• Zalo

Đang khoẻ mạnh bỗng chảy máu ồ ạt

Sức khỏeThứ Sáu, 15/09/2017 11:04:00 +07:00Google News

Anh H. có dấu hiệu sốt xuất huyết, tuy nhiên cả 2 lần xét nghiệm vào ngày thứ 2 và ngày thứ 5 đều cho kết quả âm tính, đến ngày thứ 9, bất ngờ chân răng chảy máu không ngừng.

Trường hợp của anh Vũ Quang H. (41 tuổi, Hà Nội) mắc sốt xuất huyết khá hiếm gặp. Ngày đầu tiên, bệnh nhân sốt rất cao, đau đầu dữ dội. Nghi ngờ sốt xuất huyết, ngày thứ 2, anh vào BV 108 để xét nghiệm.

Kết quả âm tính sốt xuất huyết, tiểu cầu ở mức 244.000 (trung bình 150.000-450.000). BS kết luận sốt virus, truyền 2 chai nước, cho đơn thuốc rồi về.

Do đang trong mùa dịch sốt xuất huyết nên BS chỉ định chỉ dùng hạ sốt giảm đau có chứa paracetamol, bù nước điện giải oresol, bổ sung vitamin C sủi, hoa quả..., chờ xét nghiệm lại.

Ngày thứ 3, anh H. hạ sốt, ăn uống bình thường trở lại. Đến ngày thứ 4 hết sốt, hết đau đầu, trở lại làm việc máy tính bình thường.

Sốt xuất huyết, Dịch bệnh, Bệnh truyền nhiễm, tiểu cầu

Với sốt xuất huyết, các bác sĩ luôn khuyến cáo không được bỏ quãng xét nghiệm. 

Ngày thứ 5, bệnh nhân khoẻ hơn, nhưng họng rát. Gia đình dùng dịch vụ xét nghiệm máu tại nhà. Kết quả vẫn âm tính sốt xuất huyết, tiểu cầu giảm còn 144.000.

Do chủ quan, nên sau đó anh H. không xét nghiệm lại. Các ngày thứ 6,7,8, anh H. trở lại sinh hoạt bình thường, họng hết đau.

Sáng ngày thứ 9 (1/9), khi đang đánh răng chuẩn bị đưa con đi học, miệng anh H. đầy máu, tất cả các chân răng ứa máu không thể cầm. Khi kiểm tra trên da, vợ anh H. phát hiện thêm các chấm nhỏ li ti.

Ngay lập tức anh H. được đưa vào viện 108. Kết quả, tiểu cầu hạ còn 9.000. BS chỉ định nhập viện khẩn cấp, phải dùng cáng khiêng. 14h chiều cùng ngày, anh H. được truyền 3 bịch tiểu cầu, tuy nhiên do nhóm máu AB hiếm nên BV yêu cầu gia đình huy động thêm người thân, bạn bè đến hiến trực tiếp.

Sau khi vợ anh H. và nhiều bạn bè cùng lên facebook kêu gọi, đã có hàng chục người xa lạ đến hiến tiểu cầu cho anh H. 2 ngày sau, bệnh nhân qua cơn nguy kịch.

Âm tính vẫn có thể mắc sốt xuất huyết

BS Nguyễn Trung Cấp, khoa Cấp cứu, BV Bệnh nhiệt đới TƯ cho biết, trên thực tế vẫn có trường hợp xét nghiệm âm tính với sốt xuất huyết, dù thực tế có các biểu hiện của bệnh.

Nguyên nhân do khác nhau về thời điểm lấy máu và phương thức xét nghiệm.

Cụ thể, nếu xét nghiệm công thức máu trong 1-2 ngày đầu tiên, khi lượng virus trong máu chưa nhiều, một số trường hợp sẽ cho kết quả âm tính. Khi nghi ngờ, cần làm lại. Hoặc những bệnh nhân làm xét nghiệm ở ngày thứ 5-6, khi virus trong máu đã giảm, nồng độ kháng thể thấp thì cũng có thể cho kết quả âm tính.

Do đó BS Cấp khuyến cáo, những bệnh nhân nghi ngờ mắc sốt xuất huyết, cần làm xét nghiệm tiểu cầu trong 3 ngày liên tiếp, vào các ngày thứ 4-5-6 vì theo dõi biến chứng hạ tiểu cầu là phải theo dõi xu thế chứ không phải chỉ một thời điểm.

Video: Dinh dưỡng phòng và điều trị sốt xuất huyết

“Nếu ngày thứ 6, tiểu cầu vẫn có xu thế đi xuống thì ngày thứ 7 phải làm xét nghiệm lại. Còn nếu ngày thứ 4-5 thấp, thứ 6 bắt đầu tăng lên thì không cần làm nữa”, BS Cấp thông tin.

Phân tích thêm trường hợp của anh H., BS Cấp cho biết, bệnh nhân bị chảy máu chân răng do hạ tiều cầu xuống ngưỡng nguy hiểm mà không biết. Nguyên nhân do bỏ quãng xét nghiệm công thức máu.

Theo BS Cấp, trong sốt xuất huyết có 2 biến chứng hay gặp là hạ tiểu cầu và cô đặc máu. Trong đó biến chứng hạ tiểu cầu không khiến cơ thể mệt mỏi, li bì. Do đó nhiều người khoẻ mạnh chủ quan, không theo dõi cho đến khi bị xuất huyết ồ ạt.

Ngược lại, biến chứng cô đặc máu có liên quan nhiều đến triệu chứng mệt, đau tức vùng gan, nôn, buồn nôn, lơ mơ, li bì, thường kéo dài 24-48 giờ.

Do đó khi tiểu cầu hạ xuống dưới 50.000 thì cần vào viện để theo dõi, tránh nguy cơ chảy máu, xuất huyết não, xuất huyết nội tạng. Với biến chứng cô đặc máu, nếu ngưỡng HTC những ngày sau tăng thêm 10% thì nên nhập viện.

 

Bình luận
vtcnews.vn