(VTC News) - Theo GS.TS Đặng Vũ Cảnh Khanh, những người có tiền, đi xe đẹp nhưng chưa chắc đã có văn hóa giao thông.
Vừa qua, VTC News có loạt bài phản ánh tình trạng người dân tự nhận mình là "vô văn hóa giao thông" khi ngang nhiên vi phạm luật dưới biển cấm, biển nhắc nhở ở tuyến đường Giảng Võ – Cát Linh – Giang Văn Minh (Ba Đình – Hà Nội) và nhiều tuyến đường khác.
GS.TS Xã hội học Đặng Vũ Cảnh Khanh - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Truyền thống và Phát triển, hiện là trưởng bộ môn Công tác xã hội trường Đại học Thăng Long |
- Giáo sư đánh giá như thế nào về Văn hóa giao thông của người Hà Nội hiện nay?
Chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy, văn hóa giao thông của người Hà Nội còn rất thấp. Văn hóa giao thông thấp có nhiều lý do như: tri thức về giao thông thấp, ý thức về tham gia giao thông thấp, điều kiện về cơ sở hạ tầng cũng là một hạn chế rất lớn”.
Theo tôi, văn hóa giao thông chính là sự hiểu biết đầy đủ và chấp hành luật giao thông. Khi lưu thông trên đường phải biết không chỉ vì lợi ích của bản thân mình mà còn phải bảo đảm an toàn cho những người khác. Đồng thời, phải biết cư xử có văn hóa khi lưu thông trên đường.
- Khi theo dõi những hình ảnh vi phạm giao thông ngang nhiên dưới biển cấm, biển nhắc nhở mà VTC News đăng tải, Giáo sư có nhận xét như thế nào?
Tôi khẳng định, đó là những hình ảnh rất xấu về giao thông ở Hà Nội. Ở dưới tấm biển: “Người có văn hóa giao thông không rẽ trái, đi ngược chiều, vi phạm luật giao thông đường bộ”, mà người dân vẫn vi phạm thì họ đang nhận mình là "vô văn hóa giao thông".
Vô tư quay đầu đi ngược chiều ngay dưới biển cấm |
- Vì sao văn hóa giao thông của người dân hiện nay lại thấp như vậy, thưa Giáo sư?
Có nhiều lý do dẫn đến thực trạng văn hóa giao thông thấp như hiện nay. Thứ nhất, người dân tự nhận 'vô văn hóa giao thông' vì thiếu tri thức về giao thông. Hay nói cách khác là họ thiếu những kiến thức về luật giao thông, về cách tham gia giao thông.
Chúng ta phải nhìn nhận vào một thực tế là luật giao thông chưa được nhiều người biết, có quá nhiều thứ phải quan tâm nên người dân đang bỏ qua việc tiếp thu luật giao thông, những kiến thức về giao thông. Không có kiến thức dẫn đến việc họ tham gia giao thông như trên mà không hề biết là mình đang vi phạm pháp luật.
Thứ hai, là những người có tri thức về giao thông, nhưng lại thiếu ý thức một cách trầm trọng, dẫn đến việc họ tham gia giao thông thiếu văn hóa.
Cụ thể như trường hợp VTC News đã nêu, có nhiều người ăn mặc lịch sự, đi xe đẹp, chắc chắn những người đó đã được học về luật giao thông, họ biết rõ về luật giao thông nhưng vẫn vi phạm. Rõ ràng, đây là nhóm người có ý thức rất kém, có kiến thức về giao thông nhưng lại thiếu ý thức khi tham gia giao thông.
Một nhóm người thứ 3 là với một số người đi vào đường ngược chiều, tiết kiệm được thời gian, thì họ lại cười cợt những người đang chấp hành đúng luật khi chờ đèn đỏ để đi đúng phần đường quy định. Họ cho rằng những người chấp hành luật là những kẻ ngu ngốc khi không biết "vi phạm" để tiết kiệm thời gian, rút ngắn quãng đường. Đây là những người đáng lên án nhất.
- Giáo sư đã gặp những trường hợp nào 'tri thức cao' nhưng thể hiện văn hóa giao thông thấp?
Nhiều lần tôi đi ngoài đường, gặp những người đi xe ô tô đắt tiền, khi họ thấy những cụ già đi qua đường mà không hề giảm ga, nhường đường cho người cao tuổi mà phóng càng nhanh hơn. Đó là những hành vi xấu, thiếu văn hóa khi tham gia giao thông. Họ có tiền, đi xe đẹp nhưng chưa chắc đã có văn hóa giao thông. Đó chỉ là số ít trong vô vàn trường hợp xảy ra hàng ngày trên đường phố hiện nay.
- Theo Giáo sư có những phương pháp nào để 'chữa bệnh' những người "vô văn hóa giao thông"?
Đối với mỗi nhóm người trên sẽ có một cách trị bệnh riêng. Trong trường hợp người dân thiếu về kiến thức giao thông, cần tổ chức tuyên truyền, phổ biến các kiến thức về giao thông như luật lệ, cách tham gia, ứng xử khi ra đường. Đó là cách giúp người dân nâng cao hiểu biết, để họ nhận thức được những hành vi vi phạm giao thông của mình mà tránh.
Phía sau tấm biển này, họ là những người 'vô văn hóa' giao thông' |
Nếu người tham giao giao thông có tri thức, có hiểu biết, nhận thức được hành vi tham gia giao thông của mình như vậy là sai trái những vẫn ngang nhiên vi phạm, thì cần phải xử phạt thật nặng để răn đe.
- Giáo sư nhìn nhận như thế nào về trách nhiệm của các cá nhân, đơn vị quản lý, hoạch định giao thông như thế nào khi văn hóa của người dân đang thấp như hiện nay ?
Từ trước tới nay, chúng ta quan niệm văn hóa giao thông chỉ dành cho những người tham gia giao thông, cụ thể là những người điều khiển phương tiện đi trên đường. Tuy nhiên, văn hóa giao thông phải bao gồm cả văn hóa giao thông của những người quản lý, hoạch định giao thông nữa.
Khi tổ chức giao thông, những người quản lý, hoạch định cần phải quan tâm và vì lợi ích cao nhất của người tham gia giao thông. Ví dụ như phân làn, cấm đường hay đặt những vị trí quay đầu xe, phải nghiên cứu đã phù hợp hay chưa. Nếu đi ngược lợi ích của người dân, thì việc xây dựng văn hóa giao thông sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
H.Chiến
Bình luận