• Zalo

CPI tháng 1 tăng mạnh là một tín hiệu cảnh báo

Kinh tếThứ Ba, 29/01/2013 08:47:00 +07:00Google News

(VTC News) – Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính Phủ Vũ Đức Đam, CPI tháng 1 cao bất thường là một tín hiệu cảnh báo, cần phải hết sức thận trọng.

(VTC News) – Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính Phủ Vũ Đức Đam, CPI tháng 1 cao bất thường là một tín hiệu cảnh báo, cần phải hết sức thận trọng.

Các vấn đề liên quan đến việc CPI cao bất thường trong tháng đầu năm là một trong những vấn đề nóng được báo chí quan tâm trong cuộc họp báo thường kỳ tháng 1/2013 diễn ra vào chiều ngày 29/1.

Trong tháng 1 vừa qua, chỉ số giá tiêu dùng tăng 1,25% so với tháng 12/2012 và tăng 7,07% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 7,4%, hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 1,34%, may mặc, mũ nón, giày dép tăng 1,3%.

 

Theo Bộ trưởng Đam, CPI tháng 1 cao bất thường là một tín hiệu cảnh báo, do đó, chúng ta phải hết sức thận trọng, cần tăng cường điều hành, phối hợp giữa các cơ quan trong việc điều hành kinh tế vĩ mô.

"Chúng ta phải làm sao ổn định được kinh tế vĩ mô, kiềm chế được lạm phát vì đây chính là phương thức hữu hiệu nhất giúp doanh nghiệp hoạt động tốt, và từ đó tạo công an việc làm cho người dân", Bộ trưởng cho biết.

Cũng theo Người phát ngôn của Chính phủ, mục tiêu tăng trưởng và kiềm chế lạm phát luôn là mục tiêu điều hành cơ bản. Nếu siết chặt quá tiền tệ tín dụng thì sản xuất trở nên yếu, tăng trưởng chững lại, lao động sẽ dư thừa.

Tuy nhiên, nếu quá chạy theo mục tiêu tăng trưởng, mở rộng tín dụng, nếu chúng ta làm không cẩn thận thì nguy cơ lạm phát sẽ quay trở lại, đồng tiền mất giá, mất ổn định kinh tế vĩ mô.

"Do đó đây là mục tiêu kép mà chúng ta phải kiên trì thực hiện. Chính phủ đã tính toán kỹ và báo cáo Quốc hội và được Quốc hội thông qua với mục tiêu tăng trưởng GDP khoảng 5,5%, lạm phát phấn đấu thấp hơn mức lạm phát trong năm 2012", Bộ trưởng cho biết.

Còn theo báo cáo của Bộ Kế hoạch Đầu tư, nguyên nhân khiến CPI tháng 1 này tăng chủ yếu do việc điều chỉnh viện phí.

Cụ thể, trong tháng 1 đã có 10 tỉnh thực hiện giá trị dịch vụ y tế mới. Nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng nhiều nhất với 7,4%, riêng dịch vụ y tế tăng 9,5%.

Bên cạnh đó, nguồn cung một số mặt hàng thực phẩm do bị ảnh hưởng vì rét đậm, rét hại kéo dài ở các tỉnh miền Bắc. Những khó khăn trong chăn nuôi gia súc, gia cầm trong thời gian qua cùng với tâm lý tăng giá trong dịp Tết Nguyên đán đã góp phần làm tăng giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống, nhất là thực phẩm.

Ngoài ra còn nguyên nhân khác là nhu cầu mua sắm quần áo, giày dép trong dịp tết cũng góp phần đẩy giá các mặt hàng này tăng cao.

Châu Anh
Bình luận
vtcnews.vn