- Tuyển trạch viên và đại diện cầu thủ ngày càng có ảnh hưởng với các nền bóng đá. Theo anh đâu là sự khác biệt lớn nhất?
Giulio D’Alessandro: Người đại diện luôn làm việc tự do, anh ta độc lập và chỉ quan tâm đến lợi ích của cầu thủ cũng như công việc làm ăn của mình. Còn tuyển trạch viên thường gắn với một CLB và mong muốn làm một điều gì đó tích cực cho đội của mình, phối hợp công việc với Giám đốc Thể thao và HLV.
Một trong những vấn đề lớn nhất của bóng đá hiện nay là có quá ít tuyển trạch viên mà lại dư thừa người đại diện. Nó xuất phát từ thực tế, ví dụ như ở Italy, 90% tuyển trạch viên săn lùng tài năng không kiếm được một đồng lương nào. Những gì CLB cung cấp cho họ chỉ là tiền hoàn lại và hoa hồng trong trường hợp cầu thủ ký hợp đồng với CLB. Điều này gián tiếp khuyến khích lựa chọn nghề nghiệp trở thành một tay đại diện. Vì vậy, ngày càng có nhiều mối quan tâm về lợi ích cá nhân hơn là tập thể trong thế giới bóng đá chuyên nghiệp.
- Đại dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nề đến đời sống cũng như kinh tế Italy. Còn công việc của những người như các anh thì sao?
Chúng tôi chưa từng rơi vào hoàn cảnh như thế này. Có những vụ chuyển nhượng bị hủy bỏ, và chúng tôi phải chấp nhận. Ví dụ, chúng tôi nhận phụ trách chuyển nhượng một cầu thủ từ Phần Lan sang New Zealand, và đã hoàn tất mọi thủ tục. Tuy nhiên, chỉ một tuần sau đó, New Zealand phong tỏa toàn quốc, và cầu thủ đó đã phải trở về Phần Lan. Cậu ấy mất cơ hội thi đấu tại một môi trường mới và chúng tôi cũng mất luôn cơ hội marketing tại một thị trường đầy tiềm năng, tất cả chỉ bởi Covid-19. Một số cầu thủ tiềm năng ở lò đào tạo của chúng tôi tại Canada Xuvia Academy cũng mất cơ hội thử việc tại châu Âu, vì Canada phong tỏa.
Tuy nhiên, ở khía cạnh tích cực, chúng tôi xem giai đoạn bóng đá ngưng trệ này là dịp để học hỏi và nghiên cứu thêm về các chiến lược phát triển. Chúng tôi vẫn liên tục tuyển trạch và mở rộng bộ cơ sở dữ liệu. 70% công việc của chúng tôi có thể làm từ xa. Bạn không thể một ngày ở Nigeria, ngày khác lại ở Việt Nam. Vì vậy, toàn bộ công việc sẽ được thực hiện trên các nền tảng về tuyển trạch đang rất phổ biến như Interscout hoặc Wyscout. Chúng tôi cũng có thời gian để mở rộng dự án tại một số nước tiềm năng ở khu vực Caribe hay châu Á.
- Tại sao lại là châu Á? Anh đánh giá như thế nào về tiềm năng phát triển của bóng đá khu vực này?
Tất nhiên, bóng đá tại đây khác biệt rất nhiều so với châu Âu. Tôi sẽ nói về Việt Nam nhé, vì đây là quốc gia tôi theo dõi cẩn thận và chi tiết nhất. Tôi nhớ không nhầm thì đầu mùa này, HLV người Italy Fabio Lopez bị CLB Thanh Hóa sa thải chỉ sau năm trận. Đó không phải thứ chúng tôi gọi là dự án. Mỗi một nền bóng đá, một CLB đều cần một dự án và chiến lược cụ thể để phát triển. Họ phải chọn những HLV đáng tin cậy, lên kế hoạch và bám sát cả năm. Năm trận không đủ để một HLV làm được bất cứ điều gì. Lopez có kinh nghiệm huấn luyện tại nhiều nước như Bangladesh, Malaysia, Saudi Arabia và cả các đội trẻ ở Italy nữa. Điều quan trọng nhất vẫn là một dự án được xúc tiến bởi những người đáng tin cậy.
- Thế còn các ngoại binh đến với bóng đá Việt Nam. Ông đánh giá sao về họ?
Đa phần đều rất tệ. Một ngoại binh ở Việt Nam thông qua người đại diện sẽ đưa ra yêu cầu một mức lương rơi vào tầm 80.000 đến 100.000 USD một năm. Có rất nhiều cầu thủ châu Phi và các cầu thủ Brazil đến thử việc. Nhưng là người trong nghề, tôi biết 90% những cầu thủ này đều sử dụng CV (lý lịch nghề nghiệp) giả. Đây không phải là cách thức đúng đắn để một đội bóng có thể phát triển. Đó cũng là lý do chính giải thích tại sao các CLB Việt Nam khó thành công trên các đấu trường châu lục.
- Vậy đâu là những ngoại binh chất lượng của bóng đá Việt Nam mà anh biết?
Tôi biết một số người, và đa phần đều ở CLB Hà Nội, đội bóng mạnh nhất V-League nhiều năm gần đây. Pape Omar Faye là cầu thủ tuyệt vời, cậu ấy từng thi đấu tại Champions League, thành công tại Thụy Sỹ. Oseni cũng là một bản hợp đồng "đáng đồng tiền bát gạo". Các CLB ở Việt Nam có thể tìm được nguồn cầu thủ tốt tại nhiều quốc gia. Đừng tập trung nhiều quá vào các cầu thủ châu Phi hay Brazil. Nếu các bạn tuyển chọn những cầu thủ đến từ các khu vực này, thì đa phần chất lượng không tốt, bởi các cầu thủ triển vọng đã được chuyển sang các nền bóng đá phát triển hơn, đặc biệt là châu Âu. Tôi biết một cầu thủ Argentina rất phù hợp với bóng đá Việt Nam, đó là Federico Vazquez. Vì không thương thảo được hợp đồng giữa đôi bên mà cậu ấy sau đó chuyển sang Serie C. Và cậu ấy đã ghi đến 30 bàn trong mùa đầu tiên. Thử nghĩ xem nếu cậu ấy thi đấu tại V-League thì sẽ thế nào ? Có thể là 40 bàn lắm chứ, vì trình độ V-League cũng tương đương với giải hạng Ba trong hệ thống của Italy thôi.
Nói chung, tôi thấy rằng bóng đá Việt Nam nên thay đổi, về các phương pháp huấn luyện cũng như chuyển nhượng. Đây là quốc gia đông dân, phần lớn đều yêu bóng đá. Các sân vận động với sức chứa hàng chục nghìn người có thể khiến bất cứ nơi nào trên thế giới ghen tị. Một nơi tuyệt vời để có thể phát triển bóng đá. Ở đây, chất lượng cầu thủ, như Công Phượng chẳng hạn, không quá thua kém so với những giải đấu hàng đầu châu Á như J- League hay K- League.
- Anh cũng biết Công Phượng?
Vâng, tôi khá thân với anh ấy. Chúng tôi biết nhau mấy năm rồi. Tôi hay gọi cậu ấy là Coutinho Việt Nam vì lối chơi tương đồng, gương mặt cũng từa tựa và cùng mặc áo số 10. Công Phượng là cầu thủ hoàn hảo, tôi rất, rất thích. Chuyến phiêu lưu của cậu ấy ở Bỉ thật đáng tiếc, vì tôi nghĩ cậu ấy có thể làm tốt hơn thế rất nhiều. Tuy nhiên Sint-Truiden đã không cho Công Phượng thời gian để chứng tỏ khả năng.
Lần đầu chứng kiến Công Phượng thi đấu, tôi lập tức bị mê hoặc. Tôi tìm cách liên lạc, ban đầu là thông qua bạn gái của Công Phượng vì cô ấy nói tiếng Anh tốt. Tôi cố gắng để có thể hiểu tình huống của Công Phượng, ngay trước khi cậu ấy chuyển đến Mito Hollyhock (Nhật Bản) năm 2016. Theo những gì tôi được biết khi đó, HAGL là CLB rất được yêu mến ở Việt Nam và vụ chuyển nhượng của Công Phượng cũng thu hút mọi sự chú ý của giới truyền thông. Nhưng tôi hiểu rằng chuyển Công Phượng đến châu Âu là nhiệm vụ bất khả thi. Tất nhiên, tôi đã cố gắng làm điều đó, không chỉ một lần. Nhưng khoản phí chuyển nhượng khổng lồ, theo tôi nhớ là 100.000 USD là rào cản. Không dễ để một CLB châu Âu bỏ ra ngần ấy tiền, cho một cầu thủ Việt Nam mới 19-20 tuổi.
Sau thời gian tại Bỉ, tôi đã tiếp cận Công Phượng một lần nữa. Nhưng hợp đồng ràng buộc cậu ấy với HAGL rất dài, có thể lên đến 10 năm. Quá khó cho một CLB Italy hoặc bất cứ nơi nào khác tại châu Âu chiêu mộ cậu ấy. Những vụ chuyển nhượng của Công Phượng sang Mito Hollyhock, Sint-Truiden hay Incheon, và kể cả TP HCM bây giờ đều là cho mượn, không phải bán đứt. Đó cũng là điều dễ hiểu khi một CLB cố gắng bảo vệ tài sản quí giá của mình. Tôi mong Công Phượng đạt được nhiều thành công khi trở về thi đấu tại quê nhà và cống hiến hết mình cho đội tuyển Việt Nam.
- Bên cạnh Công Phượng, mới đây còn một cầu thủ khác của Việt Nam là Đoàn Văn Hậu từng thử sức ở châu Âu nhưng cũng không tìm được chỗ đứng. Theo anh, đâu là rào cản lớn nhất khiến cầu thủ Việt Nam khó thành công ở châu Âu?
Chất lượng là điều quan trọng nhất để một cầu thủ có thể phát triển tại một môi trường mới. Chúng ta hãy bỏ qua những khó khăn như rào cản ngôn ngữ. Nếu kỹ thuật tốt, am hiểu chiến thuật của HLV, bạn có thể sở hữu chìa khóa để thành công ở bất cứ đâu.
Mục tiêu lớn nhất để phát triển một cầu thủ, ở châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng, luôn là thi đấu tại các giải đấu hàng đầu châu Âu. Họ sẽ được tiếp xúc với các phương pháp, mảng miếng chiến thuật và chế độ dinh dưỡng tiên tiến nhất. Một số đất nước nhỏ tại châu Âu, như Iceland hoặc Hà Lan, đã đạt những thành công trên đấu trường quốc tế. Việc trở thành một cầu thủ thi đấu tại châu Âu là khả thi nếu các bạn được tập luyện và hướng dẫn theo những phương pháp tại đây, từ rất sớm. Nhưng đó sẽ là thách thức cực đại cho các cầu thủ trẻ. Một môi trường vô cùng cạnh tranh. Bạn phải học cách đối diện và vượt qua áp lực. Công Phượng là điển hình cho tinh thần cầu tiến và học hỏi. Đáng tiếc là cậu ấy không thể ký hợp đồng với một CLB tại châu Âu sau thời gian ở Bỉ. Các CLB thường có suất cho cầu thủ ngoài EU, tuy nhiên họ không thể ký hợp đồng ngắn hạn được. Đồng thời, mức phí quá lớn cho một cầu thủ trẻ cũng là rào cản.
Bình luận