Niều hộ dân sinh sống tại chung cư 93 Lò Đúc (Hà Nội), trong đó có cả những người tham gia khiếu kiện đã bày tỏ nguyện vọng muốn giữ lại tầng 30 của Tòa nhà với mục đích làm nơi sinh hoạt cộng đồng chung cho cư dân.
Mới đây, tại buổi làm việc ngày 04/6/2015 có sự tham dự của lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội cùng các đơn vị, phòng, ban chuyên môn, lãnh đạo các cấp chính quyền của Quận Hai Bà Trưng, đại diện Công ty TNHH Khách sạn Kinh Đô và Ban Quản trị chung cư 93 Lò Đúc, nhiều hộ dân sinh sống tại đây, trong đó có cả những người tham gia khiếu kiện đã bày tỏ nguyện vọng muốn giữ lại tầng 30 của tòa nhà với mục đích làm nơi sinh hoạt cộng đồng chung cho cư dân.
Nhiều cư dân muốn giữ lại tầng 30 của tòa nhà làm nơi sinh hoạt cộng đồng chung cho cư dân. (Ảnh minh họa) |
Thông báo số 4728/TB-SXD của Sở Xây dựng Hà Nội ngày 10/6/2015, nêu rõ: Sau khi trao đổi, thảo luận, các thành viên tham gia thống nhất bằng biên bản làm việc làm cơ sở để triển khai thực hiện các nội dung, trong đó, đối với việc xử lý vi phạm trật tự xây dựng tại tầng thứ 30 của tòa nhà 93 Lò Đúc, yêu cầu chủ đầu tư phải tự thực hiện tháo dỡ các phần mái tôn, vách kính và tường ngăn tại tầng thứ 30 (theo quy định chủ đầu tư phải phê duyệt biện pháp tháo dỡ theo nguyên tắc đảm bảo kỹ thuật, an toàn về người và công trình, đồng thời đảm bảo duy trì hoạt động bình thường của tòa nhà).
Công trình “Siêu thị - Văn phòng - Căn hộ” tại địa chỉ 93 Lò Đúc, Phường Phạm Đình Hổ do Công ty TNHH Khách sạn Kinh Đô làm chủ đầu tư và được Sở Xây dựng Hà Nội cấp Giấy phép xây dựng số 12/GPXD ngày 12/01/2004 và Giấy phép bổ sung số 161/GPXD ngày 18/5/2006.
Công trình này được xây dựng hoàn hành và đưa vào khai thác sử dụng từ năm 2007 với quy mô 2 tầng hầm + 30 sàn tầng nổi (tầng 30 chưa hoàn thiện) + hệ thống kỹ thuật tum thang máy, thang bộ, thang thoát hiểm, bể nước sinh hoạt của tòa nhà và sân thượng trên nóc tầng 30.
Năm 2011, chủ đầu tư tiếp tục hoàn thiện các hạng mục bên trong tầng 30 trên cơ sở khung, cột, sàn, mái đã xây dựng xong phần thô từ năm 2006, sau khi bị UBND phường phát hiện và đình chỉ hoạt động xây dựng, chủ đầu tư đã dừng thi công từ đó cho đến nay.
Nhiều khó khăn, vướng mắc khi thực hiện quyết định cưỡng chế
Ngày 08/4/2015, Sở Xây dựng Hà Nội ra Văn bản số 2862/SXD-TTr về kiểm tra, xử lý vi phạm trật tự xây dựng tại 93 Lò Đúc có nội dụng: “Khẩn trương kiểm tra, thiết lập biên bản vi phạm hành chính và yêu cầu tự phá dỡ công trình xây dựng, bộ phận công trình xây dựng vi phạm đối với tầng 30 của tòa nhà chung cư 93 Lò Đúc xây dựng sai phép”.
Thực hiện các bước xử lý theo quy trình và hướng dẫn của Sở Xây dựng, ngày 27/4/2015, UBND Quận Hai Bà Trưng đã ban hành Quyết định số 1564/QĐ-UBND về việc cưỡng chế phá dỡ công trình vi phạm trật tự xây dựng đô thị.
Từ cơ sở các văn bản kể trên, Đội Thanh tra Xây dựng Quận Hai Bà Trưng đã đề xuất Kế hoạch số 29/KH-UBND-TTrXD tổ chức cưỡng chế các hạng mục tại tầng 30, trên nóc tầng 30 của công trình.
Theo đó, các hạng mục công trình cần phá dỡ bao gồm: Tầng 30 có tổng diện tích xây dựng lên đến 1.834,73m2, trong đó 1098,22m2 mái bê tông cốt thép và 736,5m2 mái lợp tôn cao 3,7m, xung quanh được quây toàn bộ bằng khung nhôm, kính; trên nóc tầng 30 còn có hai khối nhà xây tường gạch, mái bê tông cốt thép, tổng diện tích hai khối nhà là 242,27m2, cao 4m (khối 1 diện tích 208,88m2, khối 2 diện tích 33,79m2).
Kế hoạch phá dỡ được đưa ra cần phải huy động một lượng lớn người tham gia với nhiều phương tiện, máy móc dưới sự chủ trì của UBND và Công an phường Phạm Đình Hổ phối hợp với các cấp chính quyền, phòng, ban Quận Hai Bà Trưng do Công ty Cổ phần Xuân Nam thực hiện.
Phương án thực hiện cũng có quy mô rất lớn khi phải di chuyển 308 hộ dân; 10 doanh nghiệp, 1 siêu thị trong suốt thời gian thực hiện cưỡng chế và xây dựng lại bể nước, tum thang… (Dự kiến khoảng thời gian này sẽ kéo dài ít nhất 6 tháng). Ngoài ra, các vật tư, vật liệu, tài sản tại tầng 30, trên nóc tầng 30 của Công ty TNHH Khách sạn Kinh đô cũng cần phải di dời ra khỏi công trình, chuyển về địa điểm tập kết, quản lý do UBND Phường Phạm Đình Hổ bố trí thuê kho.
Với khối lượng công việc rất lớn cộng với vị trí vi phạm là trên nóc của tòa nhà cao tầng, nằm xung quanh các khu dân cư khác có mật độ đông đúc đã nảy sinh ra không ít các khó khăn, vướng mắc khi thực hiện cưỡng chế theo Quyết định số 1563/QĐ-UBND của UBND Quận Hai Bà Trưng, bởi: Tòa nhà đã vận hành, sử dụng ổn định với 308 hộ dân và 10 doanh nghiệp hoạt động; tòa nhà có dân cư đông đúc, đã thành lập tổ dân phố nhưng chưa có diện tích nào để làm nơi sinh hoạt cộng đồng; xung quanh tòa nhà là 4 khu dân cư có mật độ đông đúc; tầng 30 và trên nóc tầng 30 là đỉnh của tòa nhà (chiều cao trên 100m) điều kiện thi công hết sức phức tạp.
Ngoài ra, phần phải xử lý cưỡng chế có hệ thống kỹ thuật tum thang máy, thang bộ, thang thoát hiểm, bể nước sinh hoạt để đảm bảo vận hành chung cư của cả tòa nhà. Việc này làm ảnh hưởng đến sinh hoạt, sử dụng ổn định của 308 hộ dân và 10 doanh nghiệp đều là những đối tượng không vi phạm.
Mặt khác, do dỡ bỏ hệ thống kỹ thuật tum thang máy, thang bộ, thang thoát hiểm, bể nước sinh hoạt nên kế hoạch di chuyển 308 hộ dân cũng đặt ra không ít thách thức. Bên cạnh đó, với vị trí cao trên 100m, xung quanh có mật độ dân cư dày đặc nên khi tiến hành phá dỡ vùng ảnh hưởng sẽ rất rộng, chính vì vậy, việc đảm bảo tuyệt đối về an toàn lao động (cho người trực tiếp thi công cũng như các hộ xung quanh) là rất khó khăn.
Theo tính toán ước lượng thời gian thực hiện tối thiểu 6 tháng do khi thực hiện phải tạm dừng cung cấp điện, nước, dỡ bỏ hệ thống thang máy nên việc thi công, vận chuyển thủ công là chủ yếu.
Kinh phí thực hiện bước đầu được đưa ra dự toán là 3,4 tỷ đồng đối với khối lượng thi công cần phá dỡ, nếu cộng thêm các khoản hỗ trợ để di chuyển toàn bộ nhân dân tại tòa nhà trong thời gian cưỡng chế, kinh phí dự trù đối với việc gây ảnh hưởng đến các hộ dân sống xung quanh tòa nhà, kinh phí chi cho lực lượng tổ chức cưỡng chế thì tổng toàn bộ chi phí có thể sẽ đội lên gấp nhiều lần, phía chủ đầu tư sẽ phải chịu thiệt hại rất lớn.
Liệu có thể áp dụng quy định phạt để tồn tại?
Theo Khoản 9 Điều 13 Nghị định 121/2013/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 30/11/2013 có quy định các hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình sai giấy phép xây dựng được cấp đối với trường hợp cấp phép sửa chữa, cải tạo; tổ chức thi công xây dựng công trình sai nội dung giấy phép xây dựng được cấp đối với trường hợp cấp phép xây dựng mới; tổ chức thi công xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng mà theo quy định phải có giấy phép xây dựng; xây dựng công trình sai thiết kế được phê duyệt hoặc sai quy hoạch xây dựng hoặc thiết kế đô thị đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt đối với công trình xây dựng được miễn giấy phép xây dựng mà không vi phạm chỉ giới xây dựng, không gây ảnh hưởng các công trình lân cận, không có tranh chấp, xây dựng trên đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp thì ngoài việc bị xử phạt vi phạm hành chính, còn bị buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được bằng 40% giá trị phần xây dựng sai phép, không phép đối với công trình là nhà ở riêng lẻ và bằng 50% giá trị phần xây dựng sai phép, không phép, sai thiết kế được phê duyệt hoặc sai quy hoạch xây dựng hoặc thiết kế đô thị được duyệt đối với công trình thuộc dự án đầu tư xây dựng hoặc công trình chỉ yêu cầu lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật xây dựng công trình. Sau khi chủ đầu tư hoàn thành việc nộp phạt thì cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng hoặc điều chỉnh giấy phép xây dựng.
Việc xây dựng sai phép của tòa nhà 93 Lò Đúc không vi phạm quy hoạch, xây dựng trong khuôn viên đất được cấp không có tranh chấp, bảo đảm an toàn, cảnh quan kiến trúc khu vực theo quy định tại Điều 15 Thông tư số 24/2009/TT-BXD ngày 22/07/2009 của Bộ Xây dựng quy định chi tiết thi hành một số nội dung của Nghị định số 23/2009/NĐ-CP ngày 27/2/2009 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng, kinh doanh bất động sản, khai thác, sản xuất kinh doanh vật liệu xây dựng, quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật, quản lý phát triển nhà và công sở thì cho phép Chủ đầu tư được giữ nguyên hiện trạng công trình xây dựng.
Năm 2013, thực hiện theo chỉ đạo của Thanh tra Chính phủ và UBND TP Hà Nội, các văn bản hướng dẫn của Sở Xây dựng Hà Nội, chủ đầu tư đã thuê Viện Khoa học công nghệ xây dựng (Bộ Xây dựng) tiến hành khảo sát, kiểm tra đánh giá khả năng an toàn chịu lực của công trình 93 Lò Đúc. Viện Khoa học Công nghệ xây dựng đã có báo cáo và kết luận: Công trình với quy mô như hiện tại (gồm 2 tầng hầm, 30 tầng nổi và hệ thống tum thang bể nước) đảm bảo an toàn khả năng chịu lực.
Như vậy, dựa vào các khung pháp luật sẵn có, vi phạm nói trên của chủ đầu tư tòa nhà chung cư 93 Lò Đúc có thể áp dụng các quy định tại Nghị định 121/2013/NĐ-CP của Chính phủ để tồn tại được hay không? Điều này có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với các hộ dân đang sinh sống ổn định tại tòa nhà, phù hợp với tâm tư, nguyện vọng của họ là các hạng mục xây dựng ở tầng 30, trên nóc tầng 30 được giữ lại và lấy đó làm nơi sinh hoạt cộng đồng chung cho cư dân. Thêm vào đó, doanh nghiệp tránh được một khoản chi phí phát sinh không đáng có, tập trung nguồn lực vào sản xuất kinh doanh, đóng góp nhiều hơn vào ngân sách nhà nước.
Trong Văn bản số 512/CVDA của Công ty TNHH Khách sạn Kinh đô, chủ đầu tư đã đưa ra cam kết dọn dẹp sạch sẽ, đảm bảo vệ sinh môi trường, hoàn thiện mặt bằng tầng 30 và dành diện tích 400m2 để làm nơi sinh hoạt cộng đồng cho cư dân của chung cư (do Tổ dân phố quản lý).
Tổng Thanh tra Chính phủ đã chỉ đạo: đề nghị cơ quan chức năng TP Hà Nội khẩn trương tháo dỡ tầng 30, toàn bộ hạng mục xây dựng trái phép, trả lại hiện trạng, mục tiêu xây dựng ban đầu là tầng sinh hoạt chung cho các hộ dân. Riêng đối với tầng 23, 28, 29 có vi phạm nhưng Sở Xây dựng đã kiểm tra khả năng đảm bảo chịu lực, các hộ dân đã ở ổn định tại đây nên Thanh tra Chính phủ đề nghị UBND TP Hà Nội chỉ đạo các cơ quan liên quan xem xét vấn đề đảm bảo an toàn đối với việc giữ nguyên hiện trạng. |
Video cháy chung cư
Nguồn: Báo Xây dựng
Bình luận