• Zalo

Dân kiện quan: 'Đừng bày cho dân cái chuyện mất thì giờ'

Thời sựThứ Sáu, 05/06/2015 10:51:00 +07:00Google News

Những vụ án "dân kiện quan" tỷ lệ thành công rất ít theo các đại biểu vì sự "cả nể, sợ sệt" khi cơ quan đứng ra xét xử lệ thuộc nhiều mặt vào "quan".

(VTC News) - Những vụ án "dân kiện quan" tỷ lệ thành công rất ít theo các đại biểu vì sự "cả nể, sợ sệt" khi cơ quan đứng ra xét xử lệ thuộc nhiều mặt vào "quan".

Chiều 4/6, thảo luận tổ về dự án Luật tố tụng hành chính (sửa đổi), nhiều đại biểu cho rằng, ở đây có câu chuyện “dân kiện quan”, “tòa huyện xử quan huyện” nên rất khó khăn trong việc xử án, dẫn đến tình trạng án tồn đọng, kéo dài, gây bức xúc cho dân, còn “quan” thì coi như chẳng liên quan gì.

Đại biểu Đỗ Văn Đương (TP HCM), chất lượng xét xử các vụ án hành chính thấp hơn rất nhiều so với các loại án khác, tỷ lệ bị cải sửa từ 4 – 5%. Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là sự lệ thuộc và e ngại của thẩm phán đối với việc xét xử các quyết định hành chính của chủ tịch UBND huyện.

Đại biểu Trần Du Lịch
Đại biểu Trần Du Lịch 
Theo ông Đương, án hành chính là kiểu “dân kiện quan”. Mà khi dân kiện thì có thấy “quan” nào ra tòa đâu. Tức là người trực tiếp ký quyết định hành chính “trốn”, toàn ủy quyền cho cấp dưới, mà những người này chưa hẳn có liên quan hoặc có chuyên môn, nên chủ yếu là đến tòa để nghe và về báo cáo lại.


Đại biểu Trần Du Lịch (TP.HCM) cũng cho rằng, việc "dân kiện quan", về lý thuyết thì quan điểm cho phép tòa huyện xử sơ thẩm các vụ việc hành chính liên quan đến lãnh đạo huyện như Ủy ban tư pháp Quốc hội nêu ra là đúng. Nhưng thực tế tòa huyện mà xử được lãnh đạo huyện thì ở Việt Nam hiện này là rất khó.

"Đừng bày dân cái chuyện mất thì giờ. Ông bí thư, ông chủ tịch phán một câu là có khi đã chạy tóe khói, làm sao xử? Tôi cũng đề nghị tòa huyện không được xử cái gì liên quan đến lãnh đạo huyện hết", ông Trần Du Lịch nói.

Ngoài ra, dân có thắng kiện mà UBND huyện không chịu thi hành án thì Thi hành án cũng khó dám cưỡng chế.

Còn theo đại biểu Nguyễn Sỹ Cương, việc xét xử các vụ án hành chính còn có sự "cả nể, sợ sệt lẫn nhau". Cho nên cần phải nói rõ, thẳng thắn trách nhiệm của người đứng đầu. Về mặt chính quyền, Đảng, có thể anh hơn nhưng về mặt hành chính, pháp luật, anh phải tuân thủ.

Thậm chí ra tòa thì tòa lại nể cơ quan hành chính vì cơ quan hành chính phải có quyết định tòa mới xử, nên nếu có xử thì xử… cái công văn đó à?


Chính vì vậy, theo ông Cương, đối với những vụ án hành chính như thế này, cấp trưởng phải trực tiếp ra tòa. Nếu có lý do chính đáng thì phải ủy quyền cấp phó có chuyên môn, nếu không thì muôn thuở vẫn không giải quyết dứt điểm được các vụ án hành chính.

Đại biểu Lê Thị Nga (Phó Chủ nhiệm Ủy ban tư pháp của Quốc hội) cũng dẫn ra một ví dụ điển hình, chủ tịch huyện bị kiện (thường là phó bí thư), về mặt lý thuyết là độc lập, nhưng về mặt thực tiễn thẩm phán là đảng viên công tác tại tòa án có quan hệ lệ thuộc với phó bí thư huyện. Hơn nữa, tòa án lệ thuộc về kinh phí của địa phương, ông Chánh án cũng có quan hệ lệ thuộc.

"Đặt thẩm quyền cấp huyện xử việc kiện ông chủ tịch cấp huyện là khó, dẫn đến phán quyết một số trường hợp khiến dân phàn nàn. Vì vậy, tôi ủng hộ theo hướng của ban soạn thảo, giao việc xét xử hành chính của cấp huyện cho Tòa án nhân dân cấp tỉnh", bà Nga nói.

Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Trần Du Lịch đề nghị tất cả các quyết định của UBND quận, huyện là tòa án tỉnh phải xử.

Về lý thuyết, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội nói đúng, nhưng thực tế Việt Nam hiện nay, với hệ thống chính trị ở nước ta là không khả thi, không tạo được niềm tin của dân.

Châu Anh
Bình luận
vtcnews.vn