Huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang lâu nay đã có tiếng là cao nguyên đá với những dãy núi sừng sững, lởm chởm đá như những cọc nhọn mọc lên khắp nơi.
Những năm trở lại đây, một tiềm năng mới của địa phương đã được phát hiện và thu hút được sự chú ý của du khách khắp nơi trên cả nước, thậm chí cả khách nước ngoài. Đó là hoa tam giác mạch.
Tuy nhiên, Đồng Văn còn có một đặc sản khác cũng nổi tiếng, nhưng dường như đang bị "lép vế" bởi tam giác mạch: Mật ong bạc hà.
Với những cánh đồng bạc hà mọc dại khắp nơi, xen kẽ trong những núi đá trơ trụi, người dân ở đây đã tận dụng để nuôi ong và sản xuất ra loại mật ong nổi tiếng.
Khi ong hút mật hoa bạc hà sẽ cho ra một loại mật màu xanh trong, có vị bạc hà nhè nhẹ. Rất hấp dẫn và dễ uống.
Chia sẻ với phóng viên báo điện tử VTC News, ông Và Mí Dính, người dân xã Sà Phìn, huyện Đồng Văn cho biết, ông đã nuôi ong từ 15 năm nay, và kinh nghiệm của ông là nơi đâu có hoa, thì ông mang ong tới nơi đó.
Bởi thời tiết mưa hoặc quá lạnh đều ảnh hưởng tới ong và hoa, nếu mưa hoặc rét quá ong rất dễ chết hoặc hoa sẽ héo, không có đủ mật cho ong ăn và ong sẽ tự bay đi nơi khác.
Nhà ông Dính có 100 thùng ong tất cả, vốn đầu tư vào mỗi thùng ong là từ 180 nghìn đến 200 nghìn đồng, tuỳ loại gỗ. Và thùng ong được mua từ Tuyên Quang, thông thường ông sẽ mua thùng bằng gỗ gạo hoặc gỗ sung, nếu bằng gỗ thông thì ong sẽ bỏ đi bởi ong dị ứng với tinh dầu thông và gỗ thông hay bị mọt.
Năm nào được vụ, nhà ông Dính có thể thu về 120 triệu đồng đã trừ các khoản chi phí. Đối với gia đình ông thì đó là năm khấm khá; tuy nhiên cũng có năm ông phải chịu lỗ, bởi không có hoa, quá rét... Và vấn đề không chỉ của riêng ông Dính, mà của tất cả các hộ nuôi ong ở Đồng Văn đó là không có đầu ra.
Hiện nay, mật ong bạc hà ở Đồng Văn được rất ít người biết đến, bởi giá thành cũng khá cao so với các loại mật ong khác. Một lít mật ong bạc hà giá bán buôn là 400 nghìn đồng/lít, còn bán lẻ là 500 nghìn đồng/lít.
Trong khi, mật ong rừng của Đắc Lắc đắt nhất cũng chỉ 580 nghìn đồng/ lít. Tuy nhiên, mật ong bạc hà ở Đồng Văn vẫn phải sản xuất theo hình thức thủ công, người nuôi ong phải di chuyển rất nhiều để ong có hoa bởi thời tiết trên này rất khắc nghiệt cho loại ong.
Video: Dị nhân ở Điện Biên tiết lộ bí quyết thu phục hàng nghìn con ong.
Bình luận