• Zalo

ĐBQH: Cần sớm xây dựng Luật biểu tình

Thời sựThứ Năm, 03/11/2011 02:33:00 +07:00Google News

(VTC News) – ĐBQH cho rằng, xung quanh việc biểu tình bây giờ rất nhiều bức xúc, nhiều khi diễn ra biểu tình mà “bí” không có luật để áp dụng...

(VTC News) – ĐBQH cho rằng, xung quanh việc biểu tình bây giờ rất nhiều bức xúc, nhiều khi diễn ra biểu tình mà “bí” không có luật để áp dụng.

Ngày 2/11, Quốc hội thảo luận ở tổ về Dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIII. Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIII (2011 - 2016) có tổng số 115 dự án (3 Bộ luật, 104 luật, 1 nghị quyết của Quốc hội, 6 pháp lệnh và 1 nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội).


Thảo luận về chương trình xây dựng luật chính thức năm 2012 tại đoàn ĐBQH TP Hà Nội, ĐB Đào Văn Bình cho rằng, có luật cần đưa vào chương trình chính thức năm 2012 thì chưa thấy đưa, hoặc chỉ đưa vào phần chuẩn bị, ví dụ Luật biểu tình.
Theo ĐB Bình, xung quanh việc biểu tình bây giờ rất nhiều bức xúc, nhiều khi diễn ra biểu tình mà “bí” không có luật để áp dụng.

Chung mối quan tâm, ĐB Trần Thị Quốc Khánh cũng cho rằng, cần phải đưa Luật biểu tình vào chương trình xây dựng luật chính thức năm 2012, việc đưa luật này vào phần chuẩn bị là chậm, khi thực tế rất phức tạp, người dân biểu tình đứng kín trụ sở cơ quan nhà nước.

“Tôi thấy ở các nước, người ta biểu tình rất trật tự, chúng ta không nên đưa luật này vào chuẩn bị mà đưa vào chương trình xây dựng luật chính thức năm 2012, cần phải sớm có Luật biểu tình để người dân chấp hành đúng theo pháp luật” – ĐB Khánh nói.


ĐB Trịnh Thế Khiết nói thêm, hiện nay biểu tình trên địa bàn cả nước là rất lớn, nếu đưa Luật biểu tình vào phần dự bị thì không kịp với sự phát triển của xã hội: “Đề nghị đưa Luật biểu tình vào chương trình chính để góp phần vào giải quyết tình hình an ninh trật tự xã hội”.

Trước đó, tại phiên họp thứ 3 Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho rằng, về dự án Luật biểu tình, nhiều ý kiến trong Ủy ban Pháp luật tán thành đưa dự án Luật biểu tình vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, vì cho rằng việc ban hành Luật này là cần thiết nhằm thể chế hóa quy định của Hiến pháp, tạo điều kiện cho công dân thực hiện quyền của mình, đồng thời Nhà nước cũng có cơ chế kiểm soát hoạt động biểu tình trên thực tế.

Theo ông Lý, tất nhiên nếu ban hành Luật này thì cần chuẩn bị kỹ lưỡng về nội dung, thời điểm xem xét, thông qua, điều kiện tổ chức thực hiện để tránh việc lợi dụng kích động quần chúng biểu tình gây rối trật tự an ninh.


Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị chưa ban hành Luật này và cho rằng Luật này sẽ gây khó khăn cho công tác quản lý xã hội, tạo điều kiện cho các đối tượng xấu, thế lực thù địch lợi dụng biểu tình chống phá chế độ. Mặt khác, đã có Luật biểu tình thì phải quy định cụ thể các điều kiện đăng ký biểu tình (nội dung, thời gian, địa điểm). Ngược lại, các cơ quan nhà nước cũng phải bảo đảm tạo điều kiện để người biểu tình thực hiện. Quy định như vậy sẽ gây khó khăn cho địa phương, nhất là các thành phố lớn có diện tích các địa điểm tập trung chật hẹp, giao thông tắc nghẽn như hiện nay.

Về nội dung khác cũng được nhiều ĐB quan tâm trong thảo luận tổ ngày 2/11, đó là cần phải có thẻ căn cước thống nhất (dự án Luật căn cước công dân). ĐB Trần Thị Quốc Khánh cho rằng, nhiều nước quy định mỗi công dân có số thẻ thống nhất dùng suốt đời, rất thuận lợi cho việc quản lý công dân. ĐB Khánh đề nghị nên dừng ban hành chứng minh thư nhân dân, theo ĐB này, bây giờ công nghệ cao, có thể làm thẻ thống nhất để nhà nước quản lý công dân được chặt chẽ.

ĐB Trịnh Thế Khiết nhấn mạnh, thẻ căn cước quản lý được nhiều yếu tố của con người: “Nếu ta gắn được hộ chiếu, thẻ căn cước và thẻ tín dụng thì sẽ đáp ứng được nhiều yêu cầu của thực tế. Nếu chỉ để riêng thẻ căn cước thì mỗi khi đi nước ngoài vẫn cần phải có hộ chiếu nên nếu… gộp lại được thì tốt”.

 

Cũng tại buổi thảo luận, ĐB Chu Sơn Hà nêu, trong nhiệm kỳ khóa XII, Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã thông qua 89 dự án (67 dự án luật, 7 nghị quyết của Quốc hội, 14 pháp lệnh và 1 Nghị quyết của UBTVQH), theo đó, ĐB Hà đề nghị, trong số các dự án được thông qua nêu trên cần phải làm rõ đến nay đã có bao nhiêu luật đi vào cuộc sống? làm rõ xem đã hướng dẫn thi hành được bao nhiêu luật, còn nợ bao nhiêu luật… “Nhiều luật ban hành rất đẹp nhưng rồi lại… cất vào tủ!” – ĐB Chu Sơn Hà ái ngại.

 Kiều Minh

Bình luận
vtcnews.vn