1. 21h ngày 22/3, phòng họp báo, sân Hàng Đẫy. Một phóng viên hỏi huấn luyện viên (HLV) Hữu Thắng về bàn thắng của Công Phượng trong trận hòa 1-1 của tuyển Việt Nam trước đối thủ Đài Loan (Trung Quốc). HLV Hữu Thắng không ngần ngại trả lời: Đó là một siêu phẩm.
Một số người bật cười. Bởi khi xem lại pha quay chậm, bóng từ cú sút của Công Phượng đã đập trúng người cầu thủ bên phía Đài Loan (Trung Quốc), đổi hướng và bay vào lưới. Một bàn thắng may mắn thì đúng hơn. Trong một thoát thiếu tập trung, HLV Hữu Thắng đã nhận định nhầm.
Trong thời buổi bóng đá bị thương mại hóa, khoa học hóa, thứ duy nhất môn thể thao vua này còn giữ lại là cảm xúc sung sướng dành cho tất cả những ai chứng kiến. Cảm xúc đôi khi lấn át lý trí, khiến HLV Hữu Thắng (có thể) vui vì pha làm bàn của Công Phượng mà quên mất bóng đã đập người cầu thủ đối phương, sau đó đưa ra đánh giá có chút nhầm lẫn.
Nhưng cái nhầm đó không nghiêm trọng bằng cái nhầm của khán giả - những người vì thứ cảm xúc của kỳ vọng mà chỉ trích Công Phượng, thúc ép cầu thủ này phải tỏa sáng dù "số 10" của tuyển Việt Nam còn chưa bước sang độ tuổi 23 - độ tuổi vẫn thuộc dạng "trẻ" đối với bóng đá, hay bất cứ khía cạnh nào khác trong cuộc sống.
2.Công Phượng cùng lứa U19 Việt Nam ra mắt người hâm mộ trong bối cảnh bóng đá nước nhà khan hiếm tài năng trầm trọng. Thành tích bết bát của các lứa U23, tuyển quốc gia khiến khán giả "khô héo" niềm tin, và Công Phượng, Văn Toàn, Tuấn Anh, Xuân Trường đã mang đến sự thay đổi. Một cơn mưa ập xuống cánh đồng cạn kiệt, nảy lại mầm sống hy vọng cho nền bóng đá đang trong giai đoạn làm lại từ đầu.
Video: Công Phượng ghi bàn vào lưới U22 Hàn Quốc bằng cú sút xa trái phá
Những pha đi bóng ấn tượng trước U19 Australia, U19 Indonesia hay U21 Thái Lan biến Công Phượng trở thành thần tượng. Một thần tượng bất đắc dĩ bởi theo chuyên gia Trịnh Minh Huế, nhiều cầu thủ U19 Việt Nam năm ấy không nổi trội so với mặt bằng khu vực, nhưng chúng ta yêu quý bởi bóng đá nước nhà không còn tài năng nào nổi trội hơn nữa.
Phần còn lại của câu chuyện, ai cũng biết. Công Phượng tỏa sáng trong giai đoạn 2013 - 2014, đặt dấu ấn tại SEA Games 2015, mất phong độ trong năm 2016 trước khi nhen nhóm hy vọng trở lại vào năm 2017. Đà sa sút của Công Phượng là hệ quả của chuyến "du học" tại Mito Hollyhock (Nhật Bản).
Truyền thông nước nhà khẳng định Công Phượng thất bại, dù chính cầu thủ xứ Nghệ chia sẻ về những điều học hỏi được ở nền bóng đá phát triển nhất châu Á.
Ở tuổi 22, Jamie Vardy đang vừa chơi bóng, vừa làm công nhân ở những đội bóng tầm thường tại Anh. Ở tuổi 22, N'Golo Kante đang là cầu thủ vô danh với hầu hết cổ động viên Pháp. Ở tuổi 22, rất nhiều ngôi sao quốc tế hiện tại còn chưa được công chúng quan tâm, tìm hiểu.
Nhưng ở tuổi 22, Công Phượng đã trở thành "con tin" của truyền thông. Chân sút sinh ra ở Đô Lương, Nghệ An được nâng lên, đặt xuống, được ca ngợi, bị "phán xử" nhiều lần trong 5 năm qua. Ở tuổi 22, Công Phượng bị gò ép vào khuôn mẫu của một "quý ông" thực thụ trên sân cỏ với lối chơi vừa đẹp mắt, vừa hiệu quả, phải chơi hay và giữ cái hay đó trong mọi trận đấu.
Và ở tuổi 22, Công Phượng không được bao dung dù chỉ một chút. Những người "trót" yêu và đặt Công Phượng lên vị thế quá cao so với khả năng liên tục thúc giục cầu thủ này tỏa sáng. Khi Công Phượng tỏa sáng, tiền đạo của HAGL lại được đưa lên mây với nỗi lo: Không biết bao giờ, mình lại bị kéo xuống?
3. Bóng đá hiện đại không có chỗ cho sự kiên nhẫn. Huấn luyện viên, cầu thủ hay bất cứ ai dấn thân vào nghiệp "bóng tròn" đều hiểu điều đó. Sự nóng vội của người hâm mộ tạo ra bàn đạp buộc các cầu thủ (đặc biệt là tài năng trẻ) phải nỗ lực ngày đêm, không được phép ngừng lại.
Mọi sự chững lại đều khiến cầu thủ bị thay thế bằng những cái tên đạt phong độ cao hơn, trước khi bị quên lãng vào dòng chảy thời cuộc bất tận.
Như đã nói, chu trình phát triển của cầu thủ luôn đi theo quy tắc bậc thang. Mỗi cầu thủ đều phải trải qua giai đoạn tích lũy, gần như không tiến bộ trong một thời gian dài, nhưng nếu duy trì nỗ lực và niềm tin, cầu thủ sẽ thực hiện được bước nhảy vọt về mặt phong độ.
Công Phượng đang phải trải qua độ giai đoạn ấy trong niềm tin chênh vênh của người hâm mộ. Ở tuổi 22, mọi sai lầm vẫn ở trong giới hạn chấp nhận được. Thất bại ở tuổi 22 không đảm bảo thất bại trong cả sự nghiệp. Nhưng tại sao, Phượng không có ngoại lệ đó để được bao dung, nhìn nhận "thoáng" hơn?
Bao nhiêu người nhớ rằng biệt danh "Messi Việt Nam" là do họ tự đặt cho Công Phượng, chứ cầu thủ này chưa bao giờ tự nhận như vậy? Bao nhiêu người có thể bỏ qua nếu Công Phượng không tỏa sáng ở kỳ SEA Games tới? Dù ở tuổi 22, tất cả mới chỉ bắt đầu.
Phải nhìn nhận, Công Phượng là cầu thủ có bản lĩnh hiếm gặp của bóng đá Việt Nam bây giờ, khi dùng đôi chân cùng những màn thể hiện trên sân để đạp lên mọi lời chỉ trích. Sau 90 phút đáng quên trước Jordan tại vòng loại Asian Cup 2019, Công Phượng có livestream trên Facebook với thông điệp: "Phượng không có phong độ tốt trong thời gian qua, mong mọi người tiếp tục ủng hộ Phượng để Phượng có thể trở lại".
Nói được, làm được, và màn trình diễn tại vòng loại U23 châu Á 2018 chính là câu trả lời.
Trải qua nhiều thăng trầm, phải gồng gánh sức ép ở độ tuổi đang hình thành tâm lý, Công Phượng xem như "già" thật. Sự già nua, chín chắn có phần ép buộc trong môi trường không đủ ổn định để các cầu thủ trẻ có khả năng phát triển bình thường. Nếu Công Phượng vượt ngưỡng, đó là một kì tích. Bởi bao năm qua, chúng ta đã vô tình dập tắt nhiều tài năng trẻ bằng những kì vọng viển vông, thiếu thực tế như vậy.
Bình luận