• Zalo

Có người học 8 chứng chỉ vẫn không có việc làm

Giáo dụcThứ Ba, 22/09/2015 07:06:00 +07:00Google News

Đại biểu Quốc hôi nêu thực tế trong dạy nghề cho lao động nông thôn hiện nay có người học đến 7, 8 chứng chỉ mà vẫn không có việc làm.

(VTC News) – Đại biểu Quốc hôi nêu thực tế trong dạy nghề cho lao động nông thôn hiện nay có người học đến 7, 8 chứng chỉ mà vẫn không có việc làm.

Báo cáo của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội trước Ủy ban các vấn đề xã hội cũng chỉ rõ những tồn tại, hạn chế như, thị trường lao động phát triển chưa đồng bộ, chất lượng lao động còn hạn chế, việc làm chưa ổn định, năng suất và thu nhập thấp.
Hoạt động dạy nghề ở Việt Nam còn tồn tại nhiều hạn chế
Hoạt động dạy nghề ở Việt Nam còn tồn tại nhiều hạn chế  
Công tác dạy nghề chưa có chuyển biến căn bản, chất lượng dạy nghề chưa cao. Nguồn lực cho giảm nghèo còn bị phân tán, chính sách còn trùng lặp về đối tượng thụ hưởng, chồng chéo trong quản lý, tổ chức thực hiện nên hiệu quả chưa cao…

Tại phiên họp, các thành viên Ủy ban đề nghị làm rõ nguyên nhân và giải pháp của những hạn chế tồn tại trong thời gian qua.

Vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm là khoảng 200.000 lao động được đào tạo cao đẳng, đại học nhưng không có việc làm. Bên cạnh đó, công tác đào tạo việc làm cho lao động ở nông thôn còn bất cập, gây lãng phí cho xã hội.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) đặt vấn đề: “Trong dạy nghề cho lao động nông thôn hiện nay có hạn chế là có người học đến 7, 8 chứng chỉ mà vẫn không có việc làm. Từ thực tế này có nhiều ý kiến cử tri đề nghị điều chỉnh dạy nghề theo hướng nên giảm bớt dạy nghề ở địa phương và nên tập trung đào tạo nghề dài hạn hơn”.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền cho biết: “Tới đây sẽ tổng kết xem xét những chính sách nào không còn phù hợp thì giảm. Nhưng riêng đầu tư hạ tầng và các doanh nghiệp đầu tư ở huyện nghèo để tạo việc làm thì đây là vấn đề chốt, căn bản hơn”.

“Chính vì vậy, vừa rồi Chính phủ thống nhất dành nguồn lực hỗ trợ cho các huyện miền núi. Tôi nghĩ đó cũng là một trong những biện pháp, nếu không có chính sách đặc thù riêng thì không bao giờ giảm được khoảng chênh lệch này”, bà Chuyền nói thêm.

Bên cạnh đó, đại biểu Lê Thành Nhơn (Bình Dương) băn khoăn đặt câu hỏi về  trách nhiệm và giải pháp của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội khi có khoảng 200.000 người có trình độ cao đẳng, đại học bị thất nghiệp.

Trả lời câu hỏi này, bà Phạm Thị Hải Chuyền cho biết, số người thất nghiệp có bằng cao đẳng, đại học phần đông rơi vào các ngành học ứng với các vị trí của cơ quan hành chính. Số lượng cử nhân thất nghiệp rơi vào các ngành đào tạo kỹ thuật là không nhiều.

Bà Chuyền thông tin thêm, trong thời gian tới Bộ sẽ chú trọng vào công tác tạo việc làm, nhất là tạo việc làm cho lao động nông thôn, sinh viên mới ra trường; phát huy, nâng cao năng lực hoạt động của các trung tâm giới thiệu việc làm; ưu tiên giáo dục nghề nghiệp…

Năm 2016, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực, phát triển hệ thống trợ giúp xã hội đa dạng, toàn diện, bảo đảm bền vững, công bằng, bình đẳng; phấn đấu tỷ lệ thất nghiệp còn dưới 3%; giảm tỷ lệ hộ nghèo chung của cả nước theo chuẩn nghèo giai đoạn 2016 - 2020 từ 1 đến 1,5%; giải quyết việc làm cho 1,5 - 1,6 triệu lao động; phấn đấu để 98,5% hộ gia đình chính sách người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư nơi cư trú.

Minh Đức
Bình luận
vtcnews.vn