Giữa cái nắng oi ả, chúng tôi tìm về nhà ông Võ Văn Khứ (thôn Thạch Bàn Tây, xã Cát Sơn, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định) - người mang khối bướu khổng lồ trên khuôn mặt mà mọi người vẫn thường gọi bằng cái tên “ông mặt quỷ”, hoặc ông mặt tê giác.
Sở dĩ người ta gọi như vậy, vì ông có cái bướu giống đầu con tê giác.
Trong khu vườn vắng, người đàn ông nghèo đáng thương nặng nề mang cục bướu khổng lồ, kéo xệch cả một bên mặt và… đè bẹp hai lỗ mũi, vẫn khó nhọc cầm cuốc, gạt mồ hôi cuốc đất.
Biết phóng viên ghé nhà hỏi thăm bệnh tình mình, người đàn ông mang “mặt quỷ” dường như bị kích động mạnh. Ông dừng tay cuốc, rồi bắt đầu câu chuyện đời đau đớn của mình, thân tình như thể chưa bao giờ được trút bầu tâm sự…
36 năm không dám soi gương
“Chú bảo, làm người ai mà không mong mình có gương mặt bình thường, xinh đẹp cho người khác… ưa nhìn. Nhưng cái số tôi, trời bắt tội”, ông Khứ não nuột gợi mở về cơn “ác mộng” đã đeo đẳng mình.
Suốt 36 năm qua, quãng thời gian dài đằng đẵng với một đời người, ông phải mang trên mình nỗi đau chôn giấu, không biết thổ lộ cùng ai. 36 năm ấy, ông thậm chí không dám soi gương, bởi không muốn tin vào thực tế nghiệt ngã dành cho bản thân mình.
Mỗi lần trái gió trở trời, những cơn đau thấu tâm can lại khiến lão nông nghèo này rớt nước mắt tủi lòng. Ông biết, ở vùng quê nghèo này, ông nổi tiếng lắm.
Ông Võ Văn Khứ với khối bướu khổng lồ. |
Ngồi lặng lẽ bên hiên nhà, ông Khứ kể lại: “Thuở mới lọt lòng mẹ, tôi cũng khỏe mạnh, kháu khỉnh như bao nhiêu đứa trẻ đồng trang lứa. Mãi đến năm 16 tuổi, một bên má thình lình xuất hiện nốt đỏ như muỗi cắn. Rồi từ đó, cái nốt ác nghiệt ấy cứ lan ra mãi, tấy lên đau nhức…”.
Nhà nghèo, phải lo chạy ăn từng bữa đã đủ “toát mồ hôi”, nhưng bố mẹ ông Khứ vẫn cố gắng cho ông điều trị. Nhưng bao nhiêu ngày theo đuổi, thuốc men các loại dùng đủ cả mà cục bướu vẫn cứ… lớn dần theo năm tháng. Cạn kiệt cả tiền bạc, bố mẹ dù thương ông Khứ cũng đành lực bất tòng tâm, phải đưa ông về nhà chăm sóc.
Ông Khứ nhớ lại: “Trước hôm rời bệnh viện ra về, các bác sĩ có bảo, trường hợp cục bướu xuất phát từ cái bớt đỏ sậm vùng má này hiếm gặp lắm, rất khó điều trị. Bình thường, trong cơ thể con người có nhiều loại ung bướu, nhưng hầu hết gặp ở răng miệng, hàm mặt.
Tỷ lệ khối bướu vùng hàm mặt so với toàn cơ thể thường dao động từ 5 đến 10%. Trường hợp của tôi không phải bướu ác tính, nhưng nó sẽ lớn nhanh và tồn tại cả đời”.
Biết thế, nhưng ông Khứ chẳng còn cách nào hơn về nhà và… cầu nguyện. Cố gắng để quên đi bệnh tật, ông tham gia vào làm dân quân xã Cát Sơn, giữ gìn an ninh trật tự tại địa phương.
Nhờ công tác nhiệt tình, năng nổ, ông được giao giữ chức xã đội phó, được đồng đội và bà con nhân dân vô cùng quý trọng. Cũng chính trong thời gian này, ông gặp bà Hồ Thị The, người cùng xã.
Cả hai yêu thương nhau rồi gá nghĩa, vợ chồng. Tưởng đâu, cuộc đời cứ thế sẽ trôi qua êm đềm. Nhưng cục bướu ác nghiệt kia lại đeo đẳng, chực cướp đi của ông tất cả.
Bất lực trước định mệnh “trời đày”
Câu chuyện bà The yêu rồi lấy ông Khứ một thời được xem là “hình mẫu” của bà con làng xóm. Song hạnh phúc đến chẳng tày gang, thì khối bướu trên mặt ông Khứ lại đột ngột phình to một cách bất thường.
Căn bệnh ngày càng nặng khiến ông suy giảm sức khỏe. Ông đành xin nghỉ công tác tại xã Cát Sơn để về phụ vợ làm nông. Cuộc sống cứ lay lắt, nghèo khổ trôi qua trong nỗi ám ảnh bệnh tật như thế, mà ông chẳng biết làm sao để thoát ra.
Ông Khứ cùng bà vợ bị bệnh viêm thần kinh toạ Hồ Thị The. |
Nói về gia cảnh của mình, ông Khứ nặng nhọc bảo: “Tôi thì đau bệnh thế này, mà vợ lại còn mắc chứng viêm thần kinh tọa dẫn đến teo cơ, chân đi lại yếu ớt. Cả nhà làm vài sào ruộng khô cằn, ăn chẳng đủ no lấy tiền đâu chữa trị”.
Bởi cái khó nó “bó” đến cùng cực, mà ngày ngày, hễ cơn đau lắng dịu, ông lại phải nặng nề vác cục bướu khổng lồ ra chăm sóc đám ruộng, rồi vay mượn hàng xóm chút tiền nuôi mấy con vịt, con gà.
Tâm sự của ông Khứ, cả những người xa lạ cũng thấy nhói lòng. Ông nói rằng mình vẫn phải cố nén nỗi đau về thể xác, mong tích chút tiền chữa bệnh cho vợ. “Tôi cũng mong có ngày được phẫu thuật cái bướu kỳ lạ này để lấy lại diện mạo bình thường. Nhưng có lẽ, phận mình trời bắt phải vậy.
Bề ngoài mình xấu xí, thôi cũng đành chú ạ. Miễn sao, nó đừng hại mạng tôi, để khổ cho vợ đau yếu và bầy con thơ”.
Ngồi bên cạnh chồng, bà The cũng “phụ họa” thêm: “Vợ chồng tôi sinh được 4 đứa con. Đến giờ, cả 4 đứa cũng phải lăn lóc đi làm thuê, làm mướn nơi làng quê kiếm cái ăn và thuốc men cho cha mẹ.
Một dạo, tôi cũng liều vay ít tiền bà con chòm xóm đưa ông nhà tôi lên bệnh viện, hy vọng chữa dứt điểm cái cục bướu quái ác này. Nhưng chữa mãi đến lúc cạn cả tiền vay, mà bệnh chẳng thấy thuyên giảm. Đồ đạc trong nhà, đến giờ cũng đã bán hết”.
Cuộc trò chuyện của chúng tôi bị ngắt quãng, bởi ông Khứ đột ngột lên cơn đau do cục bướu khổng lồ hành hạ. Lê những bước khó nhọc, ông xin phép vào giường nghỉ ngơi để…. “chiều hết đau còn phải đi cuốc vườn”.
Quả dừa quê vừa bổ còn nguyên nước vẫn để sóng sánh trên bàn. Nhưng ông không uống được, bởi nỗi đau nghẹn đắng như chính ước mong trở lại diện mạo bình thường đã kéo dài 36 năm đằng đẵng.
Rời ngôi nhà trống trước hở sau của gia đình vợ chồng ông Khứ, bà The, chúng tôi chợt thấy nhói lòng. Đã từng gặp nhiều hoàn cảnh bất hạnh, trái ngang trên những hành trình tác nghiệp của mình, nhưng câu chuyện về người đàn ông 36 năm bị cục bướu khổng lồ hành hạ, rồi còn phải lo thêm cho cả miếng cơm, manh áo người bạn đời bệnh tật bên cạnh mình thật quá xót xa.
Rồi đây, những đêm trở gió, vợ chồng lão nông nghèo khổ, bất hạnh này sẽ lại cô đơn gặm nhấm nỗi buồn nẫu ruột và những cơn đau thình lình ập về.
Lại chợt nhớ lời ai oán của ông Khứ đầu câu chuyện: “Làm người ai mà không mong mình có gương mặt bình thường, xinh đẹp cho người khác… ưa nhìn. Nhưng cái số tôi, trời bắt tội”, lại thấy khổ tâm cho một ước mơ giản dị, mà thật xa vời.
Cuộc sống quanh ta luôn tồn tại những điều ta không mong đợi, mọi người đều có nỗi đau riêng mình nhưng điều quan trọng là ta vượt qua nó như thế nào và nhờ vào đâu để vượt qua. Có thể đó là một chút tình thương người như thể thương thân!
TheoTrần Anh Kim(GĐ&XH)
Bình luận