Trong cuộc sống bận rộn, việc tiết kiệm thời gian và tiền bạc luôn được ưu tiên. Vì vậy, nhiều gia đình thường nấu nhiều cơm hơn nhu cầu trong một bữa để tận dụng cho bữa ăn kế tiếp. Trong các trường hợp khác, người nội trợ không có ý định nấu một lần ăn vài bữa nhưng vẫn bị thừa cơm do nhiều lý do, và phần thừa được cất trong tủ lạnh, có khi để qua nhiều ngày.
Có nên ăn cơm thừa để lâu trong tủ lạnh hay không là điều khiến nhiều người băn khoăn.
Có nên ăn cơm nguội để tủ lạnh?
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, cơm nguội để trong đủ lạnh nếu được bảo quản và xử lý đúng cách thì vẫn có thể ăn mà không gây hại sức khoẻ. Tuy nhiên, không nên quá lạm dụng cách này hoặc thay thế cơm nóng bằng cơm nguội, bởi nó có thể làm giảm trải nghiệm ẩm thực và ảnh hưởng đến sức khỏe nếu không được xử lý đúng cách.
Cơm nguội để tủ lạnh nên được tiêu thụ trong vòng 24 giờ, và không nên hâm đi hâm lại nhiều lần để tránh cơm bị mất chất. Nếu để lâu hơn, cơm không chỉ kém ngon do tác động của nhiệt độ thấp mà còn có nguy cơ nhiễm khuẩn. Nếu không chắc chắn về chất lượng cơm đã để lâu, tốt nhất bạn không nên ăn cơm nguội để tủ lạnh mà nên bỏ đi để tránh rủi ro sức khỏe.
Nếu ăn cơm nguội để tủ lạnh, bạn cần thực hiện các bước bảo quản và hâm nóng đúng cách.
Bảo quản cơm nguội đúng cách
Sau khi nấu, bạn có thể để cơm nguội tự nhiên nhưng không quá 2 giờ trước khi cất vào tủ lạnh.
Nên bảo quản cơm nguội trong hộp đựng thực phẩm có nắp đậy kín để tránh nhiễm khuẩn. Không để các thức ăn khác dính vào cơm nguội trong quá trình bảo quản vì dễ khiến cơm bị thiu.
Nhiệt độ trong tủ lạnh nên được duy trì ổn định, tốt nhất nên để ở nhiệt độ dưới 4°C để hạn chế sự phát triển của vi khuẩn.
Các cách hâm nóng cơm nguội an toàn
Sử dụng nồi cơm điện
Nồi cơm điện là dụng cụ phổ biến và tiện lợi nhất để hâm cơm nguội. Đây cũng là phương pháp được nhiều người ưa chuộng vì đơn giản và nhanh chóng.
- Cho cơm nguội vào nồi cơm điện: Bạn nên rải đều cơm để cơm nóng đều và nhanh hơn, rưới thêm một ít nước lên bề mặt cơm. Lượng nước không cần quá nhiều, chỉ cần một hoặc hai thìa cà phê, đủ để tạo độ ẩm và làm cơm mềm hơn.
- Bật nút “cook” (nấu) và chờ khoảng 5-10 phút tùy vào lượng cơm. Khi cơm đã nóng và bốc hơi đều, nồi sẽ chuyển sang chế độ “warm” (giữ ấm). Lưu ý: Không nên để cơm trong chế độ giữ ấm quá lâu vì có thể làm cơm khô hoặc mất đi mùi vị tự nhiên.
Sử dụng lò vi sóng
Lò vi sóng là lựa chọn tuyệt vời để hâm cơm nhanh chóng, đặc biệt là khi bạn chỉ cần một phần cơm nhỏ. Bạn lấy cơm nguội vào tô hoặc hộp đựng thực phẩm có thể dùng trong lò vi sóng, rưới lên một ít nước để cơm không bị khô. Dùng màng bọc thực phẩm bọc kín miệng tô để giữ ẩm cho cơm (không để màng bọc tiếp xúc trực tiếp với cơm) rồi mới cho vào lò vi sóng và ấn nút hoạt động.
Hâm cơm ở công suất cao trong khoảng 1-2 phút tùy theo lượng cơm, sau đó kiểm tra xem cơm đã đủ nóng chưa. Nếu chưa, hãy tiếp tục hâm thêm 30 giây.
Sử dụng nồi hấp
Phương pháp này giúp cơm nóng đều và giữ nguyên hương vị. Bạn đun sôi nước trong nồi hấp, sau đó cho cơm nguội vào khay, đậy nắp lại và hấp trong khoảng 10 phút hoặc đến khi cơm nóng đều. Nếu muốn cơm thơm ngon hơn, bạn hãy hấp cơm với ít lá dứa hoặc rưới lên chút dầu mè.
Những người không nên ăn cơm nguội
- Người bị đau dạ dày: Người bị viêm loét dạ dày mạn tính thường bị thiếu dinh dưỡng do tiêu hóa và hấp thu kém. Cơm nguội là thực phẩm khó tiêu nên những người có tiền sử đau dạ dày không nên ăn.
- Phụ nữ sau sinh: Phụ nữ sau sinh cần chế độ dinh dưỡng cân đối, cung cấp nhiều năng lượng để mau chóng phục hồi sức lực, có đủ sữa cho con bú, đồng thời phải bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Vì thế, trong giai đoạn này, họ không nên ăn cơm nguội vì dinh dưỡng và độ an toàn đều thấp hơn.
- Người già, trẻ nhỏ: Do yếu tố sức khỏe, người già và trẻ nhỏ cũng là hai nhóm người được khuyên không nên ăn cơm nguội, đặc biệt không nên ăn cơm nguội để tủ lạnh vài ngày.
Bình luận