“Bộ Công an cam kết chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và nhân dân về an toàn giao thông. CSGT cũng phải nâng cao năng lực của mình. Chúng tôi đang dự kiến anh nào vòng 2 to không cho ra đường luôn, sẽ kiểm tra kiến thức từng cán bộ một” – Đại tá Đỗ Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục CSGT nói tại cuộc họp thông tin về Luật Bảo đảm trật tự, An toàn giao thông đường bộ ngày 29/9. Luật này đang được Quốc hội xem xét.
Giới thiệu về dự án luật mới, Đại tá Đỗ Thanh Bình cho rằng, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 điều chỉnh 2 lĩnh vực là an toàn giao và đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng giao thông. Tuy nhiên, luật năm 2008 không quy định cơ quan nào phải chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và nhân dân về an toàn giao thông.
Đại tá Bình nói: “Hoàn toàn không có, CSGT cũng chỉ giải quyết phần ngọn của vấn đề... Trong khi tai nạn giao thông (TNGT), tình hình giao thông liên quan trực tiếp tới con người, hình ảnh đất nước. Như vấn đề ùn tắc giao thông, các đồng chí thử bấm contermet xem đi 1.000km sẽ lưu thông với tốc độ bao nhiêu? Tôi đã thử và thấy mình đi dưới 10km/h nếu vào giờ cao điểm; nhiên liệu 6 lít/100km theo thiết kế nhưng thực tế tốn tới 13 lít”.
Vị này cũng cho biết: “Chúng tôi đã làm việc với cảnh sát nước ngoài, trao đổi kỹ và phía Nhật Bản có lời khuyên là muốn làm văn hóa, an toàn giao thông tốt hơn phải thay đổi mạnh mẽ trách nhiệm, gắn trách nhiệm cụ thể mới giải quyết được. Cái nữa là liên quan điều tra tai nạn, chúng tôi đưa vào luật rất rõ, như tai nạn xảy ra phải điều tra nguyên nhân do người, phương tiện hay hạ tầng và từ đó tính toán hòa giải chứ không có chuyện xe to đền xe bé. Ví dụ 1 xe ô tô tai nạn nhưng không nổ túi khí, cảnh sát phải điều tra do 1 xe hay do lỗi cả seri xe để đảm bảo an toàn cho người dân.
Phó Cục trưởng khẳng định phải gắn trách nhiệm để: “Khi đó, các bạn đặt vấn đề tại sao TNGT nó thế này, chúng tôi phải trả lời được”.
Cũng theo Đại tá Bình, khi nghiên cứu xây dựng Luật Bảo đảm trật tự, An toàn giao thông đường bộ, Cục CSGT đã dựa trên công ước quốc tế và nghiên cứu hệ thống pháp luật của một số nước và thấy rằng để thay đổi hành vi con người là vấn đề khó, cần nhiều thời gian. Ông Bình nói: “Như các bạn Nhật Bản nói họ phải mất 50 năm từ khi xác định tai nạn giao thông là chiến tranh giao thông để thay đổi mới được như bây giờ”.
Phó Cục trưởng khẳng định, Luật Bảo đảm trật tự, An toàn giao thông đường bộ được xây dựng trên nguyên tắc đặt con người là trung tâm. Ông ví dụ: “Như việc quy định trẻ em phải ngồi sau nhằm đảm bảo an toàn, người lái xe cần hỏi cháu bao nhiêu tuổi? 10 tuổi mời ngồi sau, nếu không nhớ tuổi thì cao bao nhiêu? Đây là sự nhân văn, giúp hình thành thói quen văn hóa, không phải mục đích khi xây dựng quy định là để xử phạt”.
Đại tá Đỗ Thanh Bình cũng cho biết, trong luật còn xây dựng nhiều nội dung liên quan ứng dụng công nghệ thậm chí còn “để dành” hành lang quy định liên quan phương tiện không người lái một khi điều kiện kinh tế xã hội đáp ứng được.
Bình luận