Bất thường đất quê bị đẩy giá bằng đất phố Thủ đô. (Video: Minh Đức)
Việc giá đất ở các huyện vùng ven, cơ sở hạ tầng hạn chế nhưng được đẩy lên ngang với đất mặt phố ở Thủ đô đặt ra nhiều nghi vấn về việc có bàn tay thao túng đứng đằng sau để đẩy giá trục lợi. Sự việc với nhiều dấu hiệu bất thường khiến nhiều người lo ngại về nguy cơ giống vụ đấu giá đất ở Thủ Thiêm (TP.HCM), gây bất lợi cho thị trường, tước đi cơ hội sở hữu nhà của hàng triệu người dân, phá vỡ các nỗ lực đảm bảo an sinh xã hội của Chính phủ.
Gửi lại đất cho môi giới rao bán sang tay
Chiều 21/8, PV Báo điện tử VTC News trong vai người mua đất đến khu đất đấu giá tại thôn Lòng Khúc, xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức (Hà Nội), nhiều môi giới bất động sản đã lập tức tiếp cận, chào hàng.
Một môi giới tên Tuấn hồ hởi quảng cáo, toàn bộ 19 lô đất đều đã được người trúng đấu giá gửi lại các sàn bất động sản để nhờ rao bán, hưởng chênh lệch kiếm lời.
“Mỗi lô chênh khoảng 500 triệu, anh mua sớm thì sẽ có giá tốt”, Tuấn mời chào.
Theo Tuấn, 2 lô đất ký hiệu LK03-04 và LK03-05 cùng có diện tích 92m2 có giá rẻ nhất là 91,3 triệu đồng/m2. Những lô đắt nhất là LK04-06 diện tích 115,96m2, giá 135,3 triệu đồng/m2 và LK03-12 có diện tích 113,27m2 giá 133,3 triệu đồng/m2. Các lô đất cùng dãy dao động ở mức 97,3 - 127,3 triệu đồng/m2. Điểm chung của những lô đất này là cùng nằm đối diện dãy chuồng lợn, chuồng gà.
Theo quan sát của phóng viên, nhiều nhà đầu tư đã tới xem khu đất “vàng” vừa được đấu giá nhưng họ đều tỏ ra thất vọng sau khi “mục sở thị”.
“Lô đất quá nhỏ, chiều ngang thì tạm được nhưng chiều sâu rất ngắn. Chỉ có thể mua để ở chứ không làm gì được. Không ai lại bỏ ra từng ấy tiền để mua đất này xây nhà ở. Những khu vực ngay gần đây, thậm chí gần nội thành hơn, cũng có đường vành đai 4 đi qua, mức giá thấp hơn rất nhiều nhưng cũng còn bị bỏ hoang, không có người mua”, một nhà đầu tư nói.
Người này dẫn chứng, cách khu đất đấu giá xã Tiền Yên chỉ khoảng 2km, khu đô thị Sơn Đồng (xã Di Trạch, huyện Hoài Đức) đã được xây dựng hàng loạt nhà liền kề với thiết kế 4 tầng hiện đại hiện đang được rao bán trên các diễn đàn bất động sản với mức giá từ 97 - 125 triệu đồng/m2 nhưng nhiều năm vẫn hiếm người mua, khiến khu đô thị này trong cảnh hoang tàn, xuống cấp.
Chính người dân ở xã Tiền Yên cũng không khỏi bất ngờ và bàn tán xôn xao vì từ trước đến giờ, không bao giờ họ dám nghĩ giá đất của xã mình lại có thể giao dịch ở mức cao đến thế.
Ông Nguyễn Văn T. (50 tuổi, ở thôn Tiền Lệ, xã Tiền Yên) cho biết, trước đây khu đất này là đất nông nghiệp ven đê, được người dân sử dụng trồng rau muống, hoa màu. Thời gian trước, chính quyền thu hồi, đền bù cho người dân với mức giá chỉ vài triệu đồng/m2. Thế nhưng, chỉ qua bước thu hồi, làm mặt bằng, giá đất tại đây đã lên tới hơn 100 triệu đồng/m2.
“Hơn 1 năm trước, giá đất trong xã khoảng 27 triệu đồng/m2 đối với nhà trong ngõ, và khoảng 40 triệu đồng/m2 đối với nhà ngoài mặt đường liên xã. Khoảng 4 tháng nay, giá đất tại địa phương bất ngờ tăng mạnh, nhưng cao nhất cũng chỉ khoảng 45 triệu đồng/m2 đối với nhà trong ngõ. Những lô đất nằm giữa khu vực đất trống vừa được đấu giá, chưa có nhà cửa hay bất kỳ tiện ích gì lại được bán với giá cao gấp 3 lần mặt bằng chung, lên mức 135 triệu đồng/m2. Đây là điều vô lý nhất chúng tôi từng thấy”, ông T. không giấu nổi ngỡ ngàng.
Theo ông T., đường vào khu đất đấu giá quanh co, xuyên qua làng xóm chứ không có đại lộ nào thông thẳng ra trục đường chính. Duy nhất một điều được các “cò đất” vin vào để câu khách đó là con đường vành đai 4 nằm cách đó khoảng chừng 200 mét. Và họ thường dụ nhà đầu tư bằng những chiêu quảng cáo: “Khi vành đai 4 hoàn thành, chắc chắn đất này sẽ tăng giá gấp nhiều lần nữa".
Thế nhưng, theo ông Trịnh Văn D., (48 tuổi, là người dân trong làng), khi đường vành đai 4 hoàn thành, sẽ rất nhiều container, xe tải, xe khách cỡ lớn đi qua. Ngoài khói bụi ra thì được gì mà tăng giá đất?
Nguy cơ bong bóng vỡ
Trả lời PV Báo điện tử VTC News, chuyên gia Đặng Hùng Võ nói: “Hoàn toàn có thể xảy ra một vụ việc giống Thủ Thiêm, bởi người tham gia đấu giá chỉ phải đặt cọc số tiền hơn 100 triệu đồng. Tôi cho rằng đây là số tiền quá nhỏ để họ sẵn sàng bỏ đi khi đã đạt được mục đích nâng giá bất động sản trong khu vực lên. Tôi dự đoán việc bỏ cọc sẽ xảy ra, tuy nhiên thực tế như thế nào thì hãy đợi thêm vài ngày nữa, đến thời điểm đóng tiền sẽ rõ”.
Cũng theo ông Võ, hiện nay đã có quy định pháp luật để xử lý đối với những trường hợp trúng đấu giá với giá cao sau đó bỏ cọc. Tuy nhiên, quy định này đến tháng 1/2025 mới có hiệu lực, do đó, việc nhiều người lợi dụng đấu giá đất để tạo mặt bằng giá mới là hoàn toàn có thể xảy ra.
Phân tích thêm về việc những lô đất ngoại thành Hà Nội được đấu giá với mức hơn 100 triệu đồng/m2, chuyên gia Đặng Hùng Võ khẳng định đây là hiện tượng vô cùng bất thường. “Có thể tiềm ẩn việc những người đấu giá này đang đẩy giá đất trong khu vực lên thật cao để tuồn hàng “tồn” trước đó của mình”, ông Võ nhận định.
Trong khi đó, ông Nguyễn Quốc Khánh - Chủ tịch HĐQT DTJ Group - cho biết, so sánh vụ đấu giá đất ở Tiền Yên (Hoài Đức) hay Thanh Cao (Thanh Oai) với đấu giá đất ở Thủ Thiêm là có phần khập khiễng do giá trị chênh lệch quá nhiều.
“Thủ Thiêm là vùng đất đắc địa trong trung tâm TP.HCM, được định hướng như một khu trung tâm mới đầy đủ tiện ích. Còn đất ở Hoài Đức, Thanh Oai là vùng xa trung tâm, giá sau khi đấu giá không đúng so với hạ tầng xã hội và vượt quá kỳ vọng. Mảnh đất này cũng không gắn với câu chuyện, không có định hướng gì quá lớn để có thể tăng giá đến mức giá như thế”, ông Khánh nói.
Theo ông Khánh, mức giá trên 100 triệu đồng/m2 là cao đến mức vô lý, không xứng với mặt bằng cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, xã hội tại đây. Nếu có thể chấp nhận được thì đây cũng phải là mức giá của tương lai 5-6 năm nữa.
Vì mức giá quá cao nên ông Khánh dự báo sẽ mang đến nhiều hệ lụy. Đó là khả năng xảy ra tình trạng bỏ cọc hàng loạt và nguy cơ những phiên đấu giá sau tại chính khu này hay khu vực xung quanh sẽ dở dang.
“Đấu giá lần một đã cao như vậy rồi, lần hai đưa mức thấp hơn cũng khó. Nhìn xa hơn, điều này sẽ khiến cho giá đất ở những nơi khác bị đẩy cao, dẫn đến việc đấu giá đất không thành công, gây thất thoát nguồn thu ngân sách Nhà nước", ông phân tích.
Một môi giới bất động sản lâu năm cũng nhận định: “Với kinh nghiệm hơn chục năm trong nghề, tôi khẳng định đây là chiêu trò thổi giá và bong bóng bất động sản này sẽ nhanh vỡ. Việc đặt cọc 100 triệu đồng là quá ít khiến nhiều người có thể mang tâm lý sẵn sàng bỏ cọc khi đến hạn đóng tiền”.
Vị này phân tích, theo quy định, để được đấu giá, các nhà đầu tư phải đặt cọc số tiền từ 109 - 172 triệu đồng/lô. Nếu có bỏ khoản cọc này cũng không đáng là bao nên giới “cò đất” hoàn toàn có thể chịu mất tiền để được hưởng lợi cao hơn, đó là khi giá đất đã tăng cao chóng mặt, giúp họ thoát hàng với mức giá mới.
“Đây chính là chiêu “cò” đất tham gia thổi giá để “lùa gà”. Có thể những người trúng đấu giá chỉ mua giá cao một vài lô để nâng giá đất xung quanh và để bán chính những lô giá thấp sau đó bỏ cọc. Thực tế có rất nhiều trường hợp trước đó cũng có nhiều trường hợp đấu giá cao xong bỏ cọc”, người môi giới nói.
Trước đó, huyện Thanh Oai đã tổ chức đấu giá đất, trong đó có lô lên đến 100 triệu đồng/m2. Sau đó chũng được chào bán lô với tiền chênh 400-500 triệu đồng/lô. Dù vậy, do giá cao nên không có người mua, hiện giá chênh lệch đã giảm còn khoảng 100 triệu đồng/lô.
Tương tự, huyện Ứng Hòa cũng tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất tại 35 lô đất ở tại khu dân cư mới khu 1 tại xã Cao Thành. Giá trúng đấu giá từ 15-22 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, hiện các lô đất tại khu vực này được sàn bất động sản rao bán giá từ 27-30 triệu đồng/lô.
Bình luận