Đà Nẵng được thiên nhiên ban tặng đầy đủ núi, sông và biển để tự thân nó như một bức tranh nên thơ, hùng vĩ. Quá trình xây dựng và phát triển Đà Nẵng, con sông Hàn chảy giữa lòng thành phố đã được các nhà quy hoạch chọn làm điểm nhấn, thiết kế, xây dựng những cây cầu tuyệt đẹp kết nối đôi bờ Đông-Tây.
Công tác tại Đà Nẵng mấy mươi năm, những lúc rảnh rỗi, tôi có niềm đam mê lang thang chụp ảnh, ghi lại những cảnh đẹp của thành phố trẻ trung, năng động. Cũng không rõ từ bao giờ, những chiếc cầu bắc qua dòng Hàn giang thơ mộng trở thành cảm hứng đặc biệt với tôi.
Không phải ngẫu nhiên người ta gọi “Đà Nẵng - Thành phố của những cây cầu”. Ai từng sống, gắn bó với thành phố này có thể hiểu, những cây cầu ấy đều mang trên mình biểu trưng, xứ mệnh và là đại diện tiêu biểu cho từng thời kỳ phát triển của Đà Nẵng.
Đầu tiên, phải nhắc đến Sông Hàn-cầu quay duy nhất ở Việt Nam, được coi là biểu tượng của Đà Nẵng. Cầu được xây dựng từ nhu cầu thực tế và cũng được chính người dân đóng góp tiền của, công sức.
Nó cũng là cây cầu đặc biệt vì là cầu quay duy nhất tại Việt Nam và do kỹ sư, công nhân Việt Nam tự thiết kế, thi công.
Đến Đà Nẵng vào dịp cuối tuần, du khách không thức để được tận mắt chứng kiến cầu Sông Hàn quay thì có lẽ chuyến đi ấy chưa trọn vẹn.
Cầu Rồng, một trong 5 chiếc cầu đẹp nhất Đông Nam Á và là một trong 30 chiếc cầu ấn tượng nhất hành tinh, là điểm du lịch không thể bỏ qua ở Đà Nẵng.
Hình tượng rồng của cầu được thể hiện dựa trên kiến trúc của rồng thời Lý kết hợp với dáng hình vươn ra biển lớn, là biểu tượng cho sự phát triển ngày càng lớn mạnh của Đà Nẵng.
Đặc biệt, để phục vụ du khách, vào các tối thứ 7, chủ nhật hằng tuần, rồng sẽ phun nước, phun lửa và đó là lúc du khách cảm nhận đầy đủ nhất vẻ đẹp, sự lãng mạn khi đến điểm du lịch ấn tượng này.
Không lãng mạn như cầu Rồng, Trần Thị Lý lại là cây cầu mang điểm nhấn kiến trúc hiện đại của Đà Nẵng. Đây được xem là “cây cầu đón khách” bởi khi đến Đà Nẵng, dù ở đâu bạn cũng có thể nhìn thấy cây cầu này.
Cầu Trần Thị Lý có thiết kế mang phong cách Châu Âu, lối kiến trúc và kết cấu vô cùng độc đáo khi sử dụng hệ dây văng 3 chiều kết hợp. Cây cầu này càng trở nên ấn tượng hơn vào ban đêm, khi hệ thống đèn chiếu sáng hiện đại được bật lên.
Xuôi về phía hạ lưu, nơi sông Hàn đổ ra biển, Thuận Phước - cầu treo dây võng dài nhất Việt Nam trông như dải lụa vắt qua sông Hàn.
Cũng vì vị trí đặc biệt ấy, cầu Thuận Phước còn được biết đến như chiếc “chìa khóa” mở cửa cho du lịch Sơn Trà.
Cầu Thuận Phước được thiết kế theo mô hình cầu treo dây võng 3 nhịp liên tục, có chiều dài 1.850m và chiều rộng là 18m. Khi màn đêm buông xuống, cầu Thuận Phước trở nên rực rỡ hơn bởi những ánh đèn màu sáng lấp lánh, đẹp quyến rũ và lộng lẫy. Đứng trên cầu, du khách có thể chiêm ngưỡng toàn cảnh Đà Nẵng, lưu giữ cho mình những khung hình kỷ niệm ấn tượng.
Quá trình phát triển, Đà Nẵng cũng gây ấn tượng không chỉ những cây cầu bắc qua sông Hàn mà còn có những cầu vượt như Hòa Cầm, Nga Ba Huế và sắp tới là cầu vượt nút giao phía Tây cầu Trần Thị Lý. Những cầu vượt này không đơn thuần là điểm nhấn về kiến trúc mà nó mở ra không gia đô thị hiện đại, kết nối giao thông thuận lợi cho thành phố.
Hãy cùng tôi chiêm ngưỡng những cây cầu tuyệt đẹp của Đà Nẵng:
Bình luận