• Zalo

Dân vẫn 'hồn nhiên' nghe điện thoại ở cây xăng

Thời sựThứ Ba, 07/08/2012 01:30:00 +07:00Google News

(VTC News) - Vẫn còn nhiều người dân sử dụng điện thoại trong lúc đổ xăng - "hồn nhiên" vi phạm Nghị định 52/2012 của Chính phủ.

(VTC News) - Vẫn còn nhiều người dân sử dụng điện thoại trong lúc đổ xăng - "hồn nhiên" vi phạm Nghị định 52/2012 của Chính phủ.

Theo ghi nhận PV VTC News, so với ngày đầu tiên (5/8) thực hiện Nghị định 52/2012-CP (quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực PCCC) thì đến chiều ngày 6/8, vẫn còn nhiều người dân "hồn nhiên" sử dụng điện thoại trong lúc đổ xăng. Tuy nhiên cơ quan chức năng vẫn chưa có biện pháp triển khai lực lượng, xử lý vi phạm.

Các cây xăng lớn có thông báo, tiêu lệnh "không sử dụng điện thoại di động" dán gần trụ bơm để khách hàng được biết.

Tại các cây xăng lớn, đa phần đều gắn bảng tiêu lệnh, biển báo “cấm sử dụng điện thoại”, có nơi photo tờ báo dán gần trụ bơm để khách hàng biết. Nhưng tại các cây xăng tư nhân, cây xăng nhỏ thì hầu như chưa có hình thức nào để thông báo tới người dân.

Tiếp xúc với người dân, khách hàng đến đổ xăng tại các cây xăng, hầu hết đều đưa ra lý do chưa nắm rõ thông tin về NĐ 52 nên vô tình vi phạm chứ không hề cố ý.

Dán tờ báo trên cột để thông tin đến khách hàng.

Anh Cao Thành Lâm (SN 1975) đang dừng đổ xăng tại cây xăng Trường Vạn Lý (P.Tây Thạnh, Q.Tân Phú) lúng túng "do không biết thông tin cấm nghe điện thoại di động tại cây xăng nên mình vô ý vi phạm, sẽ rút kinh nghiệm".

Một lãnh đạo Đội CSGT - CA TP.HCM cũng bỡ ngỡ khi nghe thông báo nêu trên, cho rằng CSGT chỉ phạt người đi đường điều khiển xe máy sử dụng điện thoại còn trường hợp người sử dụng điện thoại tại cây xăng không phải là nhiệm vụ của CSGT.

Trước tình hình chưa có cơ quan chức năng nào ra quân triển khai, xử lý khi có khách hàng dùng điện thoại, nhân viên cây xăng chỉ nhắc nhở nhẹ nhàng, có khi tìm cách im lặng, bỏ qua việc vi phạm.
Vẫn nhiều người dân "hồn nhiên" vi phạm NĐ 52 tại các cây xăng.

“Dù sao họ cũng là khách hàng của mình, mình phải nói cho khéo chứ không thì mất khách” – chị Nguyễn Thị Lan, cửa hàng trưởng cây xăng đường Tỉnh lộ 10, Q.Bình Tân chia sẻ.

Anh Trần Thành Tâm, quản lý cây xăng đường 3/2, Q.10 cho biết: “Tại cây xăng chúng tôi có dán thông báo, biển cấm nghe điện thoại, thế nhưng nếu ai đó có dùng điện thoại thì chúng tôi chỉ tay vào bảng cấm, còn chuyện đồng ý hay không là quyền của họ. Quan trọng là ý thức tự giác khách hàng chứ mình tuyệt đối không thể lớn tiếng với họ”.

Nhiều nhân viên cây xăng chưa biết phải xử phạt khách hàng thế nào. 

Trả lời PV, thiếu tướng Trần Triều Dương, Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC TP. HCM cho biết, Sở đã triển khai tập huấn về NĐ 52 cho phòng cảnh sát PCCC các quận, huyện. Tuy nhiên cho đến nay Sở vẫn chưa thể tiến hành lập biên bản xử phạt vì đang chờ thông tư hướng dẫn của Bộ Công an.

Trong khi đó, thiếu tướng Đỗ Văn Sơn, Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ (Bộ Công an) cho biết, NĐ 52 quy định cụ thể về hành vi, mức phạt nên không phải chờ thông tư hướng dẫn.

Kể từ 1/8/2012, lực lượng chức năng tại các địa phương có thể kiểm tra, nơi nào có vi phạm thì lập tức lập biên bản xử lý.

Theo NĐ52, người mang diêm, bật lửa, điện thoại di động, các thiết bị điện tử hoặc các thiết bị, dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt vào kho vật liệu nổ hoặc những nơi có quy định cấm sẽ bị phạt từ 100.000 - 200.000 đồng.

Mức phạt này cũng sẽ tăng lên 500.000 đồng nếu sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, thiết bị, dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt mà không đảm bảo khoảng cách an toàn về PCCC theo quy định.

Đối với hành vi sử dụng điện thoại di động tại cây xăng sẽ bị phạt từ 2-5 triệu đồng, mức phạt này cũng áp dụng cho hành vi hàn cắt kim loại nhưng không thực hiện các biện pháp phòng cháy.

Theo đó, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực PCCC gồm các lực lượng công an, chính quyền địa phương và được phân cấp mức phạt theo các cấp sẽ thực hiện việc bắt quả tang, lập biên bản và ra quyết định xử phạt.

Mức phạt 2 triệu đồng sẽ do trưởng công an hoặc chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn ra quyết định xử phạt.

Mức 5 triệu đồng sẽ do trưởng phòng cảnh sát PCCC và cứu nạn - cứu hộ, trưởng phòng cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, trưởng phòng cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt, trưởng phòng cảnh sát đường thủy, trưởng phòng cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, trưởng phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, công an cấp tỉnh và trưởng phòng cảnh sát PCCC cấp huyện hoặc chủ tịch UBND huyện ra quyết định xử phạt.
Phan Cường

Bình luận
vtcnews.vn