• Zalo

Cô gái Hà Nội làm Toán ở Mỹ

Diễn đànThứ Hai, 27/12/2021 07:39:16 +07:00Google News

Vào đại học từ năm 16 tuổi, cô gái Hà Nội Trần Mai Ngọc quyết định theo đuổi con đường làm toán.

Trần Mai Ngọc (1988) hiện là Assistant Professor (giáo sư trợ lý) Toán tại Đại học Texas – Austin (Mỹ).

Trước khi quay lại Mỹ vào năm 2017, nữ giáo sư trẻ từng có 7 năm học phổ thông và đại học ở Úc, 3 năm làm nghiên cứu sinh sau tiến sĩ (postdoc) tại Mỹ và 2 năm là giáo sư tại Đại học Bonn (Đức).

Cô gái Hà Nội làm Toán ở Mỹ - 1

Trần Mai Ngọc từng theo học tại Trường THCS Nguyễn Trường Tộ (Hà Nội).

16 tuổi vào đại học

GS Trần Mai Ngọc nói rằng, rất nhiều người thường nghĩ, một người muốn trở thành nhà toán học, ngay từ khi còn nhỏ phải có năng lực đặc biệt hoặc phải giành được các giải quốc gia, quốc tế về Toán. Nhưng thực tế, câu chuyện của chị lại hoàn toàn không giống vậy.

“Quả thực tôi có thích Toán từ những năm cấp 1, nhưng khi đó đơn giản chỉ vì cảm thấy “học Toán rất vui”, còn tôi chưa bao giờ là một học sinh xuất sắc về Toán. Thời phổ thông ở Việt Nam, tôi chưa từng theo học lớp chuyên Toán, cũng không lọt vào top những học sinh đại diện cho trường đi thi học sinh giỏi cấp quận…"

Ước mơ “muốn làm Toán” của chị Ngọc càng trở nên rõ ràng hơn khi vào năm lớp 8, chị theo bố mẹ sang Úc học tập.

“Tôi nhận thấy có một sự chênh lệch rất lớn giữa trình độ Toán của học sinh Việt Nam và học sinh Úc. Khi ấy, tôi thấy rất bực vì tại sao mình lại bị xếp vào lớp học kém đến vậy. Bất bình và cũng thêm một chút lo lắng, tôi sợ rằng sau 3 năm nữa, nếu phải quay trở lại Việt Nam, với chương trình học chậm thế này, tôi sẽ không thể thi nổi vào đại học trong nước”, chị Ngọc nhớ lại.

Vì vậy, mục tiêu của chị Ngọc lúc bấy giờ là phải học với tiến độ thật nhanh để có thể “vượt lớp”. Bỏ qua giai đoạn lớp 8, cô nữ sinh người Việt được học thẳng lên lớp 9 ở Úc, sau đó là lớp 11. Đến năm 16 tuổi, chị Ngọc đã hoàn thành chương trình lớp 12 tại Úc.

“Với kết quả học tập như thế, tôi có thể lựa chọn theo học bất kỳ ngành nào ở đại học Úc. Nhưng khi ấy, tôi nghĩ rằng mình phải chọn ngành nào cần sự tự học là chính, bởi như vậy mới có khả năng đi xa. Cuối cùng, tôi vẫn chọn Toán – một phần vì học phí ngành này rẻ và khả năng ứng dụng của Toán vào các ngành khác cũng rất gần gũi”.

Bài toán nào cũng có ‘công tắc để bật sáng’

Theo GS Ngọc, điều khiến chị thích thú nhất khi học Toán là chỉ cần bút và máy tính là có thể cạnh tranh với tất cả mọi người trên thế giới. “Mọi thứ trong Toán khá rõ ràng và công bằng. Tôi nhận thấy mình không gặp bất cứ điều gì bất lợi khi làm Toán”, chị Ngọc nói.

Đến năm 2009, chị Ngọc giành được học bổng tiến sĩ tại Mỹ, theo học về xác suất thống kê ở UC Berkeley. Lựa chọn hướng đi này, theo chị Ngọc là khá phù hợp với tính cách của bản thân.

“Tôi thường thích phân tích mọi thứ dựa trên các con số cụ thể thay vì bị ảnh hưởng bởi một lý thuyết hay định luật nào đó. Do đó, việc phân tích số liệu mà cụ thể là toán thống kê sẽ cho phép tôi làm việc độc lập từ những số liệu mà mình nhìn thấy. Ngoài ra, tôi cũng thích tìm kiếm những vấn đề khó, chưa có người giải ra và mình có thể đem lại một cách nhìn mới mẻ, khác lạ”.

Trong hơn 15 năm làm Toán, niềm vui của GS Ngọc là giải thành công những bài toán khó, đôi khi trải qua hàng chục năm vẫn chưa có lời giải.

“Tôi từng giải thành công một bài toán liên quan đến thiết kế bán đấu giá. Trên thực tế, có những cuộc đấu giá khá phức tạp. Ví dụ ở Hà Lan, chính phủ đấu giá đường cao tốc theo giờ, hay như ở Mỹ, có các cuộc đấu giá sóng radio.

Trong thiết kế của các cuộc đấu giá ấy, có nhiều bài toán đặt ra, ví dụ như ‘Làm thế nào để các cuộc đấu giá ấy thực sự công bằng’, hay ‘Làm thế nào để có thể đem về nhiều lợi nhuận nhất’. Tôi từng mất gần 2 năm để giải ra một bài toán khá phức tạp mà mất khoảng 15 năm vẫn chưa có người tìm thấy lời giải. Đó là điều khiến tôi rất hạnh phúc”.

Hay một bài toán tới đây GS Ngọc sẽ thực hiện liên quan đến các vấn đề về môi trường. Một phần lý do khiến chị quyết định giải bài toán này là vì tình yêu với Hà Nội.

“Hà Nội trong trí nhớ của tôi vốn rất đẹp. Nhưng giờ đây, tốc độ đô thị hóa đã khiến không khí Hà Nội không còn được trong lành như xưa. Đó là lý do khiến tôi muốn giải bài toán này. Nó sẽ giải quyết được nhiều câu hỏi, ví dụ như ‘Nếu có một nguồn nước bị nhiễm độc, làm sao để tìm ra nguồn của sự nhiễm độc ấy’, GS Ngọc nói.

Tất nhiên, trên hành trình ấy cũng có không ít lần chị gặp bế tắc. Nhưng nữ giáo sư trẻ cho rằng, người làm Toán cũng giống như đang đi vào trong một căn phòng tối, phải lần mò để tìm thấy cánh cửa ra. Dù rằng, cũng có những lúc sẽ đi vào đường cụt, nhưng điều quan trọng là mình không đứng yên một chỗ, mà vẫn tìm mọi cách để thoát ra theo một con đường khác.

“Người làm Toán không bao giờ được chùn bước mà lúc nào cũng phải tiến về phía trước. Tôi tin rằng, bài toán nào cuối cùng cũng có một “công tắc để bật sáng”, cho nên điều mình cần làm là phải cố gắng để tìm ra công tắc ấy”, GS Ngọc nói.

Nói với con về vẻ đẹp của Toán

Cô gái Hà Nội làm Toán ở Mỹ - 2

Bên cạnh công việc của một người làm Toán chuyên nghiệp, chị Ngọc còn là mẹ của 2 cô con gái, trong đó con gái lớn của chị năm nay lên 6 tuổi, chuẩn bị vào lớp 1.

“Tôi cho rằng, nếu học Toán mà phải sử dụng mẹo mực để giải thì đó không phải là Toán học nữa mà chỉ là một kiểu thách đố. Do đó, tôi muốn truyền cho các con tình yêu và sự hứng thú với Toán học thông qua những câu chuyện đẹp đẽ và lý thú” – nữ giáo sư trẻ nói.

Điều chị Ngọc mong muốn là dạy cho con các kỹ năng cần thiết để con có thể tự tin hơn trong tương lai. Điều này cũng được chị rút ra từ câu chuyện của chính bản thân mình.

“Tôi may mắn khi cả bố và mẹ đều không áp lực chuyện thành tích của con cái. Những năm cấp 1, tôi luôn là người duy nhất trong lớp không đi học thêm và cũng thường đi ngủ từ rất sớm. Nhưng bố mẹ lại tập trung đầu tư cho tôi nhiều kỹ năng khác, ví dụ như học võ, học bóng bàn, học bơi, học ngoại ngữ… Hay đến năm 9 – 10 tuổi, dù máy tính khi ấy chưa phổ biến, nhưng bố mẹ đã mua cho tôi một chiếc máy tính để học gõ chữ. Bố mẹ cho rằng, đó đều là những kỹ năng thực tế mà trường học không dạy cho trẻ.

Vì thế, vào cấp 2, tôi đã biết khá nhiều thứ mà các bạn chưa có cơ hội trải nghiệm. Cũng nhờ những kỹ năng ấy khiến tôi cảm thấy khá tự tin vào bản thân. Tôi cho rằng, với một đứa trẻ, khi có sự tự tin, chúng có thể làm được bất cứ thứ gì mà chúng cảm thấy thích thú hay mong muốn”, GS Trần Mai Ngọc nói.

Để theo đuổi con đường làm toán chuyên nghiệp

GS Trần Mai Ngọc chia sẻ, chị đã hướng dẫn một postdoc người Trung Quốc từng giành Huy chương Vàng trong kỳ thi Olympic Toán học Quốc tế (IMO).

“Bạn này rất giỏi, có khả năng tính toán hơn người. Bạn từng chia sẻ rằng mình đã luyện tập làm toán từ năm lên 7 tuổi, thành thạo đến mức chỉ cần nhìn một vài số đầu của một dãy số là đã có thể đọc được ngay kết quả. Và chính bạn ấy cũng thừa nhận, nếu không làm được như vậy thì không có khả năng đi thi IMO. Nhưng đây không phải nhà nghiên cứu về toán giỏi nhất tôi từng biết.

Bởi lẽ, vì có khả năng giải nhanh nên bạn ấy rất thích làm những bài toán cho ra kết quả ngay. Nhưng thực tế, có những bài toán phải mất tới 2 – 3 năm mới cho ra kết quả. Nó giống như thể chạy marathon và chạy ngắn. Khi nghiên cứu Toán, những bài dạng “marathon” rất nhiều; còn số lượng bài cho ra kết quả ngay lại khá ít”.

Do đó, để theo đuổi con đường làm toán chuyên nghiệp, GS Trần Mai Ngọc cho rằng, trước hết cần phải trả lời được câu hỏi “Tại sao mình thích toán?”.

Sau khi đã trả lời được câu hỏi này và thẳng thắn nhìn nhận năng lực của bản thân, để đi xa trong ngành, cần phải tìm cho mình một người thầy dẫn dắt, một hướng đi phù hợp với thế mạnh và tìm được một môi trường làm việc tốt. Đây đều là những yếu tố vô cùng quan trọng để theo đuổi con đường làm toán chuyên nghiệp.

GS Ngọc cũng cho rằng, với một người có năng lực tốt về Toán, có khả năng giải quyết vấn đề và không sợ đi ra ngoài những hiểu biết của bản thân,… họ hoàn toàn có thể sống tốt với việc làm toán. 

(Nguồn: Vietnamnet)
Bình luận
vtcnews.vn
Đọc tiếp