• Zalo

Có nên tự cắt bỏ da chân khi bị tiểu đường?

Sức khỏeThứ Ba, 25/09/2012 06:32:00 +07:00Google News

(VTCNews) - Gần đây tôi thấy ở chân xuất hiện những vùng da dày cứng hay những cục chai chân. Vậy tôi có nên tự ý cắt bỏ lớp da này?

(VTCNews) - Gần đây tôi thấy ở chân xuất hiện những vùng da dày cứng hay những cục chai chân. Vậy tôi có nên tự ý cắt bỏ lớp da này?

Hỏi:
Thưa bác sĩ, tôi bị tiểu đường khoảng gần 1 năm nay. Tôi vẫn dùng thuốc đều và áp dụng chế độ ăn uống khoa học.

Gần đây tôi thấy ở chân xuất hiện những vùng da dày cứng hay những cục chai chân. Vậy tôi có nên tự ý cắt bỏ lớp da này? Tôi cần chăm sóc đôi bàn chân thế nào để tránh nguy cơ cắt cụt khi mắc tiểu đường?

Ngọc Nam (Hải Phòng)

Trả lời
Ảnh minh họa nguồn Internet 
Nhiều bệnh nhân tiểu đường thường tự mình cắt bỏ đi vùng da dày cứng hoặc những nốt chai chân, nhưng điều này rất nguy hiểm vì có thể xảy ra nhiễm trùng hoặc biến chứng khó lường trước. Vậy nên tốt nhất để an toàn bạn nên nhờ đến sự giúp đỡ của bác sĩ trong trường hợp này.
Với bệnh nhân tiểu đường việc chăm sóc đôi bàn chân là điều rất quan trọng, bởi nếu bất cẩn bạn có thể trở nên tàn phế do phải tiến hành phẫu thuật cắt cụt chân khi đôi chân bị hoại tử.
Ngoài chế độ ăn uống để kiểm soát hàm lượng đường trong máu bạn cần thường xuyên quan tâm đến thói quen luyện tập. Hàng ngày hãy dành thời gian chăm sóc đôi chân để kiểm tra những bất thường có thể xảy ra nơi đây. Hãy liên lạc với bác sĩ nếu phát hiện đôi bàn chân có những dậu hiệu bất thường như sưng phù, tẩy đỏ, chảy máu, có vết cắt…
Nên hình thành thói quen ngâm chân mỗi ngày để kích thích máu lưu thông, khi ngâm châm nên kết hợp mát xa nhẹ nhàng sẽ càng có lợi.
Với thời tiết hanh khô, độ ẩm thấp bạn có thể dùng kem dưỡng ẩm để thoa lên đôi bàn chân, nhưng không nên thoa vào giữa các ngón chân vì rất dễ gây nhiễm trùng. Cách này giúp tăng cường và bổ sung độ ẩm cho da chân.
Bạn cần nhớ khi lựa chọn giày dép với người mắc tiểu đường là phải lựa chọn loại giày dép tạo cảm giác thoải mái khi mang, tuyệt đối không chọn đôi quá chật hay loại giày cao gót. Thêm vào đó cũng không nên mang chúng trong một khoảng thời gian dài, trước khi đi giày hoặc dép hãy kiểm tra kỹ xem trong giày hoặc dép có vật sắc nhọn nào không.
Nếu bạn là người có nguy cơ gặp rắc rối ở bàn chân thì tốt nhất nên kiểm tra sức khỏe cho đôi bàn chân từ 3 – 6 tháng/lần.
Với bệnh nhân tiểu đường nên từ bỏ những thói quen xấu như uống rượu, hút thuốc lá, ăn uống vô độ,…Đặc biệt nên cai thuốc lá vì khói thuốc là “thủ phạm” khiến cho những vết thương khó lành hơn và làm giảm khả năng lưu thông của máu trong cách động mạch chủ đến các mạch máu nhỏ ở tay và chân. Điều này đồng nghĩa rằng bạn dễ phải đối mặt với nguy cơ bị hoại tử tay và chân.


Khổng Thu Hà

Bình luận
vtcnews.vn