• Zalo

Đằng sau báo lãi ngàn tỷ của ngân hàng

Kinh tếThứ Tư, 08/05/2013 07:52:00 +07:00Google News

(VTC News) - Mặc dù các ngân hàng ồ ạt báo lãi trăm, thậm chí hàng ngàn tỷ đồng nhưng có lo ngại cho rằng thực chất ngân hàng có thể lỗ lớn.

(VTC News) - Mặc dù các ngân hàng ồ ạt báo lãi trăm, thậm chí hàng ngàn tỷ đồng nhưng có lo ngại cho rằng thực chất ngân hàng có thể lỗ lớn.

Lãi trăm, ngàn tỷ

Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, hàng chục ngàn doanh nghiệp thua lỗ, hệ thống ngân hàng vẫn báo lãi đều đặn. Trong đó, có nhiều ngân hàng lãi hàng ngàn tỷ đồng chỉ trong một quý.

Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank – VCB) vừa công bố báo cáo tài chính riêng lẻ quý 1/2013. Theo đó, trong 3 tháng đầu năm nay, ngân hàng đạt 2.537 tỷ đồng thu nhập lãi thuần, giảm 21,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận trước thuế giảm chưa đến 15% so với cách đây 1 năm, đạt 1.421 tỷ đồng. Ngân hàng đạt lợi nhuận sau thuế 1.086 tỷ.

Vượt qua Vietcombank về lợi nhuận là BIDV (Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam). Trong quý 1, ngân hàng mẹ đạt thu nhập lãi thuần 3.096 tỷ đồng; lãi từ dịch vụ 468 tỷ; từ chứng khoán kinh doanh 127 tỷ; từ ngoại hối gần 41 tỷ. Hoạt động khác mang về khoản lợi nhuận 62 tỷ đồng. Kết quả là lợi nhuận trước thuế của BIDV đạt gần 1.448 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 1.087 tỷ đồng.

Không đạt được lợi nhuận ngàn tỷ trong quý 1 như Vietcombank hay BIDV nhưng Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn Thương Tín (STB) cũng đạt kết quả kinh doanh rất khả quan, có nhiều bước tiến vượt bậc so với năm ngoái.

tien mat 12
Nhiều ngân hàng báo lãi "khủng" (Ảnh minh họa từ Internet) 
Tính đến hết quý 1/2013, ngân STB đạt mức lợi nhuận trước thuế 850 tỷ đồng, đạt trên 30% kế hoạch đề ra cho cả năm. So với lợi nhuận trước thuế 1.350 tỷ đồng đạt được trong cả năm 2012, lợi nhuận riêng quý 1/2013 bằng 65%.

Lợi nhuận 4 tháng đầu năm của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Xuất nhập khẩu Việt Nam (EIB) khiêm tốn hơn một chút. Dự kiến, EIB lãi 480-490 tỷ đồng, nếu có khoản thu khác sẽ xấp xỉ 500 tỷ đồng, thấp hơn cùng kỳ năm trước.

Gặp nhiều sóng gió sau sự cố bầu Kiên, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) cũng lãi trăm tỷ trong quý 1. Cụ thể, tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trước chi phí dự phòng rủi ro của ACB đạt gần 597 tỷ đồng, giảm 51 % so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận trước thuế giảm tới 64%, xuống còn 395 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế của ngân hàng đạt 307 tỷ đồng.

Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn - Hà Nội (SHB) có lợi nhuận quý 1 khiêm tốn nhất khi chỉ lãi  217 tỷ đồng, đạt 19% kế hoạch năm. SHB ghi nhận khoản lãi khiên tốn là do SHB đang gánh nhiều khoản nợ khủng sau khi sáp nhập với Ngân hàng Thương mại Cổ phần Nhà Hà Nội (HBB).

Có thực lãi lớn?

TS Nguyễn Trí Hiếu - Chuyên gia ngân hàng nhận xét, trong suốt thời gian qua việc các doanh nghiệp la liệt thua lỗ trong khi ngân hàng liên tục báo lãi đã gây bức xúc. Cứ nhìn vào doanh thu rất lớn của ngân hàng, không ít người chạnh lòng.

Tuy nhiên, TS Hiếu cho rằng cần đặt vấn đề về lợi nhuận ngân hàng. Liệu ngân hàng có thực sự lãi lớn hay không?

Ông Hiếu phân tích, hiện nay, nợ xấu của hệ thống ngân hàng là rất lớn, trong khi khoản dự phòng rủi ro chỉ khoảng 78.000 - 79.000 tỷ đồng. Nếu trích lập dự phòng rủi ro hợp lý, lãi của ngân hàng có thể bị triệt tiêu hết, thậm chí còn có thể bị “ăn” vào vốn chủ sở hữu. Chính vì vậy, ông Hiếu khẳng định lợi nhuận của hệ thống ngân hàng cần được nhìn chính xác hơn.

Báo cáo tài chính của các ngân hàng thể hiện khá rõ nét điều này. Các ngân hàng báo lãi trăm ngàn tỷ đồng nhưng nợ xấu đôi khi cao gấp 3, gấp 4 lần lợi nhuận sau thuế.

Với Vietcombank, trong số 237.751 tỷ đồng cho vay khách hàng, Vietcombank có 7.634 tỷ đồng nợ xấu, chiếm tỷ lệ 3,2%, trong đó nợ có khả năng mất vốn là 1.960 tỷ đồng. Trong khi đó, chi phí dự phòng rủi ro đạt 800 tỷ đồng, giảm so với con số 950 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái.

BIDV trích lập dự phòng rủi ro 806 tỷ đồng trong khi ngân hàng có 9.260 tỷ đồng nợ xấu, trong đó nợ dưới tiêu chuẩn là hơn 5.260 tỷ và nợ có khả năng mất vốn là 3.095 tỷ đồng.

Nợ xấu cao, chi phí dự phòng thấp đã “giúp” các ngân hàng ghi nhận được nhiều khoản lãi khủng.
Trong năm nay, BIDV đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế là 4.720 tỷ đồng; huy động vốn tăng trưởng 13%, dư nợ tín dụng tăng 12% và nợ xấu kiểm soát ở dưới 3%.

STB lợi nhuận thấp hơn các “ông lớn” và nợ xấu cũng khiêm tốn hơn. Trong quý 1, tổng tài sản của STB tăng 4,1% trong khi nợ xấu chiếm gần 2,2% trên tổng dư nợ. Tỷ lệ nợ xấu chỉ chiếm 2,18% tổng dư nợ và tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu đạt 10,1%.

Tỷ lệ nợ xấu lúc này của EIB trên 1,3%, cơ cấu lại nợ cho các doanh nghiệp khó khăn tạm thời, EIB cơ cấu nợ khoảng 2.000 tỷ đồng, tiếp tục xử lý và đến cuối năm về cơ bản sẽ được xử lý khoảng 0,4-0,5% sẽ chuyển sang nhóm cao hơn và nợ xấu của EIB sẽ khoảng 2%.

Về chất lượng nợ, theo thuyết minh báo cáo, ACB có 3.090 tỷ đồng nợ xấu trong quý 1 năm nay, tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm 2,88% trên tổng dư nợ. Chi phí dự phòng của ACB  chỉ là 202 tỷ đồng.

Sau khi sáp nhập với, SHB là gương mặt “đình đám” nhất khi nhắc về nợ xấu. Theo báo cáo của SHB, sau khi sáp nhập HBB, tỷ lệ nợ xấu của Ngân hàng sau sáp ngập cao, tại thời điểm 30/9/2012 là 13,2%. Bằng nhiều biện pháp quyết liệt, đến 31/12/2012, tỷ lệ nợ xấu giảm xuống còn 8,8%. Mục tiêu của ngân hàng đến cuối năm 2013, tỷ lệ nợ xấu chiếm 5% trên tổng dư nợ.

Chủ tịch Hội đồng quản trị SHB, ông Đỗ Quang Hiểu chia sẻ tại đại hội cổ đông mới diễn ra hồi tháng 4 năm nay: "Nợ xấu là vấn đề rất khó xử lý. Nợ quá hạn đã khó xử lý chứ không phải nợ xấu mới khó xử lý."

Theo ông Hiển, đi đòi nợ vô cùng khó khăn vất vả. việc đòi nợ vất vả đến nỗi Phó Giám đốc SHB Hà Nội đi đòi nợ nhiều đến mức bục cả dạ dày.

Nợ xấu cao, chi phí dự phòng thấp đã “giúp” các ngân hàng ghi nhận được nhiều khoản lãi khủng. Bên cạnh đó cũng cần chú ý việc nhiều ngân hàng dù nợ xấu cao, lỗ thật nhưng vẫn chia cổ tức.

Ông Hiếu khuyến cáo cổ đông cần cẩn thận vì có thể ngân hàng lấy tiền huy động của dân để trả cổ tức. Hoặc có thể ngân hàng lấy tiền của cổ đông trả cổ đông kiểu như “mỡ nó rán nó”.

Thanh Hà

Bình luận
vtcnews.vn