Từ ngành kinh tế đóng góp đến 30% GDP cho đất nước, dầu khí phải trải qua cuộc khủng hoảng chưa từng có trong lịch sử với liên tiếp những đại án liên quan đến các lãnh đạo đương chức, cựu lãnh đạo ngành, thậm chí ở cấp Bộ Chính trị. Nỗ lực gượng dậy của toàn ngành lại bị giáng thêm đòn chí mạng bằng việc giá dầu giảm xuống mức kỷ lục, kéo dài vài năm liên tiếp.
Uy tín của ngành dầu khí, nói khách quan, đã giảm xuống đến mức thấp chưa từng có.
Vậy liệu Tập đoàn Dầu khí Quốc gia (PVN) có “cửa” để lấy lại vị thế người khổng lồ của mình, thậm chí đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế?
VTC News phỏng vấn ba chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long (nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả -Bộ Tài chính), Ngô Thường San (Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam) và Hồ Sỹ Thoảng (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Tổng công ty Dầu khí Việt Nam).
- Thưa ông Ngô Trí Long, ông có cảm nhận được mức độ khốc liệt của của cuộc khủng hoảng ngành dầu khí vừa qua?
PVN đang phải đối mặt với những khó khăn, thách thức rất lớn cả từ khách quan và chủ quan.
Từ cuối năm 2014 đến nay, giá dầu thô liên tục giữ ở mức thấp, các mỏ đã và đang khai thác ở giai đoạn cuối, số giếng khoan mới rất ít, việc mở rộng đầu tư thăm dò để gia tăng trữ lượng còn rất hạn chế... đã khiến PVN tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, đặc biệt áp lực cân đối tài chính.
Xây dựng hành lang pháp lý phù hợp với ngành dầu khí, trao quyền chủ động cho PVN và bảo đảm vận hành đầy đủ những nguyên tắc của cơ chế thị trường...
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long
Cùng với đó, nhiều dự án đầu tư ngoài ngành kém hiệu quả, một số dự án đầu tư ra nước ngoài mất vốn chưa có biện pháp hữu hiệu để xử lý.
Nguồn lực về tài chính của PVN hiện gặp khó khăn do việc đầu tư vào nhiều dự án đòi hỏi nhu cầu vốn lớn. Một số dự án đã triển khai nhưng chưa hoàn thành hoặc đã hoàn thành nhưng chưa mang lại hiệu quả, thậm chí bị thua lỗ.
PVN cũng đang chịu sức ép cạnh tranh khốc liệt đến từ các đối thủ nước ngoài, nhất là trong lĩnh vực dịch vụ, trong khi năng lực điều hành và khả năng kinh doanh còn hạn chế.
Trong khi đó, hoạt động tái cấu trúc tập đoàn đạt hiệu quả thấp, ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả hoạt động kinh doanh của tập đoàn. Những điều này đã làm giảm uy tín, mất hình ảnh của PVN thời gian qua.
- Nhưng đây cũng có thể được coi là cuộc đại phẫu để PVN cắt bỏ ung nhọt và bước sang giai đoạn phát triển mới, bền vững và nhanh hơn?
Tôi cho rằng những bất cập, hạn chế vừa qua là dịp PVN nhìn lại, sửa sai để tiếp tục phát triển đúng hướng. Tuy chặng đường phát triển phía trước của PVN sẽ có nhiều khó khăn, thách thức, nhưng không nên bi quan. Như Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhận định “ngành dầu khí trải qua khó khăn nhưng là cơ hội để ngẫm nghĩ và nhìn lại, khó khăn chưa đến mức đổ vỡ, nên đây là cơ hội tốt để nhìn lại, điều chỉnh để tiếp tục đi lên”.
Ngoài ra, với sự vào cuộc và chỉ đạo quyết liệt của các lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, sự chia sẻ trách nhiệm của các bộ, ngành liên quan, cùng nỗ lực, quyết tâm của mình, PVN hoàn toàn có cơ sở để vượt qua mọi thách thức.
Thực tế, mặc dù những năm được coi là “giông bão” nhưng năm 2017, PVN vẫn đứng vững, hoàn thành tốt và vượt mức các nhiệm vụ kế hoạch được giao. Cụ thể, sản lượng khai thác dầu thô trong nước vượt kế hoạch 1,29 triệu tấn, nộp ngân sách 95,7 nghìn tỷ, vượt kế hoạch 22,9 nghìn tỷ đồng, góp phần quan trọng vào cân đối ngân sách trung ương.
Tôi cho rằng, các vụ việc tiêu cực đã xảy ra chỉ là cá biệt và tập trung trong một giai đoạn nhất định so với cả chặng đường lịch sử xây dựng và phát triển của ngành này. Tất nhiên, đây là bài học kinh nghiệm đau đớn đối với PVN.
- Theo ông thì PVN cần phải làm gì?
Việt Nam là quốc gia có tiềm năng dầu khí. Ngành công nghiệp dầu khí những năm qua có nhiều đóng góp quan trọng vào việc thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng một cách bền vững.
Trong tương lai gần, mục tiêu đặt ra cho ngành dầu khí là tiếp tục đóng góp lớn cho GDP và ngân sách quốc gia.
Để làm được điều đó, PVN cần thực hiện tốt các mục tiêu về sản lượng khai thác, đẩy mạnh các hoạt động thăm dò dầu khí trong và ngoài nước nhằm tăng trữ lượng.
Tiềm lực công nghiệp dầu khí vẫn là chỗ dựa lâu dài của nền kinh tế Việt Nam
Ông Ngô Thường San
PVN cũng cần kiểm soát chặt chẽ tiến độ phát triển các mỏ, các công trình đưa vào khai thác, nhằm bảo đảm sản lượng khai thác dầu khí theo đúng kế hoạch. Khẩn trương khắc phục những yếu kém, bất cập trong tổ chức sản xuất, quản lý vốn đầu tư, công tác quản lý cán bộ và xây dựng lực lượng lao động, nhất là lao động có tay nghề cao.
Đồng thời, PVN cần chủ động đề ra các giải pháp chiến lược, bám sát diễn biến giá dầu quốc tế để có ứng phó kịp thời. Đây là thời điểm cần thiết để PVN rà soát, bổ sung chiến lược phát triển bao gồm quan điểm, định hướng và mục tiêu phát triển theo hướng thích nghi với tình hình thay đổi nhanh trong lĩnh vực dầu khí.
PVN cũng cần tập trung vào các lĩnh vực chính, có tiềm năng, tránh đầu tư dàn trải; Tập trung xử lý, khắc phục các tồn tại, trong đó chú trọng công tác tổ chức, cán bộ, quản lý vốn và đầu tư các dự án; Hoàn thiện mô hình tổ chức, quản lý theo hướng gọn nhẹ, hiệu quả, áp dụng các phương thức quản lý, quản trị doanh nghiệp tiên tiến, hiện đại theo chuẩn mực quốc tế.
Chính phủ và các bộ, ngành có liên quan cũng cần vào cuộc cùng PVN tháo gỡ dần những rào cản. Trong đó, cần xây dựng hành lang pháp lý phù hợp với ngành dầu khí, trao quyền chủ động cho PVN và bảo đảm vận hành đầy đủ những nguyên tắc của cơ chế thị trường. Đó là hai yêu cầu cực kỳ quan trọng và có tính quyết định tới sự tồn tại và phát triển của ngành dầu khí.
- Vậy PVN sẽ ở đâu trong bản đồ nền kinh tế Việt Nam, thưa ông?
Trong thời gian tới, PVN vẫn sẽ là một trong những trụ cột của nền kinh tế. Hơn 20 năm trở lại đây, PVN có những bước tiến vượt bậc. Nếu như năm 2006, khi mới thành lập tập đoàn, tổng tài sản của PVN chỉ là 97,62 nghìn tỷ đồng thì tới nay đã là 439,17 nghìn tỷ đồng (số liệu 2016).
Có nhiều năm, PVN luôn đóng góp từ 22 - 28% GDP của cả nước. Từ giữa năm 2014, do giá dầu thế giới xuống thấp, sản lượng khai thác suy giảm cùng với đó nội lực của nền kinh tế đã tăng cao nên đóng góp của PVN đã giảm nhiều nhưng vẫn ở mức cao so với các tập đoàn kinh tế khác của nhà nước.
Khi đề cập vai trò của ngành dầu khí, Nghị quyết 41 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển ngành dầu khí Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035 đã xác định phát triển ngành dầu khí Việt Nam gắn liền với chiến lược phát triển kinh tế xã hội, chiến lược phát triển năng lượng quốc gia, chiến lược biển đảo Việt Nam, bảo đảm an ninh năng lượng và bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Do vậy, việc phát triển ngành dầu khí của Việt Nam ngoài lợi ích kinh tế còn lợi ích bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc.
* TS Ngô Thường San:
Lãnh đạo mới, giá dầu tăng - nền tảng cho sức bật
Thời điểm khó khăn nhất đối với PVN dần qua, giá dầu đã tăng trở lại, nhiều biện pháp cấp bách trong tái cơ cấu tập đoàn, đổi mới cách quản lý, tiết giảm chi tiêu… được thực hiện đã phát huy tác dụng. PVN đang tạo được khí thế hành động, đoàn kết, quyết tâm vực ngành dầu khí trỗi dậy.
Vừa qua, PVN đã có Chủ tịch Hội đồng thành viên mới, anh Trần Sỹ Thanh, sau thời gian dài không có người đứng đầu. Là người am hiểu sâu ngành tài chính, lại từng công tác ở Uỷ ban Kiểm tra trung ương, anh Thanh có đủ uy tín đối với cả cấp trên lẫn cấp dưới.
Vai trò lãnh đạo của anh Thanh rất quan trọng đối với PVN. Cá nhân tôi tin rằng, anh Thanh cùng ban lãnh đạo PVN sẽ nhanh chóng ổn định tinh thần, khôi phục niềm tin người lao động dầu khí, tập trung nguồn lực để vực ngành dầu khí, đáp ứng kỳ vọng của Đảng, Chính phủ.
Trong thế kỷ 21, dầu khí vẫn là nguồn năng lượng, nguyên liệu, nguồn thu ngân sách quan trọng không thể thay thế của đất nước. Tiềm lực công nghiệp dầu khí vẫn là chỗ dựa lâu dài của nền kinh tế Việt Nam.
Thách thức hiện nay của PVN khi là làm thế nào tận dụng thời cơ để phát triển nhưng đồng thời phải chinh phục được thị trường nội địa và mở rộng hợp tác quốc tế.
* GS.TSKH Hồ Sĩ Thoảng:
Khó khăn không làm mất đi bản lĩnh người dầu khí
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam hiện đang gặp một số khó khăn khi giá dầu thế giới giảm nhưng giá dịch vụ không xuống.
Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất là những sóng gió liên tiếp xảy ra trong thời gian gần đây liên quan đến hàng loạt lãnh đạo tập đoàn.
Người lao động PVN có liên quan đến những chuyện đang xảy ra nhưng ai có lỗi thì người đó chịu. PVN chỉ có đóng góp, không có lỗi. 60.000 người PVN vẫn đang lao động hăng say. Con tàu PVN vẫn đi và cần những người thuyền trưởng đủ tâm, tài, tầm nhìn lèo lái để con thuyền đi.
Khó khăn lớn nhất của PVN hiện nay là chưa có được một cơ chế quản lý điều hành phù hợp với chức năng và sứ mệnh của nó. Nhưng có lẽ đây cũng là cái khó chung của tất cả các doanh nghiệp nhà nước hiện nay chứ không riêng gì PVN, mặc dù cũng phải thấy PVN là doanh nghiệp đặc thù.
Thử thách đối với PVN hiện nay tuy là rất lớn và nhưng cũng đồng thời là cơ hội để vươn lên tự khẳng định mình. Nếu người lao động PVN đoàn kết, trên dưới một lòng, quyết tâm khắc phục khó khăn trở ngại để vượt qua thách thức thì thời kỳ gian khó cũng sẽ qua đi. Điều có tính nguyên lý là, chỉ có thành tựu đạt được mới chứng tỏ bản chất và bản lĩnh của một doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp có vai trò là một trong những trụ cột của nền kinh tế như PVN.
Video: Chính phủ lùi thời gian thông quan Luật Đặc khu
Bình luận