưa rải lưới tôi đoán chỉ đánh được cỡ 10 kg”.
Thành quả sau một mẻ lưới |
Ông nào nói nhìn tăm cá mòi để rải lưới là chỉ có nói phét, mà bốc vào hàng cụ. Cá mòi không bao giờ có tăm bởi nó gần như không có bong bóng. Từ đòng đong, cân cấn, diếc, trắm, rô, mè đều có tăm nhưng cá mòi chỉ có dạ dày và ruột”.
Đời anh Tuấn gắn bó với dòng sông Hồng từ hồi cá cháy, cá sủ chưa vắng bóng, từ thủa còn chèo tay từ mạn Hưng Yên lên cửa Nam Hải ở Hải Phòng hai ngày, hai đêm ròng rã để săn mòi nơi bến Khuể.
Thủa đó, dân Tiên Lãng (Hải Phòng) chỉ quen nghề đăng đó thu con tôm, con cua cho qua ngày đoạn tháng chứ cá mòi giăng đầy sông cũng không biết cách bủa lưới bắt. Có hai vợ chồng nghèo tên Thắng - Thúy thấy anh Tuấn đánh cá mòi có mẻ lưới thu 70 kg liền lân la xin được truyền nghề.
Không chút ngập ngừng anh mua hộ lưới, truyền hết bí kíp qua hai vụ mòi rồi trở lại bến Lam Sơn. Cảm tấm lòng này, cả hai vợ chồng nọ cúi đầu xin kết nghĩa, đến tận giờ vẫn coi nhau như thủ túc. Từ những vụ mòi, anh Tuấn xây được hai cái nhà, sắm được hai cái thuyền, hai tay lưới.
Từ hồi thằng thứ hai đi bộ đội, thuyền của anh úp lên bờ, thuyền của nó anh đi rải lưới. Thỉnh thoảng ở nơi đóng quân, thằng bé lại gọi điện hỏi anh cá mòi đã vào vụ chưa?!
Chốn sông nước hiểm nguy khó lường. Trong một vụ mòi, ông Trần Văn Chiến (xóm Bãi) bị sóng to đánh trực diện, chiếc thuyền cùng tay lưới trôi tuột ra biển, cả vạn chài dùng câu móc mãi mới thấy xác ông. Ông chết trong tư thế hai tay bấu chặt lấy đáy sông. Người ta bảo chết đuối phải ba dãy bảy cường mới nổi hoặc khi có sấm mới nổi.
Trong một vụ mòi, anh Nguyễn Văn Tuynh đang đánh lưới giữa trưa bị tàu lớn đâm chìm nghỉm thuyền may có người vớt kịp. Trong một vụ mòi ở cửa Nam Hải, bản thân sát thủ Tuấn gặp phải một cơn to thuyền trôi tự do ra tận Đồ Sơn, sóng đánh trùm đầu hút chết.
Nhiều người đã từng bỏ mạng trong những vụ mòi như thế. Đêm đêm ở bến Lam Sơn người ta vẫn đồn có những ma đói, ma khát hiện hình thành lợn trắng, chó trắng, thỏ trắng, thoắt tan thoắt hợp sáng như pháo hoa. Dân vạn thường thả vàng hương, gạo muối vào mỗi mùa cá mòi cho những vong hồn này để cầu âm phù, dương trợ…
Theo NNVN
Bình luận