• Zalo

Coi chừng khi dùng thuốc nhỏ mắt

Sức khỏeThứ Bảy, 22/11/2014 12:34:00 +07:00Google News

Thuốc nhỏ mắt thường bán không cần đơn nên nhiều người khi bị bệnh về mắt thường đến quầy thuốc tự ý mua về dùng.

Thuốc nhỏ mắt thường bán không cần đơn nên nhiều người khi bị bệnh về mắt thường đến quầy thuốc tự ý mua về dùng.

Thuốc nhỏ mắt thường được coi là thuốc dùng ngoài, vì vậy, không ít người không xem kỹ đã dùng sai quy định khiến bệnh không lành, mà lại nặng lên, thậm chí mù lòa suốt đời.

Mắt không phải là cơ quan hấp thu, nhưng lại có cấu tạo rất tinh tế, cho nên các loại thuốc nhỏ mắt phải đạt các yêu cầu về chất lượng gần như thuốc tiêm. Thuốc nhỏ mắt chủ yếu là những chế phẩm dạng dung dịch hoặc hỗn dịch có tác dụng diệt khuẩn, chống viêm, gây tê trên bề mặt niêm mạc mắt.

Yêu cầu chung là các thuốc nhỏ mắt phải vô khuẩn, trong suốt (đối với dạng dung dịch), có áp suất thẩm thấu gần với nước mắt, có độ pH thích hợp không gây kích ứng mắt. Khi nhỏ thuốc vào mắt, mắt thường có phản ứng tăng tiết nước mắt để tự bảo vệ, do đó, thuốc bị pha loãng và một phần bị đẩy ra ngoài theo nước mắt. Để hạn chế tình trạng này, thuốc nhỏ mắt phải càng ít kích ứng mắt càng tốt.

Vì vậy, đa số các thuốc nhỏ mắt có dung môi pha chế là nước cất. Chỉ một số ít thuốc nhỏ mắt có vitamin A trong thành phần mới dùng dung môi dầu thực vật, do vitamin A tan trong dầu. Ngoài ra, người sản xuất còn cho thêm các chất làm tăng độ nhớt vào thuốc để tăng độ bám dính của thuốc lên niêm mạc mắt.

Ảnh minh hoạ 
Hiện nay thường có các loại thuốc nhỏ mắt sau:

Thuốc nhỏ mắt thành phần chỉ có corticoid: thường có thành phần hoạt chất là prednisolon, dexamethason, fluorometholon. Dùng thuốc nhỏ mắt chứa corticoid phải thận trọng vì corticoid là thủ phạm gây mất thị lực vĩnh viễn. Corticoid trong thuốc nhỏ mắt nhanh chóng làm mắt dễ chịu, hết đỏ nhưng nếu lạm dụng gây nhiều biến chứng vì corticoid tạo môi trường cho vi khuẩn và vi nấm phát triển.

Sử dụng lâu dài thuốc nhỏ mắt có chứa corticoid gây teo dây thần kinh thị giác, cườm nước, có nguy cơ dẫn đến mù lòa cao. Cần ghi nhớ thuốc nhỏ mắt có chứa corticoid không được dùng cho các bệnh nhân bị cườm nước, viêm giác mạc do siêu vi, viêm kết mạc do nấm… Vì vậy, việc dùng thuốc nhỏ mắt phải do bác sĩ chỉ định.


Thuốc nhỏ mắt thành phần chỉ có kháng sinh: loại thuốc này dùng để sát trùng và chống nhiễm khuẩn mắt. Các loại thuốc nhỏ mắt này thường được trình bày dạng lọ dung dịch mà hoạt chất là các kháng sinh như neomycin, tobramycin, ciprofloxacin, ofloxacin. Hay gặp nhất là dạng dung dịch hoặc dạng mỡ các kháng sinh chloramphenicol, gentamycin.

Thuốc nhỏ mắt kết hợp cả kháng sinh và corticoid: đây là loại thuốc nhỏ mắt rất phổ biến kết hợp trong thành phần cả hai nhóm hoạt chất chống viêm và chống nhiễm khuẩn. Thuốc hay được dùng khá phổ biến là chloramphenicol và dexamethason (dexacol).

Thuốc giãn đồng tử, thuốc dành cho bệnh cườm nước: Dùng trong chuyên khoa, phải do bác sĩ chỉ định và dùng theo sự hướng dẫn của nhân viên y tế.

Ngoài ra, hiện nay, các loại thuốc nhỏ mắt có tác dụng chống khô mắt, mỏi mắt... cũng được rất nhiều người ưa chuộng.

Cách dùng thuốc nhỏ mắt

Có 2 loại: nhỏ mắt (thuốc nước) và tra mắt (thuốc mỡ).

Nhỏ mắt: Phương pháp nhỏ thuốc rất quan trọng. Nếu nhỏ không đúng cách, thuốc có thể chảy ra ngoài thay vì vào mắt. Điều trước tiên cần nhớ là người nhỏ mắt phải rửa tay thật sạch và tháo kính áp tròng ra khỏi mắt trước khi nhỏ thuốc.

Trước tiên, cần lau mắt bằng mẩu bông ẩm, sạch cho hết bụi bặm. Tiếp đó, nhỏ vài ba giọt thuốc vào góc trong của mắt. Sau khi nhỏ, phải kéo mi dưới xuống một chút cho thuốc chan hòa khắp mắt. Nhớ là sau khi nhỏ xong mới kéo mi dưới xuống, đừng vừa nhỏ vừa kéo. Tiếp đó, lau các giọt thuốc thừa chảy ra cạnh góc sống mũi và hai mi.

Cần dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ mỗi ngày có thể nhỏ từ 3-6 lần tùy bệnh và mức độ mắc bệnh. Nếu mỗi ngày phải nhỏ 2-3 loại thuốc thì nhớ là tránh nhỏ cùng một lúc vì chúng sẽ pha loãng nhau ra. Vì vậy, cần nhỏ cách nhau nửa giờ.

Tra mắt: nằm là tốt nhất. Mở khe mắt bằng ngón cái và ngón trỏ của bàn tay trái. Ngón trỏ mở mi trên, ngón cái kéo mi dưới cho lộ kết mạc mi dưới màu đỏ ra. Bóp một thỏi thuốc mỡ vào mi dưới. Giữ mi trên không cho chớp vội bởi vì động tác chớp của mi trên rất nhanh. Nếu buông mi trên ra trước, mi trên sẽ chớp lấy thuốc mỡ gây dính ra ngoài mi và không ngấm được vào mắt.

Theo Báo Sức khoẻ Đời sống
Bình luận
vtcnews.vn