Sáng 23/5, tranh luận tại hội trường về dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) cho rằng cách tiếp cận luật này hiện giờ là sai.
"Chúng ta phải tiếp cận xây dựng Luật từ góc độ văn hoá. Uống rượu bia là văn hoá của cả nhân loại rồi, sao lại đưa nó lên đoạn đầu đài thế này. Liệu 'uống rượu bia có hại cho sức khoẻ' có phải là thông điệp của thế giới không? Nếu chúng ta cứ nhìn ở góc độ đó thì mãi mãi không khả thi, không thực tế, đi ngược lại xu thế của thế giới.
Tôi đồng tính với việc phải ra luật lúc này, thậm chí là cần có chế tài nặng hơn. Hình như cách đặt vấn đề hiện nay đang né tránh vấn đề yếu kém trong năng lực quản lý, kiểm soát của Nhà nước và mỗi người tự kiểm soát mình. Có thể chúng ta mới kiểm soát được việc sản xuất, tiêu thụ, sử dụng một cách bền vững, trên thị trường cũng như trong đời sống.
Nếu chúng ta thông qua thì việc đầu tiên là thôi xem bóng đá đi vì Heineken là nhà tài trợ cho nhiều giải bóng đá quốc tế. Người dân cần sức khoẻ nhưng vẫn mong muốn có đá bóng, vẫn sẵn sàng thức đêm xem bóng đá. Sức khoẻ không chỉ thuần tuý về thể trạng mà còn là về tinh thần.
Chúng ta cần có lộ trình đúng đắn, nhìn nhận khách quan, phù hợp với xu thế, đừng cực đoạn, cục bộ thì luật sẽ không có gây hiệu ứng xã hội", đại biểu Dương Trung Quốc nêu quan điểm.
Việc nhiều thương hiệu rượu bia đang là nhà tài trợ chính cho nhiều CLB, giải đấu bóng đá hấp dẫn trên thế giới cũng làm nhiều đại biểu tỏ ý lo lắng việc Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia được thông qua sẽ khiến người hâm mộ thể thao Việt Nam phải "xem lậu" các giải đấu thể thao.
Bởi theo luật, những giải đấu như Tiger Cup, hay các trận đấu tại Champions League (do Heineken tài trợ), Cúp Quốc gia Việt Nam (từng có nhà tài trợ như Bia Sư tử trắng) sẽ không được phát sóng, quảng cáo trên mọi phương tiện truyền thông.
Chung suy nghĩ như đại biểu Dương Trung Quốc, đại biểu Bùi Văn Xuyền tỏ ý ngạc nhiên khi dự thảo luật đang coi ngành rượu bia như tội đồ, là nguyên nhân chính dẫn đến những vấn đề tiêu cực trong xã hội hiện nay, trong khi đây là ngành mang lại khoản thu lớn cho ngân sách Nhà nước.
Đại biểu Nguyễn Đức Kiên- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề xuất chưa thông qua Luật Phòng chống tác hại rượu bia trong kỳ họp này. Thay vào đó, Quốc hội nên ra nghị quyết về tình trạng sử dụng rượu bia hiện nay, để phối hợp được các luật được với nhau.
Dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia cấm quảng cáo rượu từ 15 độ cồn trở lên
Ủy ban Thường vụ Quốc hội rà soát các quy định liên quan đến quảng cáo rượu, bia của Luật Quảng cáo (năm 2012), Luật Thương mại (năm 2005) cũng như lịch sử của các quy định về quản lý trong lĩnh vực này thì thấy rằng, từ năm 2001 (ban hành Pháp lệnh Quảng cáo) đến nay, quảng cáo, khuyến mại rượu, bia ngày càng được quan tâm quản lý, nhận thức được nồng độ cồn có trong sản phẩm rượu, bia tỷ lệ thuận với tác hại của sản phẩm này nên các sản phẩm rượu, bia đã được quản lý theo hướng chặt hơn.
Theo đó, từ việc không quy định về quản lý quảng cáo rượu, bia trong Pháp lệnh Quảng cáo (năm 2001), tiến tới quy định cấm quảng cáo, khuyến mại rượu từ 30 độ cồn trở lên trong Luật Thương mại (năm 2005), xác định rượu mạnh là đồ uống có cồn, độ rượu từ 15% trở lên tính theo thể tích (Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với sản phẩm đồ uống có cồn) và cấm quảng cáo rượu từ 15 độ cồn trở lên trong Luật Quảng cáo (năm 2012).
Để phù hợp với Luật Quảng cáo và tính đồng bộ của hai hình thức xúc tiến thương mại trong Luật Thương mại là quảng cáo, khuyến mại, dự thảo Luật đã quy định về cấm quảng cáo, khuyến mại trong hoạt động kinh doanh rượu có nồng độ cồn từ 15 độ trở lên, cấm khuyến mại hoặc sử dụng rượu, bia để khuyến mại cho người chưa đủ 18 tuổi và cấm sử dụng rượu từ 15 độ trở lên để khuyến mại dưới mọi hình thức tại khoản 2 và khoản 3 Điều 5.
Bên cạnh đó, với tính chất là sản phẩm không khuyến khích tiêu dùng, có ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng và có thể tác động xấu đến an toàn, trật tự xã hội, để hạn chế ảnh hưởng của việc quảng cáo rượu, bia đến giới trẻ và phù hợp với xu hướng quốc tế (trên thế giới có hơn 123 nước có quy định biện pháp cấm hoặc hạn chế quảng cáo rượu, bia), tránh việc hiểu lầm là chỉ rượu từ 15 độ cồn trở lên mới gây hại nếu dự thảo Luật chỉ quy định cấm quảng cáo loại sản phẩm này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định cụ thể việc quản lý quảng cáo rượu dưới 15 độ cồn và bia tại Điều 12 và Điều 13 của dự thảo Luật.
Bình luận